15/08/2023
Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến. Điểm cầu chính được đặt tại trụ sở cơ quan Bộ GD&ĐT, kết nối với hơn 400 điểm cầu của các đại học, học viện, trường đại học và cao đẳng sư phạm trong cả nước.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Trường Đại học Hồng Đức
Tham dự chương trình có ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Chương trình còn có sự tham gia của lãnh đạo Bộ GD&ĐT; lãnh đạo Công đoàn Giáo dục Việt Nam; lãnh đạo các cục, vụ thuộc Bộ GD&ĐT; đại diện các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm.
Tham dự tại điểm cầu Trường Đại học Hồng Đức có PGS.TS. Bùi Văn Dũng – Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Lê Viết Báu – Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường; các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng ủy, Ban Giám hiệu; Trưởng, phó các đơn vị thuộc và trực thuộc; Trưởng các tổ chức, đoàn thể cấp Trường; Trưởng, phó các Bộ môn; Tổ trưởng tổ chuyên môn; Trưởng ban Thanh tra nhân dân và các giảng viên có trình độ Tiến sỹ trong Nhà trường.
Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tổ chức gặp gỡ, đối thoại trực tiếp, trực tuyến toàn quốc với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục. Đặc biệt, chương trình diễn ra trước thềm năm học mới 2023 - 2024, qua đó tạo điều kiện cho các nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và có ý nghĩa quan trọng trong định hướng, động viên toàn ngành giáo dục tiếp tục nỗ lực, quyết tâm hơn nữa, góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay.
Đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Trường Đại học Hồng Đức
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo tổng hợp các ý kiến từ các trường cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học. Theo đó, báo cáo nêu rõ: Để chuẩn bị cho Chương trình, thông qua Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận hơn 200 ý kiến từ các trường cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học. Các ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề như: Tự chủ đại học và vai trò đội ngũ giảng viên trong thực hiện tự chủ đại học; Nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; Chuyển đổi số trong giáo dục và thích ứng của các trường đại học với chuyển đổi số; Cơ sở vật chất, quy hoạch mạng lưới, chế độ chính sách đối với nhà giáo, …
Trong khuôn khổ của chương trình Hội nghị, nhiều nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên phát biểu ý kiến, kiến nghị đã tập trung vào các nội dung: Cần có chế độ, chính sách (lương, phụ cấp ưu đãi,…) phù hợp đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên và nhân viên ngành giáo dục; chế độ chính sách trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; vấn đề tự chủ đại học, tự chủ học thuật và vai trò của các giảng viên; các điểm nghẽn trong giáo dục đại học;…
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trực tiếp giải đáp, trao đổi các ý kiến của các nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên các cơ sở giáo dục tại Hội nghị
Sau khi nghe các ý kiến, đề xuất, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã trực tiếp giải đáp, trao đổi các ý kiến thuộc lĩnh vực của ngành và sẽ tham mưu, làm việc với các ban, ngành liên quan để xây dựng khung chính sách, chiến lược phù hợp đối với GD&ĐT trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã đánh giá cao và trân trọng cảm ơn những đóng góp to lớn của các nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên các cơ sở giáo dục đại học trong sự nghiệp giáo dục của nước nhà; đồng thời, nêu rõ một số định hướng, nhiệm vụ của ngành Giáo dục, Đào tạo; những chủ trương lớn của Ngành đến năm 2025 và tầm nhìn 2045; quản lý, nâng cao chất lượng dạy và học; vai trò, trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục, Đào tạo trong bối cảnh hiện nay./.
Trung tâm CNTT&TT