07/03/2022
Sáng ngày 26/2/2022, Trường Đại học Hồng Đức đã tổ chức hội thảo khoa học: “Chuyển đổi số trong Nhà trường và tại tỉnh Thanh Hóa: Tiềm năng, cơ hội và thách thức”. Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.
PGS.TS. Đinh Ngọc Thức - Phó Trưởng phòng QLKH&CN phát biểu khai mạc Hội thảo
PGS.TS. Lê Viết Báu – Chủ tịch Hội đồng trường phát biểu tại Hội thảo
Tham dự hội thảo có TS. Nguyễn Văn Hậu, Trưởng khoa CNTT, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên; ông Trần Văn Ba – Giám đốc Trung tâm CNTT, VNPT Thanh Hoá; ông Trịnh Hồng Hưng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Ligosoft. Về phía Trường Đại học Hồng Đức có PGS.TS. Lê Viết Báu – Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS. Hoàng Thị Mai - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; đại diện lãnh đạo phòng QLKH&CN; các tác giả có bài tham luận; cán bộ lãnh đạo và giảng viên khoa CNTT&TT.
Phát biểu tham luận tại Hội thảo, PGS.TS. Phạm Thế Anh - Trưởng khoa CNTT&TT đã nhấn mạnh: Chuyển đổi số đã và đang phát triển rất mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực của kinh tế - xã hội. Trong lĩnh vực giáo dục chuyển đổi số được đặt vị trí trung tâm và được xem là con đường nhanh nhất để nâng cao chất lượng đào tạo. Thời gian qua, Trường Đại học Hồng Đức cũng đã tăng cường ứng dụng CNTT để số hóa quá trình dạy và học nhằm hạn chế sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19. Tuy nhiên, các ứng dụng số hiện tại được phát triển riêng rẽ, thiếu đồng bộ, gây khó khăn trong dùng chung dữ liệu và chia sẻ tài nguyên. Do vậy, vấn đề chuyển đổi số trong Nhà trường cần được giải quyết một cách có hệ thống, thực hiện một cách đồng bộ, toàn diện, đầy đủ và hiệu quả. Trên cơ sở đó, PGS. TS. Phạm Thế Anh đã đề xuất xây dựng khung kiến trúc chuyển đổi số tổng thể cho Trường Đại học Hồng Đức giai đoạn 2022 -2025, định hướng đến 2030, với quan điểm: Chuyển đổi số là xu hướng phát triển tất yếu của thế giới trong mọi lĩnh vực. Tổ chức cá nhân nào thích ứng nhanh và lựa chọn chiến lược tiếp cận đúng sẽ thành công dẫn đầu xu thế. Chuyển đổi số phải được tổ chức, thực hiện một cách đồng bộ, toàn diện, hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực và có lộ trình phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương. Tham luận cũng nêu lên một số mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Trường Đại học Hồng Đức.
Ông Trần Văn Ba – Giám đốc Trung tâm CNTT, VNPT Thanh Hoá trình bày tham luận tại Hội thảo
Trình bày tham luận tại hội thảo, TS. Nguyễn Văn Hậu, Trưởng khoa CNTT, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên đã trao đổi về một số giải pháp trong chuyển đổi số ở trường đại học; ông Trần Văn Ba – Giám đốc Trung tâm CNTT, VNPT Thanh Hoá quan tâm đến hệ sinh thái chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; PGS.TS. Trịnh Viết Cường – Phó Trưởng khoa CNTT&TT lại đề cập đến công nghệ Blockchain và việc ứng dụng công nghệ Blockchain trong giải quyết các bài toán chuyển đổi số tại Trường Đại học Hồng Đức.
Hội thảo cũng đã trao đổi, thảo luận về những thách thức, khó khăn và các vấn đề bảo mật đối với những ứng dụng chuyển đổi số; giới thiệu các công nghệ và sản phẩm ứng dụng liên quan đến chuyển đổi số của các tập đoàn công nghệ trong và ngoài nước; chia sẻ những kinh nghiệm chuyển đổi số trong đào tạo, ứng dụng công nghệ số trong quản trị trường đại học; đề xuất giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số tại Trường Đại học Hồng Đức và tỉnh Thanh Hóa.
Quang cảnh Hội thảo
Nội dung các tham luận được trình bày và những vấn đề được trao đổi, thảo luận tại Hội thảo của các chuyên gia, các nhà khoa học tham dự đã hình thành một bức tranh tổng thể về cơ hội, thách thức, yêu cầu của mô hình chuyển đổi số trong trường đại học và tại tỉnh Thanh Hoá. Kết quả của Hội thảo là cơ sở lý luận để Trường Đại học Hồng Đức tham khảo, định hướng và thực hiện lộ trình chuyển đổi số Nhà trường phù hợp, từng bước đạt mục tiêu, hiệu quả, toàn diện, kịp thời, đem đến những lợi ích tối ưu cho công tác quản lý và đào tạo trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay./.
BBT website