19/08/2022
Giành chính quyền cách mạng ở huyện Thiệu Hóa, ngày 19-8-1945. (Tư liệu trưng bày tại Bảo tàng tỉnh)
Bước sang năm 1944, cuộc đấu tranh chống phát xít trên thế giới đã có bước chuyển biến mạnh mẽ. Trong khi đó tại Đông Dương, mâu thuẫn giữa thực dân Pháp và quân phiệt Nhật ngày càng gay gắt. Trước tình hình trên, Nghị quyết của Tỉnh ủy lâm thời Thanh Hóa (ngày 24-6-1944), nhấn mạnh: “Các đồng chí! Hồng quân sắp quét sạch rợ phát xít ra khỏi đất nước. Mặt trận thứ hai đã mở (...) Cuộc tổng phản công của đồng minh ở viễn đông gần đến. Nhật, Pháp sắp đến lúc đả nhau kịch liệt. Dịp tốt sắp đến. Quần chúng Nhân dân đã uất ức quá lắm. Nhiều cuộc tranh đấu tự phát đã nổ. Nhiệm vụ của Đảng ta là phải lãnh đạo đồng bào tiến gấp khởi nghĩa. Cần mỗi đồng chí chúng ta hoạt động gấp lên. Quyết tâm chiến đấu! Quyết tâm hy sinh! Quyết tâm chiến thắng! Cách mệnh dân tộc giải phóng thành công!”.
Với tinh thần và tâm thế sẵn sàng, sau khi Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (ngày 12-3-1945), Tỉnh ủy Thanh Hóa đã kịp thời chỉ đạo phát động phong trào quần chúng vùng lên; đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Chỉ thị “Kíp sửa soạn khởi nghĩa” do Tỉnh bộ Việt Minh Thanh Hóa ban hành ngày 15-9-1944. Phong trào cách mạng Thanh Hóa bước vào giai đoạn đấu tranh sục sôi, quyết liệt, tạo tiền đề cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Trước sự phát triển của phong trào cách mạng, hệ thống cai trị các cấp của thực dân, phong kiến ở Thanh Hóa bị lung lay, rệu rã. Để rồi, ngày 24-7-1945, khởi nghĩa từng phần ở Thanh Hóa được bắt đầu với cuộc khởi nghĩa ở Hoằng Hóa. Hoằng Hóa trở thành một trong những huyện đầu tiên của cả nước giành được chính quyền trước ngày tổng khởi nghĩa. Sự kiện này đã gây tiếng vang và tạo thanh thế rất lớn, đẩy nhanh cao trào cách mạng. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hoằng Hóa không chỉ cho thấy các điều kiện chủ quan, khách quan và thời cơ cách mạng đã đến; mà còn là minh chứng về sự sáng tạo của Tỉnh ủy Thanh Hóa, Chi bộ Đảng và Ban cán sự Việt Minh Hoằng Hóa trong việc vận dụng Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” và Chỉ thị “Kíp sửa soạn khởi nghĩa” vào thực tiễn tình hình cách mạng địa phương.
