Nghiên cứu sinh khoá 1 bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ – Thành tựu mới trong hoạt động đào tạo ở Trường Đại học Hồng Đức

29/06/2021

Quang cảnh lễ bảo vệ luận án tiến sĩ khoá 1

Đào tạo Tiến sĩ thành công là một minh chứng cho uy tín, sự phát triển của một cơ sở giáo dục đại học, đồng thời góp phần quan trọng vào việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới.

Người xưa từng nói: “Vạn sự khởi đầu nan”. Tuy nhiên, vượt lên những khó khăn, thử thách ban đầu, tháng 6 năm 2021, ba nghiên cứu sinh (NCS) chuyên ngành Văn học Việt Nam khóa 1 trường Đại học Hồng Đức đã hoàn thành nội dung học tập và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ. Kết quả này đã tạo nên một dấu ấn quan trọng trong thành tựu đào tạo của trường Đại học Hồng Đức.

Năm 2015, sau khi quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc cho phép trường Đại học Hồng Đức được đào tạo trình độ Tiến sĩ hai chuyên ngành, trong đó có chuyên ngành Văn học Việt Nam, được công bố, nhà trường đã tuyển sinh khóa 1. Khóa đào tạo đầu tiên, chuyên ngành Văn học Việt Nam tuyển được sáu nghiên cứu sinh. Sau gần sáu năm nỗ lực của cơ sở đào tạo và các nghiên cứu sinh, được sự cộng tác của một số trường đại học, viện nghiên cứu trong nước, đến nay, đã có 3/6 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ cấp trường.

NCS Phạm Thị Xuân trình bày tóm tắt luận án tiến sĩ 

Dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS Hỏa Diệu Thúy, với đề tài Yếu tố triết luận trong tác phẩm của Nguyễn Minh Châu và Nguyễn Khải, luận án của NCS Phạm Thị Xuân đã nghiên cứu một cách toàn diện, hệ thống về yếu tố triết luận trong sáng tác của hai trong số những nhà văn lớn hàng đầu của văn xuôi hiện đại Việt Nam. Bằng các phương pháp nghiên cứu khoa học, tác giả luận án đã phân tích được tiền đề khách quan và chủ quan tạo nên tính triết luận trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu và Nguyễn Khải; chỉ ra được các biểu hiện của yếu tố triết luận trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu từ quan niệm văn chương đến các phương diện của tác phẩm như đề tài, chủ đề, cốt truyện, nhân vật, điểm nhìn trần thuật…; chỉ ra được các biểu hiện của yếu tố triết luận trong sáng tác của Nguyễn Khải bao gồm quan niệm văn chương và các phương diện đề tài, chủ đề, cốt truyện, nhân vật, giọng điệu... Từ góc nhìn so sánh, luận án đã nhận diện và lý giải điểm gặp gỡ của hai bút pháp triết luận - Nguyễn Minh Châu và Nguyễn Khải, rõ nhất là trong quan niệm đề cao tính tư tưởng của văn chương, ở cách lựa chọn đề tài và chủ đề giàu tính nhân bản, đề cao các giá trị chân – thiện – mỹ, ở cách xây dựng các nhân vật giàu tính biểu tượng, ở ngôn ngữ và giọng điệu trần thuật. Tác giả luận án cũng chỉ ra những khác biệt trong yếu tố triết luận của hai nhà văn, rõ nhất là trong cách tiếp cận và phản ánh hiện thực, cách xây dựng nhân vật, cách tổ chức ngôn ngữ và giọng điệu trần thuật. Có thể nói, đây là công trình đầu tiên nghiên cứu chuyên sâu từ góc nhìn so sánh, giúp người nghiên cứu, người đọc thấy rõ hơn phong cách sáng tác của mỗi nhà văn, hiểu được căn nguyên tạo nên tầm vóc tư tưởng và sức sống lâu bền cho sáng tác của họ, nhận ra nét đặc sắc, riêng có của mỗi nhà văn dù sáng tác của họ đều giàu tính triết luận. Luận án của NCS Phạm Thị Xuân đã được hội đồng đánh giá là công trình công phu, nghiêm túc, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, thiết thực trong công tác giảng dạy ở các nhà trường và trong nghiên cứu khoa học.

