18/10/2022
Vì vậy, càng trong khó khăn, gian khổ, người lãnh đạo càng phải thể hiện bản lĩnh, luôn nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và phải tìm ra được những đột phá, động lực mới để phát triển.
Ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa mở đầu cuộc đối thoại với Báo Nông nghiệp Việt Nam như vậy. Ông nói, Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2025 trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.
Hai năm qua, cùng với cả nước, Thanh Hóa triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Song, được sự quan tâm của Trung ương, Thanh Hóa đã đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt nên đạt được những kết quả bước đầu quan trọng.
Để nhanh chóng đưa Nghị quyết vào cuộc sống, ngay năm đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung cao độ cho công tác hoàn thiện thể chế; sớm hoàn thành việc xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng và các Nghị quyết của Trung ương; đồng thời ban hành nhiều nghị quyết, kết luận chuyên đề, các cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, các "điểm nghẽn" trong quá trình phát triển.
Đặc biệt, tỉnh đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành xây dựng, báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa. Cùng với đó, tỉnh tập trung cho công tác phát triển nguồn nhân lực, nhất là công tác cán bộ; khởi công xây dựng nhiều dự án quy mô lớn, như:
Dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương; Dự án khu dân cư đô thị và trung tâm thương mại Sầm Sơn; Dự án Flamingo Hải Tiến; Dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa; dự án Khu du lịch sinh thái Tân Dân, thị xã Nghi Sơn; dự án đường Vạn Thiện đi Bến En; dự án chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa tại huyện Ngọc Lặc…
Đồng thời đưa vào hoạt động một số dự án lớn, như: Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn II; đường giao thông nối thị xã Sầm Sơn với Khu kinh tế Nghi Sơn; Đại lộ Đông - Tây thành phố Thanh Hóa...
Do đó, kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá cao; trong đó tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) năm 2021 đạt 8,85%, 9 tháng năm 2022 ước đạt 13,24%, thuộc nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước.
Thưa ông, khát vọng phát triển Thanh Hóa luôn được hun đúc, nhưng có lẽ chưa bao giờ khát vọng ấy trở nên mạnh mẽ và thôi thúc như lúc này. Khát vọng ấy đang hiện thực hóa qua các con số tăng trưởng.
Nhưng tăng trưởng nhanh phải gắn liền với phát triển bền vững. Nói cách khác, cốt lõi của tăng trưởng là chất lượng phát triển, mà muốn phát triển chất lượng thì không thể thiếu hàm lượng văn hóa và các giá trị con người - vì con người. Vì thế để khơi thông nguồn lực và nâng tầm vị thế Thanh Hóa cần các giải pháp đột phá, cách làm sáng tạo, dám nghĩ lớn. Xin hỏi, ý kiến ông về điều này?
Thanh Hóa có vị trí rất quan trọng của quốc gia, là địa danh giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, có nhiều đóng góp to lớn trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đây là vùng đất đậm đà bản sắc, nơi có nhiều di sản văn hóa đa dạng, góp phần quan trọng làm phong phú kho tàng văn hóa Việt Nam phát triển rực rỡ.
Chính trong không gian văn hóa ấy, Thanh Hóa đã trở thành vùng đất "Địa linh, nhân kiệt", nơi phát tích của "Tam vương, nhị chúa"; nơi sản sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt, nhiều chí sĩ văn nhân, mà tên tuổi và sự nghiệp còn mãi lưu danh.
Thấu suốt quan điểm "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển", trong quá trình lãnh đạo, Đảng bộ tỉnh luôn chăm lo xây dựng, phát triển văn hóa và xây dựng con người Thanh Hóa phát triển toàn diện.
Để làm được điều đó, chúng tôi luôn khơi dậy niềm tự hào và phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên mạnh mẽ trong mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từ đó biến niềm tự hào thành nguồn lực, động lực quan trọng để xây dựng Thanh Hóa phát triển, phấn đấu sớm trở thành một trong những trung tâm văn hóa lớn của khu vực và cả nước.
Nhờ vậy, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa trong những năm qua đạt được những kết quả tốt. Và quan trọng hơn, những thành tựu quý đã góp phần xây dựng và hoàn thiện con người xứ Thanh ở cả ba mặt: lý tưởng, năng lực và đạo đức; từ đó, nhân lên niềm tin và khát vọng thịnh vượng.
