04/03/2023
PGS.TS Bùi Văn Dũng - Bí Thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu chủ trì Hội nghị.
Phát biểu chủ trì hội nghị, PGS.TS Bùi Văn Dũng - Bí Thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh: Về bố cục Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), gồm 16 chương, 236 điều (tăng thêm 2 chương, 23 điều so với Luật Đất đai 2013). Ngày 23/12/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Việc lấy ý kiến góp ý vào dự thảo là rất cần thiết, góp phần xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm quyền, lợi ích của người dân nói chung, cán bộ, giảng viên, người lao động trong Nhà trường nói riêng. Nhà trường đã tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ viên chức, người lao động tham gia đóng góp ý kiến về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) và đã thu được nhiều ý kiến góp ý. Tại Hội nghị góp ý kiến vào dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) cấp trường này, PGS.TS Bùi Văn Dũng mong rằng, các đại biểu tham dự tham gia đóng góp ý kiến, góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả; phản ánh ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích của cộng đồng xã hội và người dân.
Tại hội nghị, các đại biểu nhất trí về chủ trương sửa đổi Luật Đất đai, đáp ứng yêu cầu bức thiết trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và phù hợp với xu thế phát triển hiện nay. Các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến xác đáng, tập trung vào các vấn đề trọng tâm sau: Quy định về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng tại khu vực đô thị, nhà ở; nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quy định điều kiện chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; trình tự, thủ tục thu hồi đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;…
Theo đó, các đại biểu đề xuất, kiến nghị bổ sung hình thức chuyển quyền “cho thuê, chuyển đổi” vào khái niệm chuyển quyền sử dụng đất; đồng thời đề nghị bổ sung đối với trường hợp “Hiến đất” tại khoản 9 Điều 3 của Dự thảo Luật. Đề nghị bổ sung hình thức “dồn điền, đổi thửa” vào khái niệm tập trung đất nông nghiệp tại khoản 43 Điều 3.
Cán bộ, giảng viên Nhà trường phát biểu góp ý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) tại Hội nghị.
Các đại biểu cũng cho rằng, tại khoản 18 Điều 3 nên sử dụng cụm từ “Gia hạn thời hạn sử dụng đất”; nội dung quy định tại khoản 1 Điều 4 của dự thảo chưa phù hợp với khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Để chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện thống nhất trên toàn quốc, Dự thảo nên giao thẩm quyền này cho Chính phủ.
Nhiều đại biểu kiến nghị, đối với nội dung tại khoản 1 Điều 31 Dự thảo Luật cần làm rõ việc sử dụng “độ sâu”, “chiều cao” quy định ở văn bản nào, vì trong Dự thảo và nhiều văn bản pháp luật khác chưa đề cập.
Tại điểm b khoản 5 Điều 87, các đại biểu đề nghị nghiên cứu, chỉnh sửa lại thành: “Trường hợp trên đất thu hồi có tài sản thì Ban thực hiện cưỡng chế phải bảo quản tài sản cho người bị thu hồi; chi phí bảo quản tài sản đó do chủ sở hữu tài sản đó chịu trách nhiệm thanh toán”.
Tại khoản 5 Điều 89 đề nghị nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa lại thành: “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật; đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất”.
Các đại biểu cũng đề nghị Dự thảo Luật cần bổ sung trách nhiệm của UBND cấp huyện; quy định cụ thể thời gian UBND cấp tỉnh, cấp huyện công bố kế hoạch, danh mục các khu đất thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trong năm; bổ sung vào khoản 4 Điều 173 nội dung “UBND cấp xã lập hồ sơ, UBND cấp huyện ban hành quyết định giao quỹ đất công ích cho UBND cấp xã quản lý” để đưa các thửa đất công ích vào quản lý một cách minh bạch, có hiệu quả…
Phát biểt kết luận tại hội nghị, PGS.TS Bùi Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, viên chức, người lao động Nhà trường đối với việc góp ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Những ý kiến tâm huyết, trí tuệ của cán bộ, giảng viên Nhà trường sẽ được tổng hợp báo cáo UBND tỉnh thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường./.
Trung tâm CNTT&TT