24/04/2023
Nhà thơ, Nhà Lý luận văn học Trương Đăng Dung giao lưu với cán bộ giảng viên, giáo viên và học sinh, sinh viên Trường Đại học Hồng Đức và Trường THPT Lam Sơn
PGS, TS. Trương Đăng Dung được biết đến không chỉ là một Nhà thơ mà còn là Nhà lý luận Văn học. Ông sinh năm 1955 tại xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Năm 1978, ông tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Budapest, Hungary, bảo vệ luận án Tiến sĩ sau đó 6 năm (1984). Ông nguyên là Phó Viện trưởng Viện Văn học. Sau 40 năm miệt mài lao động – sáng tạo, cho đến nay, nhà thơ, nhà lý luận văn học Trương Đăng Dung đã có một sự nghiệp văn học phong phú, bề thế, gồm các công trình nghiên cứu lý luận văn học, các tác phẩm dịch thuật và các tập thơ. Đối với Trương Đăng Dung, nếu “thơ là sự diễn giải các trạng thái của tồn tại người một cách tự nguyện”, thì “lý luận văn học là sự khám phá cái đặc trưng bản thể của văn bản văn học một cách khoa học”. Có lẽ vì những thiên chức đặc biệt đó, cả hoạt động sáng tác thơ ca và hoạt động nghiên cứu khoa học đối với ông đều cần thiết như là những nhu cầu tự thân trong cõi nhân sinh. Cho đến nay, ông đã có gần 20 đầu sách được xuất bản. Ở cả hai thể loại thơ và lý luận văn học, Trương Đăng Dung đều có tác phẩm được nhận giải thưởng. Tác phẩm "Những kỷ niệm tưởng tượng" đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2011 và công trình "Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa" vinh dự được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021.
PGS.TS. Mai Văn Tùng - Trưởng khoa KHXH phát biểu tại buổi giao lưu
PGS.TS. Lê Tú Anh - Phó trưởng khoa KHXH phát biểu tại buổi giao lưu
Bên cạnh là nhà thơ, nhà lý luận văn học, Trương Đăng Dung còn được biết đến là một dịch giả, một cầu nối văn học Việt Nam và Hungary cũng như các nước phương Tây thông qua nhiều tác phẩm dịch như: Truyện Kiều (Nguyễn Du) dịch sang tiếng Hungary (NXB Europa, 1984); Lâu đài (Tiểu thuyết của Franz Kafka) sang tiếng Việt (NXB Văn học, H., 1998); Thằng điên và qủy sứ (tiểu thuyết của Sarkadi Imre), NXB Thanh niên, H., 2010;…
Toàn cảnh buổi giao lưu
Tại chương trình giao lưu, Nhà thơ Trương Đăng Dung đã trao đổi, chia sẻ về hành trình thơ, những nét độc đáo, đặc sắc trong thơ của ông; về hành trình nghiên cứu lý luận văn học; về sự vận động của tư duy lý thuyết văn học từ 1986 đến nay …, trước những câu hỏi thú vị của khán giả tham gia chương trình, Nhà thơ Trương Đăng Dung đã trả lời, diễn giải một cách thấu đáo những quan niệm của ông về thơ ca, về sáng tạo văn học nghệ thuật và phê bình lý luận. Ngoài ra, các bạn sinh viên còn được nghe Nhà văn chia sẻ về cuộc đời mình, về sự nghiệp sáng tác, về những kỷ niệm, chiêm nghiệm trong thơ; về những khó khăn trong quá trình nghiên cứu lý luận văn học, trong dịch thuật các tác phẩm văn học.
Chương trình thực sự là diễn đàn trao đổi chuyên môn học thuật bổ ích, thắp sáng lên tình yêu, niềm đam mê sáng tạo nghệ thuật trong tâm hồn các bạn trẻ đặc biệt là học sinh, sinh viên ngành sư phạm Ngữ văn và khối ngành KHXH&NV của Trường Đại học Hồng Đức.
Đại biểu tham dự buổi giao lưu
Các bạn học sinh, sinh viên đặt câu hỏi, giao lưu với Nhà thơ Trường Đăng Dung
Đại biểu tham dự và học sinh sinh viên chụp ảnh lưu niệm với Nhà thơ Trương Đăng Dung