Việc Thanh Hóa, được Bộ Chính trị đồng ý ban hành Nghị quyết 58 "Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" và Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa, là sự cụ thể hóa của việc dám nghĩ, dám làm, để tạo đột phá, xung lực mới cho tỉnh phát triển.
Trong thực tiễn phát triển, chỉ khi dám nhìn thẳng vào cái cũ kỹ, hạn chế, thậm chí là mặt yếu kém, thì mới có quyết tâm để thay đổi và tạo ra đột phá. Điều này có khó đối với một tỉnh lớn có nhiều đầu mối như Thanh Hóa không, thưa ông?
Quá trình phát triển, phải thẳng thắn thừa nhận, tuy đã có nhiều bước tiến lớn, nhưng kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của một địa phương có gần như đầy đủ các loại nguồn lực của đất nước. Đó là đô thị lớn, đồng bằng rộng, núi rừng hùng vĩ, bờ biển dài, sông nước mênh mông, có nhiều tuyến quốc lộ, sân bay, cảng biển, cửa khẩu biên giới, dân số đông, di sản văn hóa đậm đặc, truyền thống lịch sử, cách mạng đặc sắc tiêu biểu... Song đúng là chưa tương xứng với lợi thế cửa ngõ nối vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với Bắc Trung Bộ.
Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2020, 2021 chưa đạt mục tiêu Nghị quyết 58 đề ra. Chất lượng tăng trưởng kinh tế, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, các sản phẩm còn thấp. Kết cấu hạ tầng còn thiếu và yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Một số dự án triển khai chậm do vướng mắc về giải phóng mặt bằng và thể chế. Năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền một số đơn vị cấp huyện, cấp xã còn hạn chế. Một số cán bộ, công chức, viên chức chưa tiền phong, gương mẫu, thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ.
Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng, những tồn tại, hạn chế nêu trên đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của tỉnh. Là địa phương có địa bàn rộng, diện tích tự nhiên đứng thứ 5, quy mô dân số đứng thứ 3 cả nước; số đơn vị trực thuộc lớn, với 2 thành phố, 2 thị xã, 23 huyện, 559 xã, 4.355 thôn, tổ dân phố; nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng trên địa bàn, chúng tôi luôn cho rằng đây là một trong những động lực để phát triển.
Suy đến tận cùng, làm lãnh đạo thời nào cũng phải dám nghĩ, dám làm và cần sự đột phá, sáng tạo lối đi, vì cách làm là không hề có trong khuôn mẫu. Vì vậy, càng trong khó khăn, gian khổ, người lãnh đạo càng phải thể hiện bản lĩnh, luôn nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và phải tìm ra được những đột phá, động lực để phát triển.
Không thể phủ nhận, du lịch đang là “át chủ bài” phát triển Thanh Hóa. Tuy nhiên, nếu đưa lên “bàn cân” với một số tỉnh/thành, mới thấy sự “khiêm tốn”. Ông có nghĩ Thanh Hóa cần có sản phẩm du lịch cao cấp; thu hút phân khúc khách hạng sang, khách quốc tế; khai thác được tài nguyên nhân văn hay nguồn lực văn hóa vô cùng dồi dào?
Với bề dày truyền thống lịch sử, trầm tích các lớp văn hóa, giàu có về các di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh đẹp, cùng với vị trí địa lý khá thuận lợi, Thanh Hóa là tỉnh có nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế du lịch.
Là vùng đất được Phan Huy Chú ca ngợi “có núi cao chót vót, sông lớn lượn quanh, biển ở phía Đông. Núi sông rất đẹp, là chỗ có cảnh đẹp ở nơi xung yếu”; được Khâm sứ Trung Kỳ Pasquier đánh giá là “bộ phận của Đại Việt giàu cảnh đẹp thiên nhiên nhất cũng như những ký ức lịch sử và truyền thống” với hơn 1.500 di tích, di sản tầm cỡ quốc tế và quốc gia.
