Diễn văn của Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức tại Lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022)

18/11/2022

Sáng ngày 17/11/2022, Trường Đại học Hồng Đức long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2022). http://www.hdu.edu.vn/ trân trọng giới thiệu toàn văn diễn văn của PGS.TS. Bùi Văn Dũng - Hiệu trưởng Nhà trường tại buổi lễ.
Media/1_hdu_home/FolderFunc/202211/Images/z3887594202276-26d2865c6a9b1ed073fcad7928631f93-20221117122723-e.jpg

PGS.TS Bùi Văn Dũng - Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm.

 

         Kính thưa các quý vị đại biểu khách quý,

          Thưa các cô giáo, thầy giáo và các em sinh viên, học viên thân mến!                                 

        Hôm nay, Trường Đại học Hồng Đức long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022), cho phép tôi thay mặt Tập thể lãnh đạo Nhà trường cùng toàn thể cán bộ, giảng viên, các em sinh viên gửi tới các vị đại biểu khách quý lời cảm ơn chân thành, lời chúc sức khỏe, hạnh phúc; và đặc biệt gửi lời tri ân và nhiệt liệt chúc mừng tới tất cả các giảng viên, giáo viên, viên chức và người lao động vì sự nỗ lực, cố gắng, đổi mới sáng tạo và tâm huyết cho sự nghiệp “trồng người” nói chung, đối với sự phát triển của Trường Đại học Hồng Đức nói riêng; xin tri ân các thầy, cô giáo nguyên là lãnh đạo, các cựu giáo chức Nhà trường qua các thời kỳ đã và đang tiếp tục có những đóng góp cho sự phát triển của Nhà trường.

             Kính thưa các quý vị đại biểu khách quý,

             Thưa các cô giáo, thầy giáo và các em sinh viên, học viên thân mến!

            Trong xã hội Việt xưa, vị trí của người “Thầy” chỉ đứng sau “Vua” và trên cả “Cha mẹ” – “Quân - Sư - Phụ”. Người thầy được xã hội đặc biệt coi trọng và tôn vinh, là biểu tượng thiêng liêng cho sự học, là “khuôn vàng thước ngọc” của đạo đức, nhân cách để học trò noi gương trở thành những người có đức, có nhân, có tài.

         Nghề giáo là một nghề đặc biệt quan trọng, bởi đối tượng lao động của người thầy chính là nhân cách, tâm hồn, trí tuệ và thể chất con người; công cụ lao động của nghề dạy học, chủ yếu bằng bản thân, là toàn bộ nhân cách, trí tuệ của người thầy; phương pháp lao động của người thầy là phương pháp nêu gương, cảm hoá bằng tư tưởng, tình cảm của thầy, lao động của người thầy đòi hỏi phải hết sức cẩn trọng, khoa học, nghiêm túc, đặc biệt phải có một cái tâm trong sáng để tạo dựng nên “sản phẩm” đặc biệt, những chủ nhân tương lai của đất nước. Vì vậy, sản phẩm làm ra của người thầy không thể so sánh với bất kỳ sản phẩm nào trong xã hội. 

         Nghề giáo gắn với vinh dự và trách nhiệm lớn lao trong sự nghiệp “trồng người” của đất nước như theo lời dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm năm trồng người”. Theo cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1959) “Nghề dạy học là một nghề cao quý vào bậc nhất trong các nghề cao quý của xã hội xã hội chủ nghĩa, nghề dạy học là một nghề sáng tạo vào bậc nhất trong các nghề sáng tạo... Nghề dạy học là nghề sáng tạo bậc nhất vì nó sáng tạo những con người sáng tạo”.

          Lịch sử dân tộc ta đã lưu danh những thầy giáo làm rạng danh nền giáo dục nước nhà, trở thành biểu tượng sáng ngời về trí tuệ, nhân cách, trọng trách, vinh quang của người thầy. Đó là thầy giáo Chu Văn An - người được dân chúng tôn là “vạn thế sư biểu” - nghĩa là người thầy chuẩn mực muôn đời. Nhà giáo Võ Trường Toản luôn đề cấp đến đạo lý “Lương sư, hưng quốc” - nghĩa là quốc gia có những người thầy giỏi, có một nền giáo dục tốt thì sẽ hưng thịnh.

