19/05/2023
Di tích quốc gia địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông - nơi Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa. Ảnh: Khôi Nguyên
“Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Đó là mục tiêu, là lý tưởng cao nhất mà Chủ tịch Hồ Chí Minh theo đuổi và Người đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời để hiện thực hóa ham muốn tột bậc ấy. Dưới sự lãnh đạo, dẫn dắt của “người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam”, từ một đất nước nhỏ bé, một dân tộc nô lệ không có tên trên bản đồ thế giới, Việt Nam đã trở thành một thành viên có uy tín của lực lượng cách mạng thế giới. Đó quả thật là một “cuộc đổi đời lớn”!.
Cách mạng Việt Nam được ví như một công trình mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thiết kế và phần đã làm được có thể xem như việc đổ móng, đắp nền. Nền móng vững chãi mà Hồ Chủ tịch đã gây dựng nên chính là “nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do”. Để rồi, khi và chỉ khi dựa trên cơ sở của độc lập và tự do thực sự, thì hạnh phúc, ấm no cho muôn người, muôn nhà mới có thể trở thành hiện thực. Đất nước đã hơn 40 năm yên tiếng súng và gần 37 năm tiến hành công cuộc đổi mới. Như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận xét, thì “trong công cuộc này, nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam chính là sự nghiệp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh mang lại, đến nay trở thành di sản thiêng liêng của Người, gồm cả hiện thực và tiềm năng, cả những thành tựu vật chất và những giá trị tinh thần, kết tinh công sức và sự hy sinh của bao thế hệ người Việt Nam, trong đó kết hợp với nhau cả chiều sâu lịch sử và tầm cao thời đại, hòa hợp vào nhau cả cốt cách cổ truyền từ xưa và bản lĩnh cách mạng vừa xây dựng”.
“Mục đích của cách mạng là xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, tự do, giàu mạnh. Làm cho Nhân dân được hưởng hạnh phúc và xây dựng một xã hội sung sướng, vẻ vang”. Trân trọng giữ gìn và kế thừa sáng tạo di sản cách mạng của Người cũng chính là tiếp tục sự nghiệp cách mạng trong thế giới ngày nay, mà đổi mới là đòi hỏi bức thiết. Suốt hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lại được soi sáng từ lý tưởng Chủ nghĩa Mác - Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta, dân tộc ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và ngày nay đang vững vàng bước sang trang mới, với mục tiêu cao cả là dựng xây nước Việt Nam giàu đẹp, thịnh vượng và vị thế, uy tín ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế.
Di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại là “cái vốn”, là “chất men” để sáng tạo nên cái mới. Do đó, đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ mới trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ, càng phải hiểu sâu hơn, thấm nhuần hơn tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng đất nước. Đó trước hết là thống nhất quan điểm, mục tiêu lớn: “Chúng ta phải xây dựng Việt Nam thành một nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Thành công ấy đã được thời đại, vì vậy không một dòng nước ngược nào có thể ngăn cản được nó!” (*). Muốn vậy, phải kế thừa và phát huy một trong những di sản tư tưởng cốt lõi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: đoàn kết và trọng dân - đề cao quyền làm chủ của Nhân dân. Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thắng lợi và do đó Người căn dặn: “Đoàn kết đã đưa Đảng ta và Nhân dân ta từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Cho nên chúng ta quý trọng và ra sức bảo vệ sự đoàn kết nhất trí - trong Đảng và trong Nhân dân ta, cũng như giữa các đảng và giữa các nước anh em - như giữ gìn con ngươi của mình”.
