Trường Đại học Hồng Đức tham dự tọa đàm “Mô hình cơ cấu tổ chức Hội đồng trường trong giai đoạn mới”

30/09/2024

Ngày 27/9/2024, tại tỉnh Nghệ An, Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường thuộc Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Mô hình cơ cấu tổ chức Hội đồng trường trong giai đoạn mới”.

Tham dự tọa đàm, về phía Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có TS. Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội và ông Phạm Ngọc Lan – Trưởng ban Công tác Hội viên.

Về phía Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường có PGS.TS. Nguyễn Khắc Khiêm - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam, Phó Chủ nhiệm thường trực Câu lạc bộ, cùng các thầy cô trong Ban chủ nhiệm và thành viên Câu lạc bộ, các thầy cô thuộc ban lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước. Về phía Trường Đại học Hồng Đức có PGS.TS. Lê Viết Báu – Chủ tịch Hội đồng trường tham dự.

Media\1_hdu_home\FolderFunc\202409\Images/6-8-20240930093242-e.jpg
Quang cảnh chương trình toạ đàm

Tọa đàm là hoạt động thường niên của Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường, nhằm tạo diễn đàn giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động giữa các thành viên. Tọa đàm lần này có chủ đề “Mô hình cơ cấu tổ chức Hội đồng trường trong giai đoạn mới” nhằm giúp các hội đồng trường chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn nhằm chuẩn bị cho việc thành lập hội đồng trường của các trường nhiệm kỳ 2025-2030.

Tại diễn đàn này các đại biểu đã cùng nhau thảo luận các nội dung: Tổ chức và hoạt động của Hội đồng trường cơ sở giáo dục đại học công lập; Phối hợp công tác giữa Hội đồng trường và Ban Giám hiệu; Một số khó khăn, vướng mắc, hạn chế và hướng giải quyết khi thực hiện hệ thống các quy định cơ bản đảm bảo theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Hội đồng trường các cơ sở giáo dục như: Hệ thống quy định của Đảng, pháp luật về có sở giáo dục đại học là đơn vị sự nghiệp công lập còn chồng chéo, chưa đồng bộ; Sự quan tâm, sát sao chỉ đạo, phân định thẩm quyền của Cơ quan chủ quản còn bất cập, thiếu thống nhất; Hội đồng trường được giao rất nhiều quyền trong khi năng lực thực hiện chưa tương xứng; Một số cơ sở giáo dục đại học chưa thực hiện chủ trương Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng trường; Việc xây dựng và cập nhật hệ thống văn bản quản lý điều hành còn hạn chế; Lúng túng trong “tự chủ”, trong tổ chức và hoạt động, trong phân định trách nhiệm, quyền hạn của Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban Giám hiệu,…

Media\1_hdu_home\FolderFunc\202409\Images/z5878302355057-a193aeae45695f439ed4332a82fdb324-20240930093225-e.jpg

PGS. TS. Lê Viết Báu - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Hồng Đức chia sẻ tại diễn đàn

Phát biểu tại diễn đàn PGS. TS. Lê Viết Báu - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Hồng Đức chia sẻ một số kinh nghiệm thực tiễn trong cơ cấu tổ chức và hoạt động của hội đồng trường. Trong đó ông nhấn mạnh sự đoàn kết, thấu hiểu và hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình làm việc của tập thể lãnh đạo, đặc biệt là giữa Chủ tịch hội đồng trường và Hiệu trưởng. PGS. TS. Lê Viết Báu cũng chia sẻ về những khó khăn, bất cập trong các quy định của Đảng, phát luật có liên quan. Chẳng hạn về việc đầu tư trang thiết bị dạy học nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, mặc dù nguồn kinh phí từ hoạt động tự chủ của nhừ trường nhưng đều phải xin chủ trương, ý kiến của các cơ quan khác rất mất thời gian và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ giảng dạy. Những việc tương tự sẽ làm mất đi tính thời sự cũng như thời cơ cho các trường bứt phá. Bên cạnh đó, PGS.TS.  Lê Viết Báu cũng nêu lên những vấn đề bất cập trong xây dựng danh mục vị trí việc làm, chức danh tiêu chuẩn từng vị trí và xếp lương. Theo đó, PGS.TS. Lê Viết Báu nhấn mạnh: “Trong Luật 34 đã quy định có chức danh Thư kí Hội đồng trường và có thể có Phó Chủ tịch Hội đồng trường. Nhưng thông tư số 04/2024/TT-BGDĐT (hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành giáo dục và đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm công lập) chỉ có chức danh Chủ tịch Hội đồng trường đại học/Học viện trong khung lãnh đạo quản lý của hội đồng trường. Vì vậy cơ quan chủ quản không có cơ sở để thông qua vị trí việc làm phó chủ tịch hội đồng trường và thư ký hội đồng trường trong danh mục vị trí việc làm của trường đại học trước khi hội đồng trường ban hành.

Media\1_hdu_home\FolderFunc\202409\Images/z5880885969645-d5045565fd66a49e38e915d589b1d7d2-20240930093223-e.jpg

TS. Nguyễn Viết Lộc - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ tại diễn đàn

Chia sẻ với những khó khăn trong vận hành Hội đồng trường của các đơn vị, trao đổi tại tọa đàm, TS. Nguyễn Viết Lộc - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gợi mở nhiều giải pháp, hướng dẫn các cơ sở tháo gỡ khó khăn.

TS. Nguyễn Viết Lộc cũng cho biết, dự kiến có thể trong tháng 10 sẽ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2019/NĐ-CP.

“Trong phạm vi của mình, Nghị định 99 mới sẽ khắc phục một số điểm hạn chế trong triển khai tự chủ đại học, chủ yếu liên quan đến quy trình thủ tục”, TS. Nguyễn Viết Lộc cho biết.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch tài chính sẽ có báo cáo Chính phủ đến năm 2025 sửa Luật 34 để tháo gỡ khó khăn, mở đường cho tự chủ đại học phát triển.

Media\1_hdu_home\FolderFunc\202409\Images/z5878304518062-bac0e5e667d997599b6d196decaa0526-20240930093223-e.jpg

Đại biểu tham dự diễn đàn chụp ảnh lưu niệm

Chương trình tọa đàm “Mô hình cơ cấu tổ chức Hội đồng trường trong giai đoạn mới” đã diễn ra thành công tốt đẹp. Những ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu tham dự toạ đàm sẽ là cơ sở quan trọng để Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường thuộc Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam có thêm nhiều cải tiến, nhằm tiến tới xây dựng mô hình cơ cấu tổ chức Hội đồng trường phù hợp, tinh gọn, hiệu quả, hiệu lực, phát huy đúng vai trò là cơ quan quản trị, là động lực đổi mới trong tiến trình tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học trong thời gian tới./.

Trung tâm CNTT&TT

Tin nổi bật

Tuyển sinh 2024

TIN LIÊN QUAN