Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo: Bài 1: Thay đổi để thích ứng

24/08/2022

Chuyển đổi số (CĐS) đang là chủ trương lớn của Chính phủ và mọi ngành nghề, trong đó có giáo dục. Vì vậy, những năm gần đây, đặc biệt là khi dịch COVID-19 bùng phát, ngành giáo dục cả nước nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng đang từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm; ứng dụng tiến bộ công nghệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, nâng cao chất lượng, xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số.
Media/1_hdu_home/FolderFunc/202208/Images/z3654500277925-4c9f0b685aeccb289be5bc6ac6d5574c-20220824065743-e.jpg

Thư viện số của Trường Đại học Hồng Đức được kết nối với kho dữ liệu số quốc gia.

Từ các trường phổ thông...

Nếu như trước đây, công tác quản lý trong giáo dục chủ yếu thông qua hồ sơ, sổ sách là chính, thì giờ đây, việc quản lý hồ sơ, sổ sách của cán bộ, giáo viên (CB, GV) đã được đơn giản hóa bằng công nghệ thông tin (CNTT). Các dữ liệu của ngành giáo dục tất cả đã được cập nhật vào hệ thống phần mềm, giúp cho cán bộ quản lý tiện lợi mà không rườm rà về mặt sổ sách. Trong giảng dạy cũng vậy, trước đây, GV mầm non phải rất vất vả để có thể tìm kiếm những hình ảnh, biểu tượng, đồ dùng phục vụ bài giảng, thì nay, GV có thể sử dụng internet để chủ động khai thác tài nguyên giáo dục phong phú cho bài giảng điện tử. Chỉ cần vài “click chuột” là hình ảnh những con vật ngộ nghĩnh, những bông hoa đủ màu sắc, những hàng chữ biết đi và những con số biết nhảy theo nhạc hiện ra, thu hút sự chú ý và kích thích hứng thú học tập của học sinh (HS). Đối với các bậc học khác cũng vậy, những bài giảng từ giáo án điện tử (GAĐT) ở các môn học như Toán, Sinh học, Hóa học, Lịch sử, Địa lý... đã tạo sự hấp dẫn, tư duy nhiều chiều trước một vấn đề cho cả người dạy và người học. Vì vậy, sử dụng GAĐT và ứng dụng CNTT trong quản lý, giảng dạy, học tập đang là xu thế trong ngành giáo dục. Đặc biệt, trước sự bùng phát của dịch COVID-19 với không ít khó khăn, thách thức, các nhà trường cũng như toàn ngành giáo dục đã không ngừng đẩy mạnh CĐS để thích ứng và phát triển.

Chúng ta đã chứng kiến cảnh HS, GV phải tạm ngừng đến trường, các hoạt động giáo dục bị hạn chế khi dịch COVID-19 bùng phát. Tuy nhiên, đây cũng chính là thời điểm mà CNTT được khai thác một cách triệt để, toàn diện nhằm thực hiện mục tiêu “Tạm ngừng đến trường, không ngừng học”. Minh chứng cho thấy, thay vì dạy học tập trung tại trường, ngay từ những ngày đầu của năm học mới 2021-2022, Trường THCS Điện Biên (TP Thanh Hóa) đã tổ chức dạy học online qua phần mềm Zoom, Google meet cho HS toàn trường - việc làm này chưa có trong tiền lệ. Để việc dạy học online đạt kết quả tốt nhất, nhà trường đã sớm xây dựng phương án, kế hoạch và triển khai đến toàn thể CB, GV, đồng thời chuẩn bị chu đáo mọi điều kiện từ kế hoạch bài giảng, GAĐT, tập huấn kỹ năng dạy học online đến cơ sở vật chất. Mỗi GV cũng xác định nhiệm vụ của mình nên đã nỗ lực hết mình cũng như chuẩn bị tốt tâm thế, điều kiện cần thiết cho các tiết dạy online.

