28/12/2022
Chương trình được tổ chức theo kế hoạch số 1570/KH – BGD ĐT ngày 07/11/2022 về việc khảo sát và xây dựng báo cáo đề xuất lồng ghép các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, lập nghiệp vào cương trình đào tạo trình độ đại học các ngành thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp (NLNN) tại các cơ sở giáo dục; kế hoạch số 1790/KH-BGDĐT. Tham dự và chủ trì chương trình có TS. Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện 38 cơ sở giáo dục đại học trong cả nước; các doanh nghiệp, các chuyên gia của các tổ chức thuộc lĩnh vực NLNN.
Tại buổi toạ đàm, các đại biểu tham dự đã nghe đại diện Vụ Giáo dục Đại học báo cáo kết quả khảo sát về lồng ghép các kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, lập nghiệp vào chương trình đào tạo trình độ đại học các ngành thuộc lĩnh vực NLNN tại các cơ sở giáo dục đại học. Báo cáo đã đánh giá toàn diện thực trạng; phân tích những thuận lợi, khó khăn; thành tựu, hạn chế và đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động lồng ghép các kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, lập nghiệp vào chương trình đào tạo trình độ đại học các ngành thuộc lĩnh vực NLNN tại các cơ sở giáo dục đại học.
Trong khuôn khổ của chương trình toạ đàm, các đại biểu cũng được nghe các báo cáo viên trình bày một số tham luận quan trọng: “Giải pháp nâng cao năng lực tìm kiếm việc làm và khởi nghiệp thành công cho sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực NLNN. Kinh nghiệm thực tiễn từ một số trường đại học” của TS. Đỗ Xuân Hồng - Giám đốc Trung tâm ươm tạo Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Nông Lâm, thành phố Hồ Chí Minh; “Thực trạng và giải pháp lồng ghép các kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, lập nghiệp cho sinh viên vào chương trình đào tạo ngành Nông học” của TS. Cao Thị Lèn - Trưởng khoa Nông Lâm, Trường Đại học Đà Lạt; “Giải pháp lồng ghép các kiến thức khởi nghiệp, lập nghiệp vào chương trình đào tạo trình độ đại học các ngành thuộc lĩnh vực NLNN hiện nay” của tác giả Đỗ Quốc Việt - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ việc làm và khởi nghiệp, Trường Đại học Nha Trang; “Vai trò khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và công nghệ trong lĩnh vực Nông, Lâm, Ngư nghiệp” của TS. Nguyễn Quang Như Quỳnh, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng; “Thách thức và cơ hội nghề nghiệp cho các ngành thuộc lĩnh vực Nông, Lâm, Ngư nghiệp” của tác giả Vũ Anh Tuấn – Phó Tổng Giám đốc Công ty tư vấn tái cấu trúc và chuyển đổi số”… Bên cạnh đó các đại biểu cũng tập trung thảo luận, trao đổi và đề xuất các giải pháp, định hướng nhằm thúc đẩy hoạt động KNĐMST trong trường đại học nói chung và đối với các ngành khối NLNN nói riêng.
Phát biểu tại chương trình toạ đàm, PGS.TS. Bùi Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức khẳng định việc lồng ghép kiến thức khởi nghiệp vào chương trình đào tạo các ngành khối NLNN theo quan điểm của Bộ GD&ĐT là xu thế tất yếu nhằm hướng tới xu thế đổi mới giáo dục đại học hiện nay - Đại học đổi mới sáng tạo, đại học thông minh. Theo đó, nhiều năm qua, Nhà trường luôn chú trọng trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho sinh viên và lồng ghép các kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp vào các chương trình đào tạo chính khóa và các hoạt động ngoại khóa cho sinh viên các ngành khối NLNN nói riêng và tất cả các ngành đào tạo nói chung. Đặc biệt từ năm học 2022 - 2023, Trường Đại học Hồng Đức là một trong số ít các cơ sở giáo dục trong cả nước đưa 2 học phần Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào giảng dạy vào tất cả các chương trình đào tạo trình độ đại học; hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST thông qua mở rộng mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp trong tham gia giảng dạy, nói chuyện, tổ chức hội thảo chuyên đề, khơi gợi niềm đam mê, bồi dưỡng kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên; tạo môi trường khởi nghiệp cho sinh viên thông qua việc tổ chức các Cuộc thi thường niên như: Ý tưởng sáng tạo, Festival kinh tế, sinh viên khởi nghiệp... Qua đó, trang bị những kiến thức, kỹ năng nền tảng về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho sinh viên; giúp các em có thêm động lực, kinh nghiệm để lập nghiệp và bứt phá trong con đường tương lai phía trước.
PGS.TS. Bùi Văn Dũng chia sẻ thêm: Trường Đại học Hồng Đức là cơ sở giáo dục có kinh nghiệm trong các hoạt động khởi nghiệp: Tập thể lãnh đạo Nhà trường luôn quan tâm và chỉ đạo thực hiện nhiều chương trình, chính sách liên quan đến KNĐMST. Hiện Nhà trường đã chủ trì thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ trong lĩnh vực khởi nghiệp, trong đó nổi bật: Đã chủ trì 03 nhiệm vụ đề án 844 (trong đó cá nhân đồng chí Hiệu trưởng chủ nhiệm 02 nhiệm vụ) và đang kết nối để trở thành một trong 10 đầu mối thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030./.
Trung tâm CNTT&TT