01/05/2023
Sau khi Hiệp định Genève được ký kết (1954), hòa bình được lập lại ở miền Bắc, nhưng tại miền Nam, Nhân dân vẫn bị kẻ thù xâm lược. Trải qua 21 năm chiến đấu anh dũng, với đường lối chính trị độc lập, tự chủ, đúng đắn và sáng tạo của Đảng; sự chi viện của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa và nhân loại tiến bộ trên thế giới… quân và dân ta đã đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975).
Trong cuộc kháng chiến ấy, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã lãnh đạo quân và dân, chiến đấu mưu trí dũng cảm, vượt qua nhiều khó khăn gian khổ, xây dựng và bảo vệ hậu phương Thanh Hóa, chống chiến tranh phá hoại của Mỹ với chiến công bắn rơi, bắn cháy nhiều máy bay, bắn chìm nhiều tàu chiến, tàu biệt kích Mỹ và tay sai; chi viện sức người sức của cho miền Nam.
Hàng chục phong trào thi đua vì miền Nam ruột thịt đã diễn ra liên tục, sôi động, rộng khắp. Phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”... đã động viên mọi tầng lớp Nhân dân tham gia chống Mỹ, cứu nước. Hàng ngàn gia đình nhiều thế hệ cùng chung chiến hào giệt giặc. Hàng vạn gia đình có từ 3 đến 5 con tòng quân nhập ngũ.
Các mẹ, các chị đã động viên chồng, con, em của mình ra mặt trận. Có trên 250.000 thanh niên ưu tú và hàng vạn cán bộ, đảng viên, nam, nữ tham gia bộ đội và thanh niên xung phong. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã xây dựng huấn luyện 78 tiểu đoàn bổ sung cho các chiến trường. Thanh Hóa đã huy động cao nhất, nhiều nhất tài lực, vật lực cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước toàn thắng.
Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, non sông thu về một mối, Thanh Hoá cùng cả nước bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phát huy tinh thần đại thắng 30/4, cùng với truyền thống Anh hùng cách mạng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức xây dựng Thanh Hóa ổn định và từng bước phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên.
Trong hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, phát huy tinh thần chiến thắng 30/4, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã lãnh đạo, chỉ đạo sáng tạo thực hiện đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, hiện thực hóa quan điểm cương lĩnh phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, từng bước hiện thực khát vọng thịnh vượng của một tỉnh giàu tiềm năng với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng.
Đặc biệt, sự kiện ngày 5/8/2020 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045; ngày 3/2/2021 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045; ngày 13/11/2021, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 37/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa; ngày 27/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - đã mở ra thời cơ vận hội mới để hiện thực hóa khát vọng phồn vinh, thịnh vượng để tiếp tục xây dựng Thanh Hóa đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới ở phía bắc của Tổ quốc; đến năm 2030, trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2045, Thanh Hoá là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.
Phát huy tinh thần đại thắng 30/4, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Đảng bộ tỉnh, những năm qua, Thanh Hóa đã và đang nỗ lực, quyết tâm phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức; song tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả nổi bật:
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 12,51%, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch 11,5%) và đứng thứ 7 cả nước; GRDP bình quân đầu người ước đạt 2.924 USD, vượt 4,42% kế hoạch; tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 48.820 tỷ đồng, vượt 65% dự toán và tăng 20% so với cùng kỳ. Trong đó: Thu nội địa ước đạt 30.150 tỷ đồng, vượt 62% dự toán và tăng 6% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 18.670 tỷ đồng, vượt 70% dự toán và tăng 55% so với cùng kỳ.
Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm thực hiện.
Lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả tích cực; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản, môi trường được tăng cường.
Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính, cải cách hành chính được tập trung thực hiện. quốc phòng - an ninh được củng cố, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tạo thuận lợi cho kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Chất lượng thẩm định, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý được nâng lên; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng được tăng cường.
Đây cũng là năm Thanh Hóa tiếp tục ghi dấu ấn trên bảng xếp hạng Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) ở vị trí thứ 3 sau Quảng Ninh và Bình Dương. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) Thanh Hóa xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố của cả nước. Chỉ số số cải cách hành chính năm 2022 đạt 87,11 điểm; xếp thứ 10 cả nước, tăng 4 bậc so với năm 2021 (năm 2021 xếp thứ 14); đứng thứ hai nhóm các tỉnh Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung.
Đã 48 năm kể từ ngày đất nước được giải phóng, Bắc - Nam sum họp một nhà, non sông thu về một mối (30/4/1975), bài học năm xưa vẫn được Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa vận dụng và phát huy trong xây dựng và phát triển, nhất là về tính chủ động, sáng tạo tập hợp lực lượng, củng cố khối đoàn kết toàn dân, chủ động tạo ra thời cơ và nắm chắc thời cơ.
Tinh thần đại thắng 30/4 đã và đang tiếp tục được khơi dậy trong thế kỷ XXI, nhất là từ thập niên 20 này, Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, hợp thành cực tăng trưởng mới (cùng Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc); đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2045 trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.
Tin tưởng với sự lãnh đạo, chỉ đạo nhạy bén, sáng tạo của Đảng bộ tỉnh, mục tiêu ấy, khát vọng ấy sẽ sớm về với tỉnh Thanh Hóa.
Nguồn: Báo Thanh Hoá