19/04/2022
Thời gian qua, Trường Đại học Hồng Đức đã, đang tập trung nguồn lực, đầu tư xây dựng các nền tảng, hạ tầng, thiết bị công nghệ để thực hiện chuyển đổi số (CĐS). Qua đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý cũng như chất lượng giáo dục và đào tạo, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phòng học thông minh của Trường Đại học Hồng Đức.
Trong bối cảnh CĐS đang diễn ra mạnh mẽ, Trường Đại học Hồng Đức đã nhanh chóng biến thách thức thành cơ hội để phát triển, xác định CĐS là tất yếu và là con đường đi đến tương lai của giáo dục. Thời gian qua, tập thể cán bộ, giảng viên nhà trường đã chủ động học tập nâng cao trình độ, thay đổi thói quen và tư duy quản lý, dạy học truyền thống; sử dụng thành thạo các thiết bị và ứng dụng thông minh để thích ứng nhanh với xu thế đổi mới giáo dục. Đồng thời tăng cường hướng dẫn sinh viên các tính năng, ứng dụng hiện đại của các thiết bị, ứng dụng thông minh. Nhà trường đã từng bước đầu tư, phát triển các nền tảng công nghệ hỗ trợ cho hoạt động chuyên môn, học thuật trong hệ thống, như: thư viện số, hệ thống quản lý học vụ, phòng học thông minh, phòng thí nghiệm…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức, chia sẻ: “Để nâng cao chất lượng dạy và học, nâng cao hiệu quả nghiên cứu, phát triển đa dạng các phương thức, mô hình đào tạo mới phù hợp với những biến động trong tình hình mới, đồng thời, gia tăng nguồn lực tài chính thì CĐS là xu thế tất yếu của mỗi trường. Thực hiện CĐS, nhà trường bắt đầu từ công tác dạy và học, đó là sự thay đổi về mặt nhận thức, từng bước tạo lập nên môi trường học tập số, học liệu số. Từ đó, thay đổi phương pháp dạy và học, từng bước tạo nên những học viên số, giảng viên số”.
Theo đó, những năm qua nhà trường đã xây dựng hệ thống hạ tầng thông tin, hạ tầng mạng, trung tâm dữ liệu, hệ thống máy chủ, đường cáp quang tốc độ cao… với 400 máy tính kết nối internet tốc độ cao, 100% khu giảng đường có hệ thống wifi miễn phí… cơ bản đáp ứng yêu cầu về CĐS. Bên cạnh đó, nhà trường đã xây dựng 1 phòng thí nghiệm về lĩnh vực khoa học máy tính với các trang thiết bị hiện đại, hệ thống máy tính xử lý dữ liệu tốc độ cao, giúp sinh viên ngành khoa học máy tính được học tập và thử nghiệm các thuật toán về khai thác, dữ liệu lớn, sử dụng dữ liệu; đầu tư 1 phòng học thông minh với đầy đủ các thiết bị học tập tiện ích, không những phục vụ hiệu quả cho công tác dạy và học mà còn tăng khả năng tương tác hai chiều giữa giảng viên và sinh viên; 1 thư viện số với 120 máy tính đã được kết nối vào hệ thống dữ liệu số quốc gia, tạo cơ sở dữ liệu khổng lồ cho việc học tập, nghiên cứu khoa học cho giảng viên, học viên… Trong 2 năm (2019-2020), Trường Đại học Hồng Đức đã hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý với nhiều tiện ích, như giám sát hoạt động của giảng viên, giám sát lớp học... Qua hệ thống này, giảng viên cũng dễ dàng quản lý, nắm bắt thông tin nội dung công việc, nhất là các nội dung về thống kê, báo cáo, phục vụ cho việc đánh giá chất lượng dạy và học trong mỗi kỳ. Còn với sinh viên, việc nắm bắt thông tin, hoạt động của lớp, trường cũng như các hoạt động về đào tạo, tín chỉ, học phí… trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn với một chiếc điện thoại thông minh.
Thư viện số của Trường Đại học Hồng Đức được kết nối với kho dữ liệu số quốc gia.
Em Bùi Đăng Khoa, sinh viên năm 2, Khoa Khoa học tự nhiên, Trường Đại học Hồng Đức, cho biết: “Học tập với công nghệ cho chúng em cảm giác năng động, hiện đại, cũng như sự tự tin bước vào công việc trong tương lai. Còn hiện tại việc học tập của sinh viên cũng tiện ích hơn rất nhiều khi có sự trợ giúp đắc lực từ phòng học thông minh, thư viện số… giúp chúng em tiếp cận được kho tư liệu khổng lồ không chỉ có kiến thức trong nước mà cả trên thế giới”.
Với mục tiêu đến năm 2030 trở thành trường đại học thông minh, thời gian tới, Trường Đại học Hồng Đức tiếp tục đẩy mạnh công tác CĐS, trong đó tập trung vào 4 nội dung chính: Tăng cường các điều kiện đảm bảo ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS, hoàn thiện xây dựng kiến trúc CĐS tổng thể; hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nhà trường gắn liền với hoạt động CĐS trong dạy, kiểm tra, đánh giá và nghiên cứu khoa học. Tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức cho toàn thể cán bộ, giảng viên nhà trường trong đó, lãnh đạo nhà trường xác định CĐS là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu, đồng thời, bồi dưỡng nguồn nhân lực thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin CĐS một cách hiệu quả nhất. Huy động nguồn lực tham gia ứng dụng công trên cơ sở phát huy tốt nội lực.
Bài và ảnh: Phong Vân (https://vhds.baothanhhoa.vn/)