Hay như Trường THPT Chu Văn An (TP Sầm Sơn), để không bị gián đoạn việc dạy và học của cả GV và HS tại thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, nhà trường đã thành lập 3 phòng học trực tuyến, mỗi phòng học dạy cho 1 khối lớp. Cả 3 phòng học đều được tổ chức theo thời khóa biểu, như dạy học trực tiếp trên lớp và ghi sổ đầu bài đầy đủ. Trong mỗi tiết dạy của GV đều có sự tham gia dự giờ, hỗ trợ của các GV cùng bộ môn, của kỹ thuật viên VNPT Thanh Hóa và có sự giám sát chặt chẽ của ban giám hiệu nhà trường. Đặc biệt, sau mỗi buổi học, GV bộ môn sẽ tương tác với HS để nắm bắt tình hình học tập, những HS nào chưa hiểu bài hoặc không tham gia buổi học sẽ được hỗ trợ hoặc gửi tài liệu qua nhóm zalo, facebook nhằm giúp các em học tập tốt hơn. Riêng đối với HS khối 12, ngoài học trực tuyến qua phòng học chung của nhà trường, ban giám hiệu nhà trường còn chỉ đạo GV tăng cường dạy qua phòng học riêng của GV chủ nhiệm, GV bộ môn vào mỗi buổi tối. Cách làm của nhà trường đã mang lại nhiều tiện ích, nhận được sự hưởng ứng tích cực của cả GV, HS và phụ huynh HS.

...đến các trường đại học

CĐS không chỉ làm thay đổi phương pháp giảng dạy, phương thức quản trị trong các trường phổ thông, mà còn là quá trình tất yếu đối với hệ thống giáo dục đại học (ĐH) trong giai đoạn hiện nay. Là trường có quy mô lớn, đa dạng các ngành nghề đào tạo, những năm qua, Trường ĐH Hồng Đức đang từng bước thay đổi từ phương thức đào tạo truyền thống sang sử dụng các hệ thống CNTT, phần mềm để xây dựng mô hình tổng thể quản trị ĐH trên nền tảng số. Giám đốc Trung tâm CNTT và Truyền thông, Trường ĐH Hồng Đức Lê Đình Nghiệp cho biết: Trường ĐH Hồng Đức đã được đầu tư cơ sở hạ tầng về CNTT, hạ tầng mạng, hệ thống máy chủ, đường cáp quang kết nối tốc độ cao, hệ thống phòng máy chủ, trung tâm dữ liệu... tương đối đồng bộ, hiện đại. Ngoài ra, nhà trường còn có một phòng học thông minh với các thiết bị thông minh hỗ trợ giảng viên và sinh viên tương tác hiệu quả trong quá trình dạy học; 1 phòng thí nghiệm về lĩnh vực khoa học máy tính với các trang thiết bị, các hệ thống máy xử lý dữ liệu tốc độ cao, giúp sinh viên của ngành khoa học máy tính có thể học tập và thử nghiệm các thuật toán về khai thác, sử dụng dữ liệu, dữ liệu lớn, các thuật toán về trí tuệ nhân tạo hoặc công nghệ blockchain hiệu quả... Đặc biệt, trước yêu cầu về CĐS trong quản lý và đào tạo, nhà trường đã trang bị hệ thống phần mềm quản trị nhà trường hiện đại, trong đó, các đối tượng như nhà quản lý, giảng viên, sinh viên đều có môi trường làm việc trên không gian số. Từ việc sử dụng các phần mềm, như phần mềm quản lý đào tạo PMT-EMS Education; phần mềm quản lý nội dung học tập, học trực tuyến LMS; phần mềm tổ chức thi trực tuyến iTest... nhà trường có thể quản lý, theo dõi các hoạt động của giảng viên, giám sát lớp học hay các hoạt động khác liên quan đến các khoa đào tạo một cách hiệu quả trên môi trường mạng.