 

NCS Đặng Thị Đông trình bày tóm tắt luận án tiến sĩ

Luận án Ảnh hưởng của triết lý Phật giáo trong thơ Việt Nam từ 1945 đến nay (khảo sát qua một số tác giả tiêu biểu) của nghiên cứu sinh Đặng Thị Đông được thực hiện dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS Lê Tú Anh và PGS.TS Nguyễn Viết Ngoạn. Với 150 trang chính văn và 07 bài báo đã được công bố trên các tạp chí uy tín, luận án của NCS Đặng Thị Đông đã phân tích, luận giải những dấu ấn ảnh hưởng triết lý Phật giáo trong thơ Việt Nam từ 1945 đến nay. Đối tượng nghiên cứu của luận án là thơ của các tác giả thể hiện rõ dấu ấn ảnh hưởng triết lý Phật mà người nghiên cứu chia thành 2 nhóm: Nhóm tác giả xuất gia tiêu biểu là Thích Nhất Hạnh, Viên Minh, Như Huyễn Thiền Sư, Minh Đức Triều Tâm Ảnh, Mặc Giang, Trần Quê Hương, TK. Thiện Hữu (Thích Thiện Hữu)...Nhóm tác giả tại gia tiêu biểu là Vũ Hoàng Chương, Quách Tấn, Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Đức Sơn, Trịnh Công Sơn (phần ca từ), Tô Thùy Yên... Trên cơ sở triết lý Phật giáo, nhất là bằng việc giới thuyết ngắn gọn, sáng rõ về vũ trụ quan, thế giới quan, nhân sinh quan Phật giáo, tác giả luận án đã khái quát thành những luận điểm thể hiện sự ảnh hưởng của triết lý Phật giáo trên cả phương diện nội dung và hình thức biểu đạt. Các luận điểm nổi bật về nội dung là: nhận thức về sự khổ và tinh thần tịnh lạc, mối quan hệ tương duyên và nhận thức về chân như, tinh thần vô ngã và lòng từ bi trải rộng không phân ranh giới. Về nghệ thuật, các thủ pháp biểu trưng cho ý niệm giác ngộ; ngôn ngữ mang dấu ấn nhà Phật – vô trụ, đậm chất thiền; giọng điệu suy tư, chiêm nghiệm, phủ định để khẳng định, phóng khoáng, “tùy duyên... là những dấu ấn ảnh hưởng rõ nét. Từ những nghiên cứu đó, luận án đã khẳng định có một mạch ngầm thơ đậm chất thiền âm thầm chảy trong lịch sử văn học Việt Nam nói chung, trong thơ Việt Nam hiện đại nói riêng. Việc lựa chọn đối tượng nghiên cứu và những kết quả nghiên cứu của luận án đã tạo nên tính mới, giúp người đọc hình dung đầy đủ hơn diện mạo và thành tựu của thơ Việt Nam từ 1945 đến nay. Có thể nói, luận án là công trình đầu tiên quan tâm đến thơ Việt Nam từ 1945 đến nay dưới một góc nhìn mới – phương diện tâm linh, tôn giáo. Dưới góc nhìn của triết lý Phật giáo, luận án đã mở rộng đối tượng và phạm vi nghiên cứu, chỉ ra nhiều điểm mới của thơ Việt Nam từ 1945 đến nay. Tiếp thu ảnh hưởng của triết lý Phật giáo, thơ hiện đại trở nên sâu sắc và hấp dẫn hơn trên cả phương diện lý thuyết cũng như ứng dụng. Nó góp phần khẳng định sức mạnh của đạo đức Phật giáo có khả năng xây dựng xã hội tốt đẹp, cổ vũ nhân loại cùng sống trong tinh thần bất hại, hướng thượng, tịnh hóa tâm hồn. Kết quả nghiên cứu này càng trở nên có ý nghĩa trong thời đại công nghiệp, trong xã hội mà xu hướng hưởng thụ, tiêu dùng đang ngày càng lên ngôi. Luận án của NCS Đặng Thị Đông được hội đồng đánh giá cao, là công trình khoa học nghiêm túc, công phu, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, có đóng góp cho khoa học chuyên ngành và đời sống xã hội

