Giao lưu học thuật “Văn học với đời sống”: kết nối trường học với thực tiễn sáng tác và tiếp nhận tác phẩm văn học

24/04/2025

Ngày 22/04/2025, tại Trường Đại học Hồng Đức đã diễn ra chương trình giao lưu học thuật mang chủ đề “Văn Đắc, Từ Nguyên Tĩnh - Những gương mặt tiêu biểu của văn học Thanh Hóa đương đại”, với sự tham gia của đông đảo giảng viên, sinh viên ngành Ngữ văn, Khoa Khoa học Xã hội cùng các nhà văn, nhà thơ đến từ Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Thanh Hóa.

Không đơn thuần là một hoạt động văn nghệ mang tính giải trí, chương trình được tổ chức với mục tiêu học thuật rõ ràng: làm cầu nối giữa lý luận văn học và thực tiễn sáng tác, giữa người học và người sáng tác, từ đó nâng cao hiệu quả đào tạo, khơi gợi đam mê và nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo văn chương trong sinh viên.

Hành trình sáng tác và dấu ấn cá nhân

Tại buổi giao lưu, nhà thơ Văn Đắc và nhà văn Từ Nguyên Tĩnh đã có những chia sẻ chân thành, sâu sắc về hành trình sáng tác nghệ thuật của mình. Bằng phong thái dung dị, gần gũi nhưng đậm chất học thuật, hai diễn giả đã mở ra nhiều hướng tiếp cận mới cho sinh viên trong việc hiểu và cảm nhận văn học.

Media\2004_khxh.hdu.edu.vn\FolderFunc\202504\Images/dsc4931jpg-20250423041838-e.jpg

Nhà thơ Văn Đắc chia sẻ những điều thú vị về thơ và hành trình sáng tác của mình

Media\2004_khxh.hdu.edu.vn\FolderFunc\202504\Images/dsc4946jpg-20250423041704-e.jpg

TS. Hoàng Thị Huệ cảm nhận thơ Văn Đắc bằng tiểu luận hấp dẫn

Media\2004_khxh.hdu.edu.vn\FolderFunc\202504\Images/gl-ly-lanjpg-20250423041648-e.jpg

Song ca: Hà Lý - Hà Lan gửi tặng các văn nghệ sĩ, các thầy cô và sinh viên tại buổi giao lưu 

Nhà thơ Văn Đắc, với phong cách lãng tử, phiêu bồng, đã phân tích sự khác biệt giữa thơ trữ tình và trường ca, đồng thời chia sẻ quá trình tìm kiếm và khẳng định phong cách cá nhân sau nhiều năm vượt ra khỏi những khuôn mẫu mang tính mô phạm. Qua phần trình bày và bài tiểu luận “Văn Đắc - Đi tìm thời trai trẻ” của TS. Hoàng Thị Huệ, người nghe được dẫn dắt khám phá những trạng thái phong phú, đa dạng trong thơ ông: từ trực cảm bản năng đến chiều sâu triết lý, từ cổ điển đến hiện sinh.

Trong khi đó, nhà văn Từ Nguyên Tĩnh lại gây ấn tượng với bề dày tác phẩm: 4 tập thơ, 10 tập truyện ngắn và ký, cùng 6 cuốn tiểu thuyết. Đặc biệt, tập truyện ngắn “Mối tình chàng Lung mù” đã mang về cho ông Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2022. Là một người từng là lính pháo tại Hàm Rồng, dấu ấn chiến tranh hiện hữu rõ nét trong các sáng tác của ông, trong đó có tiểu thuyết “Truyền thuyết sông Thu Bồn”. Ông chia sẻ: “Nhà văn, nhà thơ nếu chỉ biết sáng tác mà không biết tự phản biện và nghiên cứu chính mình, thì tác phẩm khó có thể đi xa.” Những chia sẻ này được soi sáng và phân tích sâu sắc qua tiểu luận “Đặc trưng truyện ngắn Từ Nguyên Tĩnh” của TS. Nguyễn Thị Hạnh.

Media\2004_khxh.hdu.edu.vn\FolderFunc\202504\Images/gl-jpg-20250423041840-e.jpg

Nhà văn Từ Nguyên Tĩnh trao đổi tại diễn đàn

Media\2004_khxh.hdu.edu.vn\FolderFunc\202504\Images/gl-hanhjpg-20250423042511-e.jpg

TS Nguyễn Thị Hạnh cảm nhận tác phẩm của nhà văn Từ Nguyên Tĩnh qua tiểu luận đầy phát hiện tinh tế

Dấu ấn Thanh Hóa trong văn chương

Buổi giao lưu cũng là dịp để sinh viên và giảng viên ngành Ngữ văn tiếp cận và phân tích cái gọi là “chất Thanh” – những dấu ấn rất riêng của quê hương Thanh Hóa trong thơ Văn Đắc và văn, thơ Từ Nguyên Tĩnh. Những câu hỏi thông minh, góc nhìn đa chiều từ sinh viên cho thấy sự trưởng thành trong tư duy văn học cũng như khát khao kết nối lý thuyết với thực tiễn.

Các nhà thơ, nhà văn đến từ Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Thanh Hóa như Huy Trụ, Lâm Bằng, Đinh Ngọc Diệp, Vũ Quang Trạch... cũng chia sẻ niềm xúc động trước không khí học thuật sôi nổi, đồng thời khẳng định chính sự tiếp cận, phân tích của thầy cô và sinh viên đã thắp lên nguồn cảm hứng để họ tiếp tục sáng tác.

Media\2004_khxh.hdu.edu.vn\FolderFunc\202504\Images/tnt-20250423064401-e.jpg

Lãnh đạo khoa KHXH tặng hoa và quà cho nhà thơ Văn Đắc, nhà văn Từ Nguyên Tĩnh

Hướng tới những kết nối bền vững

Buổi giao lưu đã khép lại nhưng dư âm để lại còn rất lâu dài. Đây là minh chứng rõ ràng cho vai trò quan trọng của nhà trường trong việc tạo dựng cầu nối giữa lý thuyết và thực tiễn, giữa người học và người làm nghề. Sự kiện đã mở ra một không gian học thuật mới mẻ, sống động, đầy cảm hứng – nơi mà những mầm non văn chương có cơ hội được trao đổi, lắng nghe, học hỏi trực tiếp từ các tác giả lớn.

Trường Đại học Hồng Đức kỳ vọng sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động học thuật tương tự trong tương lai, góp phần nuôi dưỡng và phát triển năng lực sáng tác, nghiên cứu văn học cho sinh viên, cũng như đóng góp tích cực vào đời sống văn học nghệ thuật của xứ Thanh.

Media\2004_khxh.hdu.edu.vn\FolderFunc\202504\Images/gl-vnsjpg-20250423043011-e.jpg

Các văn nghệ sĩ chụp ảnh lưu niệm với giảng viên ngành Ngữ Văn, khoa KHXH

Media\2004_khxh.hdu.edu.vn\FolderFunc\202504\Images/gl-20250423064335-e.jpg

Tấm hình lưu niệm đầy ý nghĩa

Trung tâm CNTT,TT&TV

 

Tin nổi bật

Tuyển sinh 2025

TIN LIÊN QUAN