14/05/2023
Phiên chợ được lấy cảm hứng từ sự tích Mai An Tiêm khi bị đày ra đảo hoang là vùng đất Nga Sơn, Thanh Hoá, bằng ý chí và nghị lực của mình đã khởi nghiệp thành công với nghề trồng dưa hấu. Phiên chợ là cầu nối khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; truyền cảm hứng, khát vọng khởi nghiệp cho các bạn sinh viên, thanh niên đang và sẽ khởi nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Cán bộ Nhà trường tham gia phiên chợ
Với mục đích tạo sân chơi để giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp của sinh viên, giảng viên Trường Đại học Hồng Đức cũng như của thanh niên, học sinh trong toàn tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh lân cận, tạo cơ hội gặp gỡ và giới thiệu sản phẩm trực tiếp đến khách hàng, nhà phân phối, nhà đầu tư; giúp sinh viên Trường Đại học Hồng Đức có cơ hội trải nghiệm và học tập cách thức bán hàng, tiếp thị sản phẩm từ chính những đơn vị tham gia phiên chợ, hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… Ban tổ chức Phiên chợ khởi nghiệp Mai An Tiêm mong muốn tạo ra phiên chợ xanh, sạch và chất lượng nhất để sinh viên khởi nghiệp, đồng thời lan tỏa lối sống xanh trong cộng đồng.
Quang cảnh phiên chợ
Tại phiên chợ các bạn sinh viên đã mang tới những sản phẩm từ các đề tài nghiên cứu khoa học, các ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên, giảng viên trẻ của Nhà trường; các sản phẩm, thực phẩm tham gia phiên chợ phải đạt một số tiêu chí nhất định, đáp ứng tính an toàn cho người sử dụng và có đầy đủ các giấy chứng nhận về chỉ số an toàn, đảm bảo sản phẩm chất lượng.
Các sản phẩm được bày bán là sự sáng tạo của các chủ thể dựa trên tài nguyên bản địa phong phú của địa phương như: Nông sản tươi ngon, ẩm thực xứ Thanh, phụ kiện Handmade và các sản phẩm khởi nghiệp khác...
Các gian hàng tại phiên chợ
Theo chị Nguyễn Thị Thanh Hải, cán bộ Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Trường Đại học Hồng Đức, phiên chợ hướng tới các đơn vị, doanh nghiệp mới khởi nghiệp, các bạn sinh viên có niềm đam mê khởi nghiệp với các sản phẩm có tính phổ quát cao, giải quyết bài toán nông sản địa phương, hoặc những sản phẩm mới mang tính đổi mới sáng tạo đột phá. Quan điểm được đặt ra khi tổ chức phiên chợ là hạn chế các sản phẩm bao bì công nghiệp nhằm tuyên truyền lối sống xanh, sạch, an toàn tới lớp trẻ hiện nay.
Các gian hàng tại phiên chợ
Tham dự phiên chợ, người mua không chỉ được lựa chọn, dùng thử các đồ thủ công, sản phẩm, nông sản xanh - sạch, thân thiện với môi trường mà còn được nghe người bán kể những câu chuyện về quá trình làm ra sản phẩm, về sự nỗ lực của mình với khách hàng.
Khách hàng tham gia phiên chợ
Đến với phiên chợ, các bạn trẻ được làm quen với việc kinh doanh, buôn bán, để tích lũy cho mình thêm kinh nghiệm khởi nghiệp.
Các sản phẩm được bày bán tại phiên chợ hướng đến lợi ích, sức khỏe người tiêu dùng.
Những sản phẩm nông sản, thực phẩm, sản phẩm OCOP luôn có một sức hút đặc biệt đối với những người quan tâm đến sức khỏe.
Phiên chợ khuyến khích khách hàng không sử dụng túi nilon nhằm bảo vệ môi trường.
Được biết, các doanh nghiệp khi tham gia phiên chợ sẽ hỗ trợ một phần chi phí cho nhóm sinh viên tham gia gian hàng để các em học sinh, sinh viên không có quá nhiều áp lực về mặt chi phí và có cơ hội học hỏi trực tiếp từ các anh chị đi trước. Đây sẽ là nơi để các bạn sinh viên thử nghiệm phản hồi của khách hàng đối với sản phẩm, ý tưởng của mình trước khi đưa vào sản xuất lớn.
Tham gia Phiên chợ, các bạn nhỏ còn được trải nghiệm nhiều trò chơi hấp dẫn và được nhận những phần quà thú vị
Với những giá trị thiết thực, sản phẩm đa dạng, phong phú, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, dân tộc, Phiên chợ khởi nghiệp Mai An Tiêm đã để lại nhiều ấn tượng cho khách hàng, nhà phân phối, nhà đầu tư…
Cán bộ giảng viên tham dự và check in tại Phiên chợ.
Trung tâm CNTT&TT