NCS Nguyễn Thị Hoàng Hương trình bày tóm tắt luận án tiến sĩ

Với đề tài Thi pháp thơ Nguyễn Duy, dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS Ngô Văn Giá và TS Nguyễn Văn Đông, luận án của NCS Nguyễn Thị Hoàng Hương đã tiến hành khảo sát chuyên sâu, toàn diện, hệ thống về thơ Nguyễn Duy – nhà thơ trưởng thành từ phong trào thơ trẻ thời chống Mỹ và sau này trở thành nhà thơ lớn hàng đầu của nền thơ hiện đại Việt Nam. Tiếp cận thơ Nguyễn Duy từ góc độ thi pháp học, luận án đã đi từ việc nhận diện và phân tích quan niệm nghệ thuật của nhà thơ, rồi khảo sát, luận giải cách tổ chức hình tượng nghệ thuật, bao gồm hình tượng cái tôi trữ tình, hình tượng nhân vật trữ trình, hình tượng không gian – thời gian, cách tổ chức thể thơ, giọng điệu, ngôn ngữ… Qua đó, luận án đã hệ thống hóa những đặc sắc của thi pháp và phát hiện thêm nhiều điều mới mẻ trong thơ Nguyễn Duy, đồng thời khẳng định bản lĩnh, phong cách nghệ thuật cũng như những đóng góp và vị thế của nhà thơ trong tiến trình vận động và phát triển của thơ Việt Nam hiện đại. Điều thú vị và rất có ý nghĩa là Nguyễn Duy là nhà thơ quê xứ Thanh, sinh ra tại xã Đông Vệ, huyện Đông Sơn, nay là phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Trong thơ Nguyễn Duy, rất nhiều địa danh của quê Thanh như Cầu Bố, làng Quảng Xá, Đò Lèn… đã trở thành những hình ảnh giàu tính biểu tượng. Bởi vậy, ngoài ý nghĩa khoa học và thực tiễn, luận án còn như một sự tôn vinh, một lời tri ân đối với một nhà thơ lớn – người đã tiếp nối truyền thống nghệ thuật cha ông, góp phần làm rạng danh mảnh đất Thanh Hóa địa linh nhân kiệt. 

 

PGS.TS. Lê Tú Anh - Phó trưởng khoa KHXH phát biểu chúc mừng NCS

Ba luận án Tiến sĩ đã được bảo vệ thành công ở cấp trường trong tháng 6 năm 2021 đã thể hiện một bước tiến trong hoạt động đào tạo của nhà trường. Với kết quả này, trường Đại học Hồng Đức chính thức trở thành cơ sở đào tạo đại học trực thuộc địa phương hoàn thiện tất cả các hệ bậc đào tạo. Các nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình đào tạo Tiến sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam có thể đảm nhiệm các vị trí việc làm như: nghiên cứu viên, thành viên nhóm nghiên cứu tiên tiến, thành viên chủ chốt/trưởng nhóm nghiên cứu, lãnh đạo tổ chức nghiên cứu, giảng viên các trường đại học, cán bộ quản lí trong các trường Trung học/cơ quan quản lí giáo dục, chuyên viên, phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lí trong các cơ quan báo chí, xuất bản có liên quan đến văn học/văn học Việt Nam và các cơ quan quản lí văn hóa...

Trong quá trình thực hiện chương trình đào tạo trình độ Tiến sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam, Trường Đại học Hồng Đức đã nhận được sự giúp đỡ/cộng tác mật thiết của các giáo sư, nhà khoa học, sự hợp tác chặt chẽ của các cơ quan nghiên cứu và cơ sở đào tạo khác như: Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Viện Văn học, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, Trường Đại học Vinh, Trường Đại học khoa học (Đại học Huế), Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên), Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội… Ba NCS đầu tiên của chuyên ngành bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ cũng là minh chứng sinh động cho hoạt động hợp tác trong đào tạo rất có hiệu quả của nhà trường.

Lãnh đạo Nhà trường tặng hoa chúc mừng NCS Đặng Thị Đông
bảo vệ thành công luận án tiến sĩ
Lãnh đạo Phòng QLĐTSĐH và lãnh đạo khoa KHXH tặng hoa chúc mừng
NCS Nguyễn Thị Hoàng Hương bảo vệ thành công luận án tiến sĩ

Trong thời gian tới, nhà trường tiếp tục tuyển sinh và đào tạo trình độ Tiến sĩ 04 chuyên ngành gồm: Văn học Việt Nam, Lịch sử Việt Nam, Lý luận và phương pháp dạy học Văn – Tiếng Việt, Khoa học cây trồng. Để đáp ứng yêu cầu và chuẩn đầu ra mới, nhất là quy định về công bố quốc tế, nhà trường sẽ tiếp tục hợp tác với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo trong nước; đồng thời mở rộng hợp tác với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo nước ngoài để vừa tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học, vừa đảm bảo chất lượng đào tạo, góp phần bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và đất nước./.

https://vhds.baothanhhoa.vn/giao-duc/nghien-cuu-sinh-khoa-1-bao-ve-thanh-cong-luan-an-tien-si-thanh-tuu-moi-trong-hoat-dong-dao-tao-o-truong-dai-hoc-hong-duc

                                                                       Tin bài: Lê Tú Anh - PTK Khoa KHXH

Tin nổi bật

Tuyển sinh 2024

TIN LIÊN QUAN