Ngay sau khi Cách mạng Tháng 8 thành công, đất nước ta đối mặt với muôn vàn khó khăn bao gồm giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn đề cao và quan tâm đến công tác giáo dục, nâng cao trình độ dân trí, trong đó đặc biệt chú ý đến sứ mệnh của người thầy “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng Chủ nghĩa Xã hội và Chủ nghĩa Cộng sản? Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất…, những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh… Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng CNXH được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề then chốt quyết định chất lượng giáo dục đào tạo chính là đội ngũ những người thầy giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

        “Tôn sư trọng đạo” là một trong những đạo lý thiêng liêng nhất mang đậm giá trị nhân văn của dân tộc Việt Nam. Cũng như đạo trung của dân với nước và đạo hiếu của con cái đối với cha mẹ, đạo lý thầy - trò góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc và cốt cách con người Việt Nam. Đạo lý này đã đi vào trong ca dao, tục ngữ như là một cách nhắc nhở cho con cháu muôn đời sau như: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” hay “Muốn sang thì bắc cầu Kiều. Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.

          Kính thưa các quý vị đại biểu khách quý,

         Thưa các cô giáo, thầy giáo và các em sinh viên, học viên thân mến!

         Lịch sử của ngày 20/11 thật đáng tự hào đối với các nhà giáo tiến bộ trên thế giới nói chung và với các nhà giáo Việt Nam nói riêng. Năm 1946, với mục đích đấu tranh chống lại những quan điểm và phương pháp giáo dục lạc hậu, phản dân chủ, phản khoa học, các nhà giáo tiến bộ trên thế giới đã liên kết lại để thành lập“Liên hiệp các công đoàn giáo dục quốc tế” (Tên viết tắt tiếng Anh là FISE) đặt trụ sở tại Pari (Pháp). Năm 1949, tại hội nghị ở Vaxava (Ba Lan), “Liên hiệp các công đoàn giáo dục quốc tế” (FISE) đã xây dựng bản “Hiến chương các nhà giáo quốc tế” với các nội dung chủ yếu là đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến; xây dựng nền giáo dục tiến bộ; bảo vệ những quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng của nghề dạy học và nhà giáo. Mục đích của Hiến chương là kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng đối với giáo viên toàn cầu đồng thời đảm bảo nhu cầu giáo dục của các thế hệ tương lai tiếp tục được thỏa mãn. Bản “Hiến chương các nhà giáo quốc tế” đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của chính quyền và nhân dân nhiều nước trên thế giới. Thông qua việc thực thi bản hiến chương, những quan điểm sai lầm trong giáo dục đã được đẩy lùi, đưa nền giáo dục của nhiều nước mang tính phong kiến, tư bản trở thành nền giáo dục tiên tiến.

        Cùng với sự tiến bộ của giáo giới trên thế giới, ngày 28/09/1982, Hội đồng Bộ trưởng - nay là Chính phủ đã ra Quyết định số 167 lấy ngày 20/11 hằng năm làm ngày Nhà giáo Việt Nam. Quyết định này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về vị trí vai trò của nhà giáo trong sự nghiệp đào tạo lớp người mới xây dựng Xã hội Chủ nghĩa và bảo vệ tổ quốc. Ngày “Nhà giáo Việt Nam” lần đầu tiên được tổ chức trọng thể vào ngày 20/11/1982 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Đặc biệt hơn nữa, để ghi nhận công lao, đề cao vị trí xã hội và động viên, khuyến khích các nhà giáo, ngày 30/5/1985, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước - nay là Chủ tịch nước đã kí lệnh công bố pháp lệnh quy định giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước cho các công trình thuộc các lĩnh vực khoa học kĩ thuật, văn hóa nghệ thuật... (trong đó có cả sách giáo khoa dành cho các trường học) và pháp lệnh danh hiệu vinh dự Nhà nước: Nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú để tặng các cô nuôi dạy trẻ, giáo viên mẫu giáo, giáo viên phổ thông, giáo viên bổ túc văn hoá, giáo viên dạy nghề, cán bộ giảng dạy cao đẳng, đại học và trung học chuyên nghiệp có thành tích xuất sắc.

