05/07/2023
Tham dự buổi làm việc về phía Trường Đại học Hồng Đức có PGS.TS. Hoàng Thị Mai – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; đại diện lãnh đạo các đơn vị: Phòng KHTC, phòng QLKHCN&HTQT, khoa KHXH, TT.GDTX, TT. NCUD&CGCN. Về phía Ban Dân tộc tỉnh có đồng chí Cầm Bá Tường – Phó Trưởng ban cùng các đồng chí lãnh đạo các phòng chuyên môn của Ban Dân tộc tỉnh.
Đại biểu tham dự buổi làm việc
Ngày 14/10/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu tổng quát của Chương trình là khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống của Nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.
Tại buổi làm việc đồng chí Cầm Bá Tường - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Để thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Ban Dân tộc Tỉnh mong muốn nhận được sự phối hợp của Trường Đại học Hồng Đức – Đơn vị có chức năng đào tạo & nghiên cứu khoa học uy tín của tỉnh một số các nội dung cụ thể như: Phối hợp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tiếng nói, chữ viết dân tộc Thái, Mông, Dao và cấp chứng chỉ cho cán bộ công chức, viên chức và các nghệ nhân tỉnh Thanh Hóa; hợp tác trong các chương trình, dự án nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản: Tập huấn, chuyển giao kỹ thuật giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ phát triển ngành nghề và dịch vụ, dạy nghề, hướng nghiệp; hỗ trợ các hoạt động đa dạng hóa sinh kế khác đối với cộng đồng vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh phù hợp với phong tục tập quán của từng địa phương, phù hợp với hướng dẫn của các bộ, ngành và theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh…
Quang cảnh buổi làm việc
PGS.TS. Hoàng Thị Mai – Phó Hiệu trưởng cho biết: Với sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đa ngành, đa lĩnh vực, có chất lượng cao, có khả năng thích ứng với sự thay đổi của thị trường lao động; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phục vụ giáo dục đào tạo và phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh Thanh Hóa và đất nước; Trường Đại học Hồng Đức hiện có tổng số 642 cán bộ giảng viên, với 407 giảng viên, trong đó có 23 PGS, 176 TS (tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt 43,24%). Bên cạnh thành công trong lĩnh vực đào tạo, Nhà trường cũng đạt được nhiều dấu ấn trên các lĩnh vực khoa học công nghệ; thực hiện nhiều đề án, dự án cấp Nhà nước, Bộ, Tỉnh; nhiều sản phẩm KHCN được chuyển giao mang lại hiệu quả KTXH cao. Do đó, Nhà trường luôn sẵn sàng hợp tác, phối hợp cùng với các ban, ngành thực hiện các nhiệm vụ về đào tạo, NCKH phục vụ các mục tiêu phát triển KTXH từ đó đóng góp chung vào sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa và đất nước.
Trong khuôn khổ của buổi làm việc, đại diện Ban Dân tộc tỉnh cũng gợi mở một số các nội dung phối hợp giữa hai đơn vị trong thời gian tới đồng thời các đại biểu cũng tập trung thảo luận nhiều nội dung, phương thức, cách thức để có thể triển khai các chương trình đào tạo và NCKH chuyển giao công nghệ trong thực tiễn.
Sau buổi làm việc, Trường Đại học Hồng Đức sẽ giao phòng QLKHCN&HTQT cùng một số đơn vị liên quan trực tiếp đấu mối, thu thập các thông tin, chuẩn bị nội dung và các điều kiện cần thiết các để triển khai các nội dung hợp tác đã được hai bên thống nhất thông qua.
Trung tâm CNTT&TT