Phó Giáo sư, tiến sĩ Bùi Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức chia sẻ: Mục tiêu của Trường ĐH Hồng Đức trong thời gian tới là xây dựng nhà trường trở thành một trong những mô hình CĐS mẫu cho các trường ĐH, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ... Theo đó, từ nay đến năm 2025 nhà trường sẽ tập trung hoàn thiện xây dựng kiến trúc CĐS tổng thể cho Trường ĐH Hồng Đức, cơ sở hạ tầng mạng, trang thiết bị CNTT, phòng thí nghiệm chuyên ngành, phòng học thực tế ảo, phòng học trực tuyến phục vụ dạy học các chương trình tiên tiến và nghiên cứu chuyên sâu được nâng cấp và xây dựng. Xây dựng hệ thống quản trị và điều hành thông minh, tích hợp được 100% các dịch vụ số trong nhà trường, tích hợp hệ thống camera giám sát an ninh ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn... Để thực hiện thành công CĐS trong nhà trường, Trường ĐH Hồng Đức đã vạch ra lộ trình và các giải pháp cụ thể. Trước mắt, tăng cường tuyên truyền vai trò của CĐS, nâng cao nhận thức cho toàn thể CB, GV, người lao động trong nhà trường. Lãnh đạo nhà trường phải là những người tiên phong, đi đầu và phải gắn kết mục tiêu với việc triển khai CĐS; xây dựng tinh thần đổi mới sáng tạo, ứng dụng CNTT trong thực thi công việc xuyên suốt từ lãnh đạo nhà trường đến đội ngũ giảng viên, nhân viên; có các nghiên cứu về mô hình CĐS trên thế giới... Phấn đấu đến năm 2030, Trường ĐH Hồng Đức trở thành trường học thông minh trong nhóm dẫn đầu các trường ĐH trong cả nước.

Cùng với Trường ĐH Hồng Đức, Trường ĐH Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cũng đang thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo bước chuyển mình mạnh mẽ để bắt nhịp xu hướng số. Theo Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học, Trường ĐH Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa Nguyễn Thị Thanh Nga, đến nay Trường ĐH Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng CNTT, lắp đặt hệ thống wifi miễn phí toàn trường. Đề cương, bài giảng các môn học đều được biên soạn với nội dung có thể triển khai giảng dạy online khi cần thiết. Nhà trường cũng đang từng bước xây dựng kho học liệu mở với hệ thống bài giảng, bài tập, tài liệu có tính tương tác cao; tăng cường ứng dụng CNTT trong kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo. Đặc biệt, để nâng cao chất lượng giảng dạy, nhà trường luôn chú trọng bồi dưỡng đội ngũ giảng viên có kỹ năng về công nghệ và phương pháp sư phạm để thực hiện CĐS, như phương thức vận hành các công cụ giảng dạy trên môi trường số, cách thức biên soạn tài liệu số, xây dựng bài giảng tương tác...

Có thể thấy, quá trình CĐS trong các cơ sở giáo dục là quá trình đổi mới tự thân nhằm thích ứng cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển, đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quá trình CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Theo ông Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), hiện Thanh Hóa có 100% các trường THCS&THPT, THPT, Phòng GD&ĐT đã triển khai xử lý hồ sơ, công việc trên môi trường điện tử (Td Office); hơn 80% trường học đã sử dụng phần mềm quản lý nhà trường (vnEdu, Smas, QLTH.VN...), các bậc học THCS, THPT luôn đạt trên 95% đơn vị sử dụng phần mềm quản lý trường học; 100% các trường THCS, THPT sử dụng sổ điểm điện tử; hơn 90% CB, GV và hơn 80% HS có ít nhất một tài khoản sử dụng phần mềm quản lý trường học. Các trường học đang dần sử dụng các phần mềm kiểm định chất lượng giáo dục, thanh toán không dùng tiền mặt, thẻ điểm danh thông minh, ứng dụng OTT trên di động cho CB, GV, phụ huynh HS... Cùng với cả nước, ngành GD&ĐT Thanh Hóa sẽ kiên trì chủ trương tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và dạy học, phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025, có 20% số trường áp dụng mô hình trường học thông minh, lớp học thông minh; 100% các trường được kết nối đường truyền internet băng thông rộng; 100% trường học, GV, HS, sinh viên được trang bị đầy đủ về hạ tầng, nền tảng, máy tính và các phương tiện phục vụ cho việc dạy và học trực tuyến; 100% HS được tiếp cận dịch vụ internet và các kho học liệu trực tuyến...

Bài 2: Thời cơ và thách thức.

Bài và ảnh: Phong Sắc (Báo Thanh Hóa)

Tin nổi bật

Tuyển sinh 2024

TIN LIÊN QUAN