Ngày nay, Thanh Hóa lại có nhiều tuyến giao thông các loại kết nối, đi lại hết sức thuận tiện trong nước và thế giới. Trên không ít phương diện, có thể thấy rõ Thanh Hóa có ưu thế, tiềm năng du lịch đa dạng (du lịch nghỉ dưỡng, tham quan, tâm linh, trải nghiệm - khám phá, lịch sử - văn hóa...) hơn nhiều tỉnh, thành; nhưng du khách, nhất là khách quốc tế biết và nhắc đến, trở lại Thanh Hóa chưa nhiều.
Đây chính là băn khoăn, trăn trở luôn đau đáu trong lòng của nhiều thế hệ. Các nhiệm kỳ gần đây, Chương trình phát triển du lịch luôn được Đại hội Đảng bộ tỉnh xác định là một trong những chương trình trọng tâm, với mục tiêu khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, một trong những trung tâm du lịch của cả nước.
Tỉnh sẽ tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu, điểm du lịch, làm cơ sở để thu hút đầu tư khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế; chú trọng thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, ưu tiên các dự án có sản phẩm du lịch chất lượng cao, độc đáo và khác biệt, chú trọng văn hóa ứng xử và phong cách phục vụ để xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch tỉnh Thanh.
Hẳn ông đã nhiều lần đến Di tích Lam Kinh, nơi có lăng mộ Đức vua Lê Thái Tổ và bia Vĩnh Lăng. Tôi cũng từng đến nơi này và dừng lại khá lâu ở dòng cuối bài văn bia: "Vua thức khuya dậy sớm, trong 6 năm trong nước yên bình thịnh trị cho đến khi băng hà". Và ngẫm nghĩ… Lê Thái Tổ băng hà ở tuổi 49, ngắn ngủi cuộc đời bậc đế vương, nhưng trường thọ cuộc đời một anh hùng dân tộc.
Người anh hùng áo vải sau khi đánh tan ngoại xâm giành lại độc lập, xây đắp thái bình, nối lại hòa khí lân bang, đã không kê cao gối ngủ, thụ hưởng thái bình mà "thức khuya dậy sớm" để "khắp hang cùng ngõ hẻm không có tiếng kêu than", để "dân giàu đủ khắp muôn phương".
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng bao đêm "trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành", "ăn không ngon ngủ không yên" để đất nước có độc lập, nhân dân có tự do. Chuyện cán bộ được xem là cái gốc hưng vong, thành bại của mọi thời. Đất nước sau thời binh lửa đã qua nhiều lần 6 năm… Xin hỏi khi nhớ về các bậc tiền nhân, soi mình trong hiện tại và nghĩ tới tương lai cho quê hương đất nước, điều gì trong ông đau đáu?
Điều tôi quan tâm nhất chính là cán bộ và công tác cán bộ, bởi đây là nhân tố có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định sự thành bại của cách mạng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhiều lần khẳng định: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém". Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta trở thành một đảng cách mạng chân chính, Người nhiều lần nhấn mạnh: Đảng mạnh là do từng chi bộ, đảng viên mạnh và luôn đề cao tinh thần trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên.
Theo Người, "Tinh thần trách nhiệm là gì? Là khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ dù to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy… là không có tinh thần trách nhiệm".
Thực tiễn yêu cầu của cách mạng luôn đặt ra rất nhiều vấn đề mới mẻ, có cả cơ hội lẫn thách thức, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên dù ở đâu, trên cương vị nào cũng không ngừng học tập để làm giàu tri thức, rèn luyện bản lĩnh, tu dưỡng đạo đức, năng động, sáng tạo để hoàn thành mọi nhiệm vụ được phân công.
Trong thực tế hiện nay, bên cạnh những người có tinh thần trách nhiệm "hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân" thì vẫn còn một số cán bộ, đảng viên thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu chủ động, làm việc hời hợt, cầm chừng, cốt không để phạm phải khuyết điểm và chỉ lo vun vén cho lợi ích cá nhân... Những việc làm đó đã làm cho nhiều quyết sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước không đi vào cuộc sống, dẫn tới lãng phí nguồn lực, làm mất đi cơ hội phát triển và nguy hiểm hơn làm xói mòn lòng tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Sở dĩ chúng tôi đặt câu hỏi này là được biết tại Thanh Hóa có một đồng chí Tỉnh ủy viên, vừa xin thôi làm Giám đốc Sở và đề nghị được làm ở một vị trí Phó Ban ở HĐND tỉnh. Nhìn rộng ra là cả nước hiện có hàng ngàn người trong biên chế xin nghỉ việc, chuyển cơ quan.