Khởi nghĩa giành chính quyền ở Hoằng Hóa giành thắng lợi đã mở đầu cho thời kỳ vùng dậy giành chính quyền trong toàn tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, những cuộc tuần hành có vũ trang, diễn thuyết, tuyên truyền, thị uy... nhằm đè bẹp uy thế của chính quyền tay sai diễn ra ở nhiều nơi. Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng, ngày 13-8-1945, Tỉnh ủy Thanh Hóa triệu tập hội nghị mở rộng tại nhà ông Tô Đình Bảng, làng Mao Xá, huyện Thiệu Hóa (nay là thôn Toán Ty, xã Thiệu Toán, huyện Thiệu Hóa) để bàn biện pháp kịp thời chỉ đạo phong trào cách mạng trong toàn tỉnh. Trong khi hội nghị đang diễn ra thì nhận được tin Nhật đầu hàng đồng minh. Bằng sự sáng tạo, linh hoạt, nhạy bén và quyết đoán, hội nghị đã đề ra nhiều quyết định quan trọng. Đó là quyết định khởi nghĩa và định ngày khởi nghĩa trong toàn tỉnh: mặc dù chưa nhận được lệnh khởi nghĩa của Trung ương, nhưng hội nghị đã quyết định chọn “giờ tổng khởi nghĩa trong toàn tỉnh là 12 giờ đêm ngày 18, rạng ngày 19-8-1945”. Đồng thời, quyết định thành lập Ủy ban Khởi nghĩa và Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời; thông qua chủ trương khởi nghĩa: phát động toàn dân nổi dậy bằng cả hai lực lượng (lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang), kết hợp chặt chẽ hai hình thức đấu tranh chính trị với đấu tranh quân sự, nhưng phải bảo đảm phương châm “nhanh, gọn và quyết thắng”, đột nhập bất ngờ, chớp nhoáng tiêu diệt địch... Trong không khí cách mạng hết sức khẩn trương của cả nước, cùng tinh thần sục sôi của Nhân dân Thanh Hóa, đêm ngày 18, rạng ngày 19-8-1945, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Thanh Hóa phát lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh. Quần chúng Nhân dân, tự vệ vũ trang ở khắp nơi trong tỉnh nhất tề vùng lên và nhanh chóng đưa cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đi đến thắng lợi cuối cùng.
Có thể nói, với quá trình chuẩn bị khẩn trương, nghiêm túc cả về tổ chức và lực lượng; đồng thời, với tinh thần quật khởi mạnh mẽ, quả cảm, đoàn kết của mảnh đất, con người xứ Thanh, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Thanh Hóa thắng lợi một cách nhanh chóng không chỉ thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, trực tiếp là Đảng bộ tỉnh; mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết và sự tiếp nối truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm kiên cường, bất khuất của các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh. Ngày 23-8-1945, tại thị xã Thanh Hóa, Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Thanh Hóa đã ra mắt Nhân dân, tuyên bố xóa bỏ chính quyền phong kiến, thực dân, thành lập chính quyền cách mạng. Chính quyền cách mạng dân chủ Nhân dân ở Thanh Hóa là một bộ phận trong hệ thống chính quyền cách mạng Việt Nam; đại diện cho lợi ích của Nhân dân, của dân tộc Việt Nam.
Khi nghiên cứu về ý nghĩa của cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Thanh Hóa, nhiều học giả đã thống nhất cho rằng, sự chủ động, sáng tạo và nắm chắc thời cơ là những ưu điểm nổi bật trong quá trình lãnh đạo phong trào cách mạng giải phóng dân tộc của Tỉnh ủy và Tỉnh bộ Việt Minh Thanh Hóa. Đặc biệt, cuộc cách mạng ở Thanh Hóa không chỉ đóng góp về nghệ thuật nắm bắt thời cơ, về tính chủ động, sáng tạo; mà thắng lợi của Thanh Hóa đã góp phần vào thắng lợi chung của cả nước, cùng cả nước khởi nghĩa giành chính quyền. Bởi lẽ, khởi nghĩa ở Thanh Hóa đã đập tan một bộ phận quan trọng lực lượng địch, phá vỡ hệ thống chính quyền của địch ở Thanh Hóa, cùng cả nước lật đổ ách thống trị của đế quốc xâm lược và chính quyền tay sai của chúng. Cách mạng Tháng Tám ở Thanh Hóa thắng lợi không những có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của Thanh Hóa mà còn có ý nghĩa chung đối với cả nước, đồng thời, chiến công của Nhân dân Thanh Hóa đã góp phần đưa dân tộc Việt Nam lên hàng các dân tộc tiên phong trên thế giới.
Bàn về ý nghĩa lịch sử và tinh thần bất diệt của cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và Nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi của khát vọng độc lập, của ý chí tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Để rồi, trong trang sử hào hùng của cuộc cách mạng mùa thu ấy, “khởi nghĩa Tháng Tám ở Thanh Hóa thắng lợi, Nhân dân Thanh Hóa lại ghi thêm một chiến công vẻ vang nữa vào lịch sử huy hoàng của mình, cùng cả nước tạo ra bước ngoặt vĩ đại trong sự phát triển của dân tộc, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội”.
Khôi Nguyên (https://baothanhhoa.vn/)