18/04/2023
Năm 2022, Trường Đại học Hồng Đức là trường đầu tiên trong cả nước đưa học phần Công nghệ số vào giảng dạy cho tất cả các chương trình đào tạo. Mục đích của việc triển khai học phần này nhằm trang bị các kiến thức cần thiết cho người học về công dân số, an toàn thông tin, văn hóa số, giúp bảo vệ mình, bảo vệ tài sản trên môi trường không gian mạng, không gian số. Đồng thời giúp học viên, sinh viên khai thác hiệu quả công nghệ số, những thành tựu nổi bật của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào học tập, nghiên cứu khoa học và tiến tới tạo các sản phẩm sáng tạo, khởi nghiệp, khai thác hiệu quả công nghệ số để phát triển nghề nghiệp trong tương lai và tham mưu cho cơ quan, đơn vị nơi công tác ứng dụng các công nghệ số trong thực tiễn.
PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Hồng Đức cho biết: "Hơn một năm qua, khoa đã triển khai cải tiến, xây dựng và phát triển nội dung học phần Công nghệ số qua nhiều bước, tiệm cận với các kiến thức phù hợp nhất theo đúng hướng dẫn của Bộ Thông tin truyền thông về các kỹ năng số cần thiết cho người học. Sau một năm triển khai đã thấy sự thay đổi về nhận thức, thái độ và kỹ năng khai thác, sử dụng các hợp phần, công nghệ liên quan có thay đổi rõ rệt cả với người học và chất lượng giảng dạy của khoa. Trong thời gian tới, khoa sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát triển, tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp liên quan để nâng cao chất lượng học phần này".
Thực hiện chuyển đổi số, Trường Đại học Hồng Đức bắt đầu từ thay đổi phương pháp dạy và học, từng bước tạo nên những học viên số, giảng viên số. Tập thể cán bộ, giảng viên nhà trường đã chủ động học tập nâng cao trình độ, thay đổi thói quen và tư duy quản lý, dạy học truyền thống sang sử dụng thành thạo các thiết bị và ứng dụng thông minh để thích ứng nhanh với xu thế đổi mới giáo dục. Đồng thời tăng cường hướng dẫn sinh viên các tính năng, ứng dụng hiện đại của các thiết bị, ứng dụng thông minh.
Trong 2 năm 2019 và 2020, Trường đã hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý với nhiều tiện ích, như giám sát hoạt động của giảng viên, giám sát lớp học. Qua hệ thống này, giảng viên và sinh viên dễ dàng quản lý, nắm bắt thông tin nội dung công việc, hoạt động của lớp, trường cũng như các hoạt động về tuyển sinh, đào tạo, tín chỉ, học phí. PSG.TS Nguyễn Hữu Hậu, Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Hồng Đức cho biết, nhà trường đã sử dụng phần mềm quản lý trong triển khai tư vấn trực tuyến đáp ứng tất cả nhu cầu của thí sinh khi cần giải đáp về tuyển sinh, xét tuyển trực tuyến, học trực tuyến đến tất cả người học.
Hiện nay, Trường Đại học Hồng Đức đã xây dựng hệ thống hạ tầng thông tin, hạ tầng mạng, trung tâm dữ liệu, hệ thống máy chủ, đường cáp quang tốc độ cao với 400 máy tính kết nối internet, 100% khu giảng đường có hệ thống wifi miễn phí. Phòng thí nghiệm về lĩnh vực khoa học máy tính có các trang thiết bị hiện đại, hệ thống máy tính xử lý dữ liệu tốc độ cao, giúp sinh viên ngành khoa học máy tính được học tập và thử nghiệm các thuật toán về khai thác, dữ liệu lớn, sử dụng dữ liệu. Phòng học thông minh có đầy đủ các thiết bị học tập tiện ích phục vụ hiệu quả cho công tác dạy và học, tăng khả năng tương tác hai chiều giữa giảng viên và sinh viên.
Thư viện số với 120 máy tính đã được kết nối vào hệ thống dữ liệu số quốc gia, tạo cơ sở dữ liệu lớn phục vụ học tập, nghiên cứu khoa học cho giảng viên, học viên. Sinh viên Lê Thụy Phương Anh, Trường Đại học Hồng Đức cho biết: “Chuyển đổ số giúp chúng em nâng cao khả năng tư duy, tìm kiếm tài liệu, truy cập các nguồn thông tin, tiết kiệm chi phí, học mọi lúc mọi nơi, đợt dịch Covid vừa rồi các anh chị học trực tuyến được thầy cô hỗ trợ thông qua dạy online, tài liệu đề cương chi tiết, lên thư viện tìm kiếm giáo trình tài liệu, lên phòng máy đào tạo kỹ năng tin học để thi chứng chỉ”.
Sau thời gian từng bước thực hiện chuyển đổi số, Trường Đại học Hồng Đức đã mở rộng đối tượng người học ở các độ tuổi, bậc học, ngành học; gia tăng chỉ tiêu tuyển sinh trong nhiều đợt, bằng các hình thức học trực tiếp hoặc trực tuyến; giảm chi phí, tăng chất lượng bằng cách một lần dạy có thể áp dụng nhiều lớp học. Bên cạnh đó, thu thập thông tin người học để điều chỉnh nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy; kết nối với các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng có thể tham gia trực tiếp, góp ý vào quá trình giảng dạy để họ tự tin sử dụng lực lượng lao động do nhà trường đào tạo.
PSG – TS Bùi Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức cho biết: “Chuyển đổi số là một quá trình nhận thức từ người đứng đầu đến mọi cán bộ, giảng viên, người đứng đầu phải có quyết tâm chính trị rất lớn, tạo ra sự đồng điệu, đồng cảm, đồng nhất. Hiện trường đã xây dựng kế hoạch, đầu tư một số hạng mục, thuận lợi là ngành khoa học máy tính đã đào tạo cử nhân, thạc sỹ, tiến tới đào tạo tiến sỹ nên nhân lực đã được chuẩn bị. Trường cử cán bộ đi học tập kinh nghiệm của các đơn vị khác đã thành công trong chuyển đổi số; tập huấn cho cán bộ, giảng viên, chuyên viên để nâng cao nhận thức; mua sắm trang thiết bị công nghệ thông tin, xây dựng lại quy trình trong quản trị”.
Hiện Trường Đại học Hồng Đức đã xây dựng kế hoạch Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trước mắt, trường phấn đấu hoàn thiện ít nhất 50% hệ thống văn bản pháp lý, quy định về khai thác và sử dụng các dịch vụ số; quy trình hóa cơ bản toàn bộ các lĩnh vực quản lý, tác nghiệp điều hành dưới dạng lưu đồ liên chức năng; 50% nguồn học liệu, tài liệu, giáo trình được số hóa, chia sẻ và khai thác trên môi trường số.
Đường link: https://truyenhinhthanhhoa.vn/truong-dai-hoc-hong-duc-day-manh-hoat-dong-chuyen-doi-so-18023041615483771.htm
Nguồn: Chuyên mục Chuyển đổi số ngày 15.4.2023