Vĩnh biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người cộng sản chân chính

25/07/2024

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người cộng sản chân chính, người học trò rất xuất sắc, gương mẫu và tiêu biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông cống hiến trọn vẹn sự nghiệp của mình cho đất nước, vì Đảng, vì dân.

Article thumbnail

Vĩnh biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người cộng sản chân chính. Ảnh: P.Thắng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam khi là một thanh niên 23 tuổi, vừa tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Gần 60 năm kể từ đó, ông cống hiến trọn vẹn sự nghiệp của mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc, vì Nước, vì dân.

Ở tuổi 80, Tổng Bí thư vừa điều hành công việc của Đảng, vừa điều trị, chăm sóc sức khỏe tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - nơi ông trút hơi thở cuối cùng vào 13h38 ngày 19/7.

Cùng nhịp đập của trái tim Nhân dân

“Xuyên suốt trong tư tưởng của đồng chí Nguyễn Phú Trọng là Nhân dân