Cá nhân tôi cho rằng, là công dân thì có quyền làm việc này hoặc không, nhưng công chức thì phải có nghĩa vụ, trách nhiệm với cơ quan, công việc và ý thức với xã hội. Xin hỏi ông, điều gì tác động đến những cán bộ, đảng viên có suy nghĩ và quyết định như vậy?
Như tôi đã nói ở trên, nâng cao tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý là việc làm hết sức cần thiết để bảo đảm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ. Cá nhân tôi cho rằng, cán bộ, đảng viên xin nghỉ việc, chuyển cơ quan cũng là thường tình, phù hợp với quy luật "có lên, có xuống, có vào, có ra" trong công tác cán bộ.
Trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng khó khăn, phức tạp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh, "nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm". Thông điệp đầy chất "thép", thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc loại bỏ thái độ làm việc cầm chừng, thiếu quyết đoán, sợ trách nhiệm, nhất là trong tình trạng "nước sôi lửa bỏng" đang rất cần cán bộ, chờ cán bộ.
Vì thế những cán bộ, đảng viên khi bản thân năng lực hạn chế, sức khỏe không đáp ứng, họ xin nghỉ, hoặc chuyển sang vị trí công tác phù hợp hơn cũng là điều đáng ghi nhận. Họ đã biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, không vì mình mà làm gánh nặng cho người khác, ảnh hưởng đến tổ chức, đến công việc chung.
"Kẻ sĩ chuộng văn học, trọng khí tiết, thời nào cũng có anh tài phóng khoáng, lỗi lạc cũng là nhờ tinh túy núi sông hun đúc" là lời của tiền nhân khi nói về mảnh đất xứ Thanh. Là người đứng đầu tỉnh, ông suy nghĩ gì về lời nhắn nhủ ấy?
Có thể nói, trong dòng chảy liên tục, không ngừng của lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, ở tất cả các bước ngoặt quan trọng đều in đậm dấu ấn, đóng góp của những người con ưu tú Thanh Hóa.
Công lao của Đảng bộ, Nhân dân Thanh Hóa trong chiến dịch Điện Biên Phủ như Bác Hồ kính yêu đã nói: "Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó"… cùng với sự hy sinh anh dũng của gần 56.000 liệt sĩ, sự đóng góp xương máu của hơn 43.000 thương binh, 4.630 bà mẹ Việt Nam Anh hùng, là những minh chứng khẳng định chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống yêu nước sáng ngời của quê hương Thanh Hóa.
Như nhà báo đặt vấn đề ngay từ đầu cuộc trò chuyện rằng, "khát vọng phát triển Thanh Hóa luôn được hun đúc, nhưng có lẽ chưa bao giờ khát vọng ấy lại trở nên mạnh mẽ và thôi thúc như lúc này". Tôi cho rằng, những thành tựu đã đạt được không chỉ là kết quả của tinh thần lao động bền bỉ, sáng tạo của nhân dân; ý thức trách nhiệm và sự kiên trì những mục tiêu đã lựa chọn của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh mà còn là sự kết tinh truyền thống hào hùng của ông cha đã được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử.
Vì thế, giai đoạn mới hiện nay, niềm tự hào, khát vọng và trách nhiệm với tương lai, đang thôi thúc Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa, trong đó có cá nhân tôi tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng hào hùng, quyết tâm xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc và trở thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.
Xin trân trọng cảm ơn ông và chúc ông luôn dồi dào sức khỏe!
Trả lời câu hỏi nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở đâu trong đường hướng phát triển của Thanh Hóa, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng khẳng định, “tam nông” là chủ trương lớn của Đảng và đang làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Trong 3 nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh gần đây, Thanh Hóa đều xác định Chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới là chương trình trọng tâm. Đến nay, Thanh Hóa có 12 đơn vị cấp huyện, 346 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 236 sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng…
Giai đoạn này, tỉnh xác định mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng nông nghiệp bình quân hằng năm phải đạt 3% trở lên với các giải pháp: Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có chất lượng, khả năng cạnh tranh cao. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trở thành một trụ cột tăng trưởng.
Theo https://nongnghiep.vn/