24/08/2022
Tham dự Hội thảo có TS. Trịnh Văn Súy – Phó Giám đốc Sở KH&CN; TS. Nguyễn Đình Hải – Viện trưởng Viện Nông nghiệp Thanh Hóa; đại diện lãnh đạo các ban ngành thuộc Sở KH&CN, Sở NN&PTNT, Chi cục chăn nuôi thú y; đại diện lãnh 20 phòng NN&PTNN các huyện/thị trên địa bàn tỉnh; đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; các tác giả có bài tham luận. Về phía Trường Đại học Hồng Đức có PGS.TS. Bùi Văn Dũng – Hiệu trưởng Nhà trường; lãnh đạo các phòng ban chức năng, lãnh đạo các khoa đào tạo và đông đảo cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên khoa Nông – Lâm – Ngư nghiệp.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Bùi Văn Dũng – Hiệu trưởng Nhà trường mong muốn các nhà khoa học, các nhà quản lý, các cơ quan nghiên cứu, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp tập trung thảo luận, nhận diện và hướng đến các giải pháp, chiến lược phù hợp với thực tiễn nhằm phát huy các nguồn lực để "tiến quân" vào cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0. Từ đó, chủ động đầu tư công nghệ sản xuất nông nghiệp phù hợp với tỉnh Thanh Hóa, tạo tính đột phá để có những mô hình nông nghiệp phát triển bền vững với quy mô lớn, tạo nhiều sản phẩm độc đáo, đảm bảo an toàn thực phẩm và có sức cạnh tranh cao. PGS.TS. Bùi Văn Dũng cũng hy vọng, Hội thảo cũng sẽ đưa ra được những khuyến nghị để Trường Đại học Hồng Đức và Viện Nông nghiệp Thanh Hóa có những điều chỉnh phù hợp trong công tác đào tạo nguồn nhân lực và phát triển các hướng nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp, phù hợp với điều kiện thực tiễn của các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Đại biểu tham dự Hội thảo
TS. Nguyễn Đình Hải – Viện trưởng Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đồng chủ trì Hội thảo phát biểu ý kiến tại Hội thảo
Hội thảo đã thu hút được 22 bài báo tham luận có chất lượng, tâm huyết của các nhà khoa học, các nhà quản lý và các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ trong lĩnh vực nông nghiệp. Các bài tham luận tập trung vào các vấn đề liên quan đến ứng dụng công nghệ sinh trong phát triển nông nghiệp bền vững, như: Ứng dựng công nghệ vi sinh trong xử lý môi trường, quản lý dịch bệnh, chế biến sâu nông sản... theo hướng sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa, điện toán đám mây, từ trường, trí tuệ nhân tạo,... trong đánh giá đất và quy hoạch vùng sản xuất, quản lý sản xuất nông nghiệp. Nghiên cứu quản lý, bảo tồn các giống cây trồng, vật nuôi bản địa; ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo, lai tạo các giống cây trồng vật nuôi mới nhằm tạo năng suất chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất. Đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn; ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Trịnh Văn Súy – Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thanh Hóa đánh giá rất cao chủ đề của Hội thảo, mong rằng trên cơ sở Hội thảo, Trường Đại học Hồng Đức và Viện Nông nghiệp Thanh Hóa sẽ có những điều chỉnh phù hợp trong công tác đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu, tìm ra các giải pháp đưa nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Phó Giám đốc Sở KH&CN cũng tin tưởng với sự hợp tác của 2 đơn vị sẽ tổ chức được nhiều hội thảo ở các cấp độ cao hơn, liên quan đến vấn đề ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao để sớm xây dựng và phát triển nền nông nghiệp của tỉnh nhà theo hướng nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao (cơ giới hóa, tự động hóa,... ); công nghệ sản xuất, bảo vệ sản phẩm an toàn (hữu cơ, theo GAP…); công nghệ quản lý, nhận diện sản phẩm theo chuỗi... gắn với hệ thống trí tuệ nhân tạo (công nghệ thông tin)... Qua đó, đưa ra các phương án quản lý, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và đặc biệt an toàn từ khâu sản xuất, bảo quản chế biến đến khâu tiêu thụ sản phẩm.
Tại Hội thảo, ông Lê Hồng Phong – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công Nông nghiệp Tiến Nông đã chia sẻ về 5 cấp độ tư duy đột phá và các điều kiện để đưa nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng phát triển nhanh và bền vững.
Ông Nguyễn Hữu Hiệu - Giám đốc Công ty Công ty Cổ phần Nicotex Thanh Hóa phát biểu tham luận tại Hội Thảo
TS. Mai Thành Luân, Giảng viên Trường Đại học Hồng Đức trình bày tham luận tại Hội thảo
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ các kết quả nghiên cứu, xu hướng phát triển và ứng dụng các công nghệ trong sản xuất nông nghiệp bền vững; hiệu quả của các công nghệ đã và đang được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp; giải pháp để phát triển, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; phương án nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp bền vững và bảo vệ môi trường.
Quang cảnh Hội thảo
Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ cao vào các lĩnh vực sản xuất nói chung và phát triển nông nghiệp nói riêng đã và đang là xu hướng tất yếu để tạo ra bước đột phá cho sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp Việt Nam. Hội thảo “Ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp bền vững” đã thật sự trở thành diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ chiến lược, kinh nghiệm thực tiễn, những bài học bổ ích và những giải pháp thiết thực, hữu ích để đưa nền nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn công nghệ số hiện nay./.
Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
PGS.TS Bùi Văn Dũng – Hiệu trưởng Nhà trường trao đổi với các đại biểu tham dự về sản phẩm Sữa gạo lên men và các sản phẩm nông nghiệp sạch mang thương hiệu của Trường Đại học Hồng Đức
Đại biểu tham dự Hội thảo tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm của Viện Nông nghiệp Thanh Hóa
BBT website