Vợ chồng giáo viên trẻ leo núi tìm sóng 4G, soạn giáo án nơi bản nghèo

25/11/2024

Để có sóng internet soạn giáo án, vợ chồng thầy Mùi ở huyện vùng cao Thanh Hóa phải vượt đèo, leo núi tìm sóng. Vất vả là vậy, nhưng nhiều năm qua, họ vẫn miệt mài với sự nghiệp "trồng người".

Không sợ khó, sợ khổ, chỉ lo học sinh bỏ học giữa chừng

Chiều một ngày giữa tháng 11, thầy Phạm Văn Mùi (33 tuổi) cùng vợ là cô Vũ Thị Loan mang theo điện thoại, laptop leo lên mỏm đá phía sau trường, dò tìm sóng 4G, soạn giáo án.

Thầy Mùi dạy Tiểu học và cô Loan là giáo viên Mầm non. Cả hai đã có nhiều năm công tác tại xã Trung Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa.

Media\1_hdu_home\FolderFunc\202411\Images/hung-song-thanh-hoa-1-1732007614438-20241125083025-e.jpg

Vợ chồng thầy Mùi leo núi cao, hứng sóng, soạn giáo án (ảnh Thảo Linh)

"Theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, yêu cầu thầy, cô cũng như học sinh phải tiếp cận với công nghệ thông tin. Vì thế, tôi lên mạng vào website của Bộ Giáo dục và Đào tạo để tải những bài giảng hay về tham khảo và soạn thành giáo án phù hợp để dạy cho các em", thầy Mùi nói.

Là giáo viên "chốt bản" ở vùng biên, khó khăn đủ đường, song thầy Mùi vui khi có vợ đồng hành. Vợ chồng thầy Mùi đã hơn 10 năm gieo con chữ ở nơi vùng núi nghèo. Với thầy giáo trẻ, tình yêu học trò, tình cảm vợ chồng đã làm "đất lạ hóa quê hương".

Thời gian qua, do phòng học ở điểm trường Cá Giáng, xã Trung Lý xuống cấp nên thầy Mùi và 31 học sinh phải học nhờ ở điểm trường mầm non Cánh Cộng, thuộc Trường mầm non Trung Lý. Dạy ở khu Cánh Cộng, thầy giáo trẻ hạnh phúc hơn khi được gần vợ, con.

Thầy Mùi sinh ra và lớn lên ở xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa), năm 2013, sau khi tốt nghiệp khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Hồng Đức, thầy lên huyện Mường Lát công tác. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, thầy đăng ký lên dạy ở khu lẻ Cá Giáng.

Media\1_hdu_home\FolderFunc\202411\Images/hung-song-thanh-hoa-2-1732007670028-20241125083029-e.jpg
Thầy Mùi trong một giờ lên lớp (Ảnh: Thảo Linh).

Dạy học ở huyện vùng cao xa xôi, ngoài khó khăn về đường sá, cơ sở vật chất, thì giáo viên "cắm bản" như thầy còn phải vượt qua rào cản về ngôn ngữ, văn hóa của người dân tộc Mông.

Năm 2014, thầy Mùi gặp cô Vũ Thị Loan (xã Thiệu Quang, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) rồi nên duyên vợ chồng.

Cô Loan cho hay, cách đây 10 năm, đường sá ở Cá Giáng khúc khủyu, đi lại khó khăn, chủ yếu đi bộ. Để đi từ trung tâm xã đến điểm trường, cô phải vượt nhiều đồi núi, qua sông Mã bằng bè mảng thô sơ.  

Điểm trường Cá Giáng, Cánh Cộng nằm biệt lập với trung tâm xã, cuộc sống của con em đồng bào Mông, các thầy, cô giáo nơi đây còn khó khăn. Mấy năm trước, bản chưa có điện, việc sử dụng máy tính, soạn giáo án điện tử không dễ dàng.

"Mỗi lần máy tính hết pin, vợ chồng tôi phải thay nhau vượt sông Mã, đến trung tâm xã để xin sạc nhờ. Giờ có điện nhưng mạng internet thì chưa có, sóng điện thoại chập chờn, không ổn định. Mỗi lần soạn giáo án, chúng tôi phải di chuyển, dò tìm sóng", cô Loan nói.