         Trải qua hàng ngàn năm văn hiến, mặc cho sự phát triển và đổi thay như vũ bão của xã hội, truyền thống ấy vẫn mãi lưu tồn và là một nét đẹp sáng ngời trong văn hóa Việt Nam. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 không chỉ là một dịp đặc biệt để toàn xã hội tôn vinh những người đã và đang công tác trong ngành Giáo dục mà còn là cơ hội để toàn xã hội bày tỏ niềm tin yêu, lòng mong mỏi về đạo đức, tình yêu nghề nghiệp, phong cách và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của những người lái đò để xứng đáng với vinh dự của một nghề cao quý.

         Tiếp nối truyền thống thế hệ những người thầy đi trước, người thầy trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay giữ vị trí, vai trò, trọng trách hết sức quan trọng, quyết định trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực của đất nước cũng như hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Sứ mệnh của người thầy vừa đảm đương trọng trách đào tạo ra nguồn nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, vừa góp phần không nhỏ vào quá trình hình thành nhân cách con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có tinh thần tự hào với truyền thống văn hoá, lịch sử ngàn năm của dân tộc và khát vọng xây dựng một Việt Nam hùng cường.

         Trong thời đại của bùng nổ công nghệ thông tin ngày nay, người học được tiếp nhận rất nhanh với nền tri thức thế giới, nhiều nền văn hóa, nhiều luồng thông tin, trong đó có cả những luồng tin độc hại, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển về thể chất và tinh thần của người học... Điều này, càng đặt lên đôi vai của người thầy trọng trách định hướng, uốn nắn, tránh việc sa ngã của học trò, giữ gìn cốt cách của cả một thế hệ người Việt. Vì vậy, bên cạnh truyền đạt tri thức, người thầy còn giữ vai trò quan trọng trong việc cùng với gia đình, xã hội giáo dục thế hệ trẻ về nhân cách, lẽ sống, tình yêu thương, trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội. Để làm được điều đó, chính bản thân thầy cô phải là những tấm gương sáng cho học trò noi theo. Từ tác phong, cử chỉ lời nói đến hành động đều phải chuẩn mực. Thầy giỏi, tất sẽ có trò giỏi. Người thầy có nhân cách tốt không chỉ có học trò ngoan mà còn cảm hóa được cả học trò hư, cá biệt… Người thầy không chỉ là người truyền dạy kiến thức, kỹ năng mà còn phải giáo dục đạo đức, nhân cách, giúp người học trưởng thành về nhiều mặt, trở thành người có ích cho xã hội, chủ nhân tương lai của đất nước. Điều này không chỉ là yêu cầu cấp thiết của ngành giáo dục, xã hội, đất nước đặt ra cho người thầy mà còn là sứ mệnh cao quý, trọng trách rất đỗi thiêng liêng của người thầy.

          Kính thưa các quý vị đại biểu khách quý,

          Thưa các đồng chí và các em sinh viên, học viên thân mến!

         Những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, mặc dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng sự nghiệp giáo dục, đào tạo của tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ổn định và có bước phát triển mới, một mạng lưới các trường Cao đẳng trên địa bàn tỉnh được hình thành và phát triển. Để góp phần đào tạo đội ngũ nhà giáo cho Tỉnh nhà, ngày 21/3/1978, Trường Sư phạm 10+3 Thanh Hóa được nâng cấp thành trường CĐSP Thanh Hóa. Trường CĐSP Thanh Hóa là một trong những trường mạnh, bề thế cả về chất lượng đội ngũ giáo viên, số lượng sinh viên và chất lượng đào tạo thời bấy giờ. Trường có cả khoa đào tạo đại học đại cương, đã từng chủ trì biên soạn giáo trình CĐSP dùng chung cho các trường CĐSP trong cả nước và chủ trì thực hiện các chương trình NCKH lớn của tỉnh… Sau gần 20 năm, trường CĐSP đã đào tạo hàng chục nghìn giáo viên THCS các môn thuộc KHTN, KHXH, ngoại ngữ… Nhiều thầy cô giáo và cựu sinh viên của trường đã trở thành Trưởng, Phó các ban, ngành cấp tỉnh, cấp huyện. Nhiều cựu sinh viên của Nhà trường trở thành cán bộ quản lý giáo dục các huyện thị, các trường THCS, giáo viên giỏi các cấp, nhà giáo ưu tú… góp phần quan trọng vào sự nghiệp giáo dục tỉnh Thanh Hóa.

         Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, trước bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và nền kinh tế tri thức cũng như xu thế toàn cầu hóa; Giáo dục đại học nước ta cũng từng bước phát triển theo các đặc trưng chung của thế giới, đó là đại chúng hóa, thị trường hóa, đa dạng hóa, và quốc tế hóa. Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 02/11/2005 về “Đổi mới cơ bản và toàn diện Giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020” nêu rõ quan điểm đại chúng hóa GDĐH theo hướng tăng quy mô, chất lượng và hiệu quả của GDĐH, xây dựng một cơ cấu hệ thống GDĐH thích hợp và một hệ thống nhà trường hợp lý để tăng cơ hội học tập cho nhân dân.

         Thực hiện chủ trương đó, mô hình trường đại học trực thuộc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra đời, là một mô hình mới trong hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam. Và Trường Đại học Hồng Đức là trường đại học trực thuộc UBND tỉnh đầu tiên được thành lập. Sự ra đời của Trường Đại học Hồng Đức là kết quả, tâm huyết và công sức của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa; là niềm vui, niềm tự hào của nhiều thế hệ thầy cô giáo, nhân dân các dân tộc trong Tỉnh.

        Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự ủng hộ của các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh và sự lãnh đạo, quản lý chuyên môn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kế thừa thành tựu đào tạo cán bộ đa ngành của 03 trường cao đẳng trước đó, các thế hệ cán bộ, giảng viên, nhân viên, HSSV Trường Đại học Hồng Đức đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh Thanh Hóa, các địa phương trong nước và nước CHDCND Lào. Chỉ tính trong 25 năm qua, Trường ĐH Hồng Đức cung cấp cho xã hội hơn 80.000 người học tốt nghiệp các hình thức, trình độ đào tạo. Kết quả khảo sát tình hình việc làm của sinh viên cho thấy, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 01 năm tốt nghiệp đạt từ 70% đến 90%. Nhiều cựu sinh viên, học viên của Nhà trường đã và đang giữ những chức vụ quan trọng tại các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp, là cán bộ quản lí, giáo viên cốt cán tại các cơ sở giáo dục, văn hóa trong tỉnh và cả nước.

          Kính thưa quý vị, thưa các thầy cô và các em sinh viên và học viên!

        Với truyền thống hơn 40 năm đào tạo sư phạm và 25 năm đào tạo đa ngành trình độ đại học/sau đại học, các thế hệ Nhà giáo, cán bộ quản lý và viên chức, người lao động, học sinh/sinh viên Trường Đại học Hồng Đức đã luôn nỗ lực, cố gắng và cùng nhau vượt qua khó khăn, nắm bắt cơ hội trong từng giai đoạn xây dựng và phát triển của Nhà trường để tạo nên một môi trường năng động vượt trội, nơi chào đón và tạo điều kiện phát triển của mọi tài năng; nơi thầy cô giáo, viên chức hỗ trợ, người lao động và các sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh là một khối thống nhất.

        Đặc biệt trong thời gian qua, trước những tác động to lớn của đại dịch Covid-19, Trường của chúng ta đã đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kép: giảng dạy - học tập và phòng chống dịch. Chúng ta đã dám quyết tâm, dám làm và cùng nhau sáng tạo, vượt khó để đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ như triển khai giảng dạy, học tập và hỗ trợ sinh viên, học viên trên các nền tảng học trực tuyến, tổ chức các hội thảo, thi trực tuyến; tổ chức chuỗi các hoạt động kỷ niệm 25 năm thành lập trường. Đặc biệt hơn nữa, với nỗ lực, cố gắng của tất cả các đơn vị, cá nhân, chúng ta đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập trường với nhiều cảm xúc và ấn tượng khó quên. Những thành công này đã tạo nên giá trị, bản lĩnh và tinh thần HDU - Tuổi 25 vững vàng đi tới!