Đặc biệt, việc biến đổi một xã hội cũ thành một xã hội mới, không phải là một chuyện dễ. Nhưng đó là những khó khăn trong sự trưởng thành. Toàn Đảng, toàn dân đồng sức, đồng lòng thì khó khăn mấy cũng nhất định khắc phục được. Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đảng vừa lo tính công việc lớn như đổi nền kinh tế và văn hóa lạc hậu của nước ta thành một nền kinh tế và văn hóa tiên tiến; đồng thời lại luôn luôn quan tâm đến những việc nhỏ như tương cà mắm muối cần thiết cho đời sống hằng ngày của Nhân dân. Cho nên Đảng ta vĩ đại vì nó bao trùm cả nước, đồng thời vì nó gần gũi tận trong lòng của mỗi đồng bào ta”. Bởi “Nước nhà là nước nhà của Nhân dân ta, Nhân dân ta là người chủ nước nhà”. Do đó, phải khơi dậy và phát huy vai trò, sức mạnh của Nhân dân và xem “Tiếng dân chính là truyền lại ý trời”, thì sức dân và lòng dân sẽ đúc thành bức tường đồng bao quanh Tổ quốc sẵn sàng đương đầu và làm thất bại mọi mưu toan của các thế lực thù địch. Đồng thời, tạo điểm tựa sức mạnh cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Hội nghị trực tuyến triển khai chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Tỉnh đoàn tổ chức. Ảnh tư liệu của Lê Phượng
“Yêu Tổ quốc, yêu Nhân dân phải gắn liền với yêu CNXH”, đó là điều Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh. Bởi lẽ, không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét những lợi ích cá nhân đúng đắn và bảo đảm cho nó được thỏa mãn bằng chế độ XHCN và cộng sản chủ nghĩa. Do đó, chỉ có tiến lên CNXH thì Nhân dân mỗi ngày một no ấm, Tổ quốc mỗi ngày một giàu mạnh. Song, “cuộc cách mạng XHCN là một cuộc biến đổi khó khăn nhất và sâu sắc nhất”, vì một lẽ, chúng ta phải xây dựng một xã hội hoàn toàn mới xưa nay chưa từng có trong lịch sử dân tộc. Chúng ta phải thay đổi triệt để những nếp sống, thói quen, ý nghĩ và thành kiến có gốc rễ sâu xa hàng ngàn năm. Chúng ta phải thay đổi quan hệ sản xuất cũ, xóa bỏ giai cấp bóc lột, xây dựng quan hệ sản xuất mới không có bóc lột áp bức. Chúng ta phải biến một nước dốt nát, cực khổ thành một nước văn hóa cao và đời sống tươi vui, hạnh phúc...
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến ngày nay vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và tính thời sự. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011), một lần nữa khẳng định: “Đi lên CNXH là khát vọng của Nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”. Đó là một quá trình cách mạng sâu sắc, triệt để, đấu tranh phức tạp giữa cái cũ và cái mới, nhằm tạo ra sự biến đổi về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước phát triển, nhiều hình thức tổ chức kinh tế - xã hội đan xen. Trong quá trình đó, chúng ta có nhiều thuận lợi cơ bản, có sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện. Cùng với đó, dân tộc ta là một dân tộc anh hùng, có ý chí vươn lên mãnh liệt; Nhân dân ta có lòng yêu nước nồng nàn, có truyền thống đoàn kết và nhân ái, cần cù lao động và sáng tạo, luôn ủng hộ và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
Để có thể làm một cuộc biến đổi lớn, nhằm làm thay đổi về chất diện mạo kinh tế - xã hội đất nước, phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, đòi hỏi rất nhiều sự quyết tâm, nỗ lực và nguồn lực. Trước hết là phải khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững. Đặc biệt, phải có cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước; mọi chính sách của Đảng, Nhà nước đều phải hướng vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của Nhân dân...
Từ thực tiễn phong phú của cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã rút ra những bài học kinh nghiệm lớn, trong đó nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH - ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau - cũng là bài học đầu tiên và đắt giá nhất. “Dưới ngọn cờ của Chủ nghĩa Mác - Lê nin, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chúng ta sẽ xây dựng thành công CNXH”. Điều Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tin tưởng và kỳ vọng ấy cũng đã trở thành kim chỉ nam cho toàn Đảng, toàn dân ta cùng đoàn kết đồng lòng, phấn đấu xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và hạnh phúc!
Nguồn: Khôi Nguyên - Báo Thanh Hóa
(* Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.3, tr 494 - 495).