Cô giáo trẻ cho biết, 10 năm "3 cùng" với đồng bào Mông nơi biên viễn xứ Thanh, chị yêu mảnh đất, con người nơi đây bởi tính tình chất phác, thật thà.

"Dịp lễ, Tết chúng tôi thường được bà con biếu thầy, cô củ sắn, bắp ngô, con cá, học sinh hái hoa dại ven đường tặng. Các thầy cô cắm bản như vợ chồng tôi không sợ khó, sợ khổ chỉ lo học sinh bỏ học giữa chừng", cô Loan bày tỏ.

"Thầy, cô thấy khó khăn mà bỏ cuộc thì ai là người "nuôi" con chữ"

Thầy Nguyễn Mạnh Hảo, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trung Lý 2, cho biết, các thầy cô dạy ở điểm trường lẻ nói chung và vợ chồng thầy Mùi nói riêng là gương điển hình vượt khó để gieo chữ ở vùng khó.

Media\1_hdu_home\FolderFunc\202411\Images/hung-song-thanh-hoa-3-1732007715022-20241125083025-e.jpg

Một lớp học ở điểm lẻ Cánh Cộng (Ảnh: Thảo Linh).

"Là giáo viên dạy ở vùng khó, ngoài kiến thức chuyên môn, các thầy, cô còn phải có tinh thần "thép", nhiệt huyết với nghề. Nếu các thầy, cô cứ thấy khó khăn mà bỏ cuộc thì ai sẽ là người ở lại "nuôi" con chữ nơi đại ngàn", thầy Hảo bộc bạch.

Theo thầy Hảo, Trường tiểu học Trung Lý 2 có 5 khu, với hơn 400 học sinh. Tất cả các khu đều khó khăn, riêng Cánh Cộng, Cá Giáng cách trung tâm xã 30km. Năm 2023, hai khu này mới có điện lưới quốc gia.

Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, nhà trường triển khai việc áp dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy đến các khu lẻ. Tuy nhiên, tại điểm trường Cánh Cộng, Cá Giáng sóng rất yếu, 4G chập chờn.

"Mỗi lần, thầy, cô muốn liên lạc với bên ngoài, sử dụng internet họ phải treo điện thoại lên cây hoặc leo lên vị trí cao mới bắt được sóng", thầy Hảo nói.

Thầy hiệu trưởng mong muốn được Đảng, nhà nước, các mạnh thường quân quan tâm hơn nữa, để các thầy cô, học sinh ở vùng khó có nhiều điều kiện để tiếp cận với công nghệ, giúp việc dạy và học được tốt hơn.

Bà Nguyễn Thị Thúy, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Lát, cho biết, các thầy cô cắm bản là tấm gương sáng thể hiện lòng kiên trì, nhiệt huyết với sứ mệnh "trồng người".

"Việc các thầy, cô lặn lội dò sóng soạn giáo án thực hiện chương trình mới, thể hiện tinh thần vượt khó của giáo viên. Tình yêu nghề, yêu học trò đã tạo động lực để các thầy, cô vượt qua khó khăn, thách thức, ở lại nơi vùng sâu, vùng xa", bà Thúy chia sẻ.

Media\1_hdu_home\FolderFunc\202411\Images/hung-song-thanh-hoa-8-1732007821135-20241125083030-e.jpg

Vợ chồng thầy Mùi làm vườn sau giờ lên lớp (Ảnh: Thảo Linh)

Theo bà Thúy, huyện Mường Lát hiện có 33 cơ sở giáo dục, 100 điểm trường lẻ tại các bản, khu phố, với hơn 10.000 học sinh từ bậc Mầm non đến Trung học phổ thông.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của các nhà tài trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất nên mạng lưới trường, lớp học cơ bản đáp ứng được nhu cầu dạy và học trên địa bàn huyện.

Tuy nhiên, qua quá trình sử dụng lâu năm, tác động bởi thiên tai, nhiều hạng mục công trình ở một số trường, điểm trường bị xuống cấp, hư hỏng nặng, không thể sử dụng.

"Nhiều điểm trường lẻ ở vùng sâu, vùng xa, sóng 4G yếu, làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy và học theo chương trình mới", bà Thúy cho hay.

Theo https://dantri.com.vn/

Tin nổi bật

Tuyển sinh 2024

TIN LIÊN QUAN