         Nhân đây, tôi cũng xin thay mặt tập thể lãnh đạo Nhà trường xin cảm ơn toàn thể cán bộ, giảng viên, viên chức và người lao động, các em sinh viên, học viên về những cố gắng, nỗ lực cho sự thành công của Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập trường, cũng như toàn bộ hoạt động hướng tới kỷ niệm 25 năm ngày thành lập trường.

           Kính thưa quý vị đại biểu khách quý;

          Thưa các thầy cô giáo và các em sinh viên, học viên thân mến!

         Trong giai đoạn hiện nay, Trường Đại học Hồng Đức đứng trước nhiều thách thức: (1) Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, giáo dục đại học trên thế giới đã và đang thay đổi nhanh chóng với nhiều xu hướng khác nhau. Nhiều trường đại học trên thế giới chuyển từ giáo dục tinh hoa sang giáo dục đại chúng dành cho đông đảo người dân; cơ cấu lao động thay đổi thích ứng với những thành tựu về công nghệ thông tin làm chuyển dịch các ngành đào tạo truyền thống với ứng dụng trí tuệ nhân tạo; quốc tế hóa các lĩnh vực nghiên cứu khoa học cũng như các chương trình đào tạo của các trường đại học trên thế giới; (2) Sự dịch chuyển mạnh mẽ cơ cấu lao động do những biến đổi nhanh chóng của nhu cầu xã hội đòi hỏi phải chuyển dịch cơ cấu đào tạo, đặc biệt là nâng cao chất lượng đào tạo. Sự mở rộng hệ thống các trường đại học và gia tăng mạnh mẽ quy mô đào tạo của mạng lưới các trường đại học dẫn tới sự cạnh tranh giáo dục ngày càng gay gắt, do đó trường nào chậm chuyển đổi cơ cấu và chất lượng kém sẽ bị loại trừ. Sự chậm chễ trong sự thay đổi tư duy, điều chỉnh chính sách, thay đổi chương trình và mở rộng ngành nghề đào tạo thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã ảnh hưởng lớn tới công tác tuyển sinh, đào tạo và nghiên cứu khoa học của Nhà trường. Làn sóng tự chủ và xu thế liên kết, sáp nhập và giải thể các trường đại học là thách thức to lớn đối với Nhà trường.

         Trong bối cảnh đó, Trường Đại học Hồng Đức xác định sứ mạng của Nhà trường trong giai đoạn mới là: Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đa ngành, đa lĩnh vực, có chất lượng, trình độ cao, có khả năng thích ứng với sự thay đổi và yêu cầu của thị trường lao động; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phục vụ nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và đất nước.

        Với triết lý giáo dục: “Toàn diện - Trải nghiệm - Thực nghiệp - Thực tài” và Giá trị cốt lõi “Hiền tài - Đổi mới sáng tạo - Trách nhiệm - Hội nhập”, Trường Đại học Hồng Đức hướng tới mục tiêu chiến lược là: Đổi mới toàn diện, thực chất công tác quản trị, quản lý Nhà trường theo Luật Giáo dục đại học; xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên có phẩm chất, trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao; nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng đồng bộ, hiện đại; xây dựng Trường Đại học Hồng Đức từng bước trở thành đại học tự chủ, có hệ thống quản trị hiện đại, thông minh và chuyên nghiệp, một trung tâm lớn về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo của Tỉnh, khu vực và cả nước.

          Để thực hiện được sứ mạng và mục tiêu chiến lược đó, tập thể lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, nhân viên, sinh viên của Nhà trường quyết tâm đoàn kết, vượt qua mọi thử thách, không ngừng đổi mới sáng tạo, phát huy truyền thống của Nhà trường để đạt hiệu quả công việc cao nhất; đồng thời Nhà trường cũng mong muốn và tin tưởng rằng, trong giai đoạn tới Nhà trường tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện giúp đỡ của Bộ GD&ĐT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa; các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương để Trường phát triển bền vững trong tương lai.

          Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, tập thể cán bộ, viên chức, sinh viên, học viên Trường Đại học Hồng Đức vô cùng phấn khởi được đón nhận những tình cảm quý báu của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa, Đảng ủy Khối cơ quan và Doanh nghiệp Tỉnh và các Trường ĐH, CĐ trong cụm thi đua, các đơn vị, địa phương các bên liên quan, các bậc phụ huynh trong tỉnh. Một lần nữa, tôi xin thay mặt tập thể lãnh đạo Nhà trường cùng toàn thể cán bộ, giảng viên, viên chức, người lao động và các em sinh viên bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng, Nhà nước, gửi lời cảm ơn chân thành trước những tình cảm nồng thắm mà các cơ quan, ban ngành, địa phương, các đoàn thể xã hội, các bên liên quan và các bậc phụ huynh đã gửi cho chúng ta trong ngày hội truyền thống vẻ vang này. Trường Đại học Hồng Đức mong rằng sẽ tiếp tục nhận được những tình cảm và sự giúp đỡ quý báu đó trong thời gian tới.

           Kính thưa quý vị đại biểu khách quý!

          Thưa các thầy giáo, cô giáo trong ngôi nhà chung HDU!

         Sự phát triển, văn minh, tiến bộ của nhân loại được soi chiếu, dẫn đường bởi trí tuệ và tình thương yêu của những người thầy. Dù giáo dục trải qua biết bao nhiêu thăng trầm lịch sử nhưng trí tuệ và tình thương yêu của những người thầy cô sẽ không bao giờ bị dập tắt. Và dẫu rằng nhà giáo chúng ta không phải là thánh nhân, chúng ta là người lao động, chúng ta cũng có khiếm khuyết, nhưng những điều đó không thể làm nhòa đi giá trị đạo đức muôn đời của người thầy.

         Hôm nay, chúng ta ngồi đây càng thêm tự hào hơn nữa về nghề giáo của mình, bởi trong giai đoạn lịch sử này, giáo dục không chỉ cần những thầy cô giàu tri thức, kĩ năng mà cần hơn cả là những người thầy, người cô yêu nghề, tâm huyết, khát khao thay đổi giáo dục và sẵn sàng dùng trí tuệ và tình yêu thương của mình chạm đến trái tim của mỗi người học để lắng nghe, thấu hiểu.

        Hôm nay, chúng ta ngồi đây, chúng ta hạnh phúc vì đang được gieo mầm tới biết bao thế hệ, trong số đó biết đâu sẽ có những lãnh đạo đất nước, những tài năng vượt bậc cống hiến cho đời, những chủ tịch, giám đốc tương lai. Chúng ta hạnh phúc, hân hoan khi chứng kiến sự trưởng thành của học trò mình và tự hào minh chứng cho thành quả giáo dục không phải là những bài học lí thuyết suông - những kiến thức sáo rỗng mà đó là thành quả của sự giáo dục từ khối óc và trái tim.

Hôm nay, chúng ta ngồi đây, chúng ta hãy cùng nhớ lại những ngày tháng học trò của mình, những người thầy cô đã đi qua cuộc đời của chúng ta. Chúng ta hãy lắng lại tận miền sâu trái tim mỗi người và ngẫm nghĩ xem mình nhớ đến người thầy người cô nào, vì sao ta lại nhớ?

         Ngay lúc này, khi chúng ta đang tận hưởng cảm xúc hạnh phúc, tự hào và ấm êm mà nghề giáo mang lại, thì vẫn còn đó những thầy cô bỏ lại cuộc sống đủ đầy nơi phố thị, lựa chọn những bản làng xa xôi, thiếu thốn để mang con chữ tới con em vùng dân tộc thiểu số; và trong chính chúng ta - 445 thầy cô giáo trong hội trường này, vẫn còn đó, có những thầy cô với cuộc sống bộn bề gian khó, đôi lúc tưởng chừng như bỏ giữa chừng con đường nghề nghiệp mình đã chọn để đi theo những trào lưu nhất thời, nhưng vượt lên tất cả vẫn đam mê, tâm huyết với nghề, không ngừng quan tâm, chăm lo, giúp đỡ nhiệt tình cho người học. Và chúng ta hãy dừng lại, nhìn ra bên ngoài kia – góc phố, bản làng… vẫn còn đó nhiều đứa trẻ phải gác lại giấc mơ đến trường vì những khó khăn, lo toan của đời thường. Tôi tin chắc rằng, những hình ảnh đó sẽ tác động mạnh đến tâm trí chúng ta và có thể nómột trong những động lực giúp các thầy cô tiếp tục gây dựng lòng đam mê, bồi đắp thêm tình yêu, nhiệt huyết với nghề để từ đó chúng ta có những hành động thiết thực trong mọi hoạt động giáo dục.

        Chúng ta đều biết, giáo dục không phải là một con đường đi dễ dàng nhưng hơn lúc nào hết, tôi mong muốn các thầy, các cô hãy hành động, làm việc, tư duy không chỉ bằng khối óc mà còn bằng cả trái tim đầy máu nóng của người con đất Việt, bằng tình yêu và nhiệt huyết với nghề của mình.

Nhà trường xin ghi nhận sự đóng góp đầy trách nhiệm và có hiệu quả của các thầy, các cô, cảm ơn sự tận tụy với công việc, góp phần đào tạo ra những trí thức trẻ đủ đức, đủ tài, đảm nhận những vai trò trọng yếu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của Tỉnh nhà nói riêng và đất nước nói chung. Các thầy cô hãy nhớ chính các thầy các cô là một trong các nhân tố trụ cột, góp phần đặc biệt quan trọng tạo nên uy tín, danh tiếng và sự phát triển của Nhà trường.

        Trong ngày vui lộng lẫy sắc hoa và ngập tràn xúc cảm này, thay mặt Lãnh đạo Nhà trường, tôi xin được gửi lời yêu thương và cảm ơn sâu sắc đến các thầy cô giáo - những người đang trực tiếp đứng lớp, xin được gửi lời tri ân chân thành tới các cán bộ, viên chức và người lao động dù không trực tiếp đứng lớp nhưng hằng ngày đang đồng hành trên hành trình giáo dục. Chúc mừng các thầy cô và các cán bộ, viên chức và người lao động đã và đang bước đi trên con đường giáo dục này để khi nói về mình, có thể tự hào thốt lên rằng “Tôi là một nhà giáo và để một ngày khi hoàn thành trách nhiệm với từng cương vị của mình thì chúng ta sẽ đều là cựu giáo chức! Cũng tại lễ kỉ niệm, Nhà trường vinh danh 40 nhà giáo, cán bộ quản lý tiểu biểu của Nhà trường đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo trong thời gian qua. Nhân dịp này, tôi xin thay mặt Nhà trường gửi lời cảm ơn tới các bạn sinh viên xuất sắc đại diện cho hơn 12.000 học sinh, sinh viên và học viên có mặt hôm nay. Các em là những bông hoa đẹp trong vườn hoa đa sắc màu của Trường Đại học Hồng Đức. Qua các em, thầy cũng xin gửi lời cảm ơn đến tất cả học sinh, sinh viên và học viên của Nhà trường, trong thời gian qua đã có nhiều hoạt động thi đua lập thành tích chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam.

       Trong niềm vui của lễ kỷ niệm hôm nay, chúng ta hãy cùng tưởng nhớ và “thắp nén tâm nhang” tri ân các thầy, cô giáo, viên chức và người lao động đã công tác tại trường- những người đã về cõi vĩnh hằng vì sự khắc nghiệt của số phận, của quy luật tạo hóa.

        Cuối cùng, xin kính chúc các thầy cô cùng gia đình sức khỏe, hạnh phúc, thành công, có nhiều niềm vui trong công việc, nhiều kỷ niệm đẹp trong nghề và luôn cảm thấy hạnh phúc trong ngôi nhà chung - gia đình Hồng Đức của tất cả chúng ta.

Kính chúc quý vị đại biểu khách quý, các em sinh viên sức khỏe, hạnh phúc, thành công.

       Xin trân trọng cảm ơn!

 

PGS.TS. Bùi Văn Dũng

Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức

Tin nổi bật

Tuyển sinh 2024

TIN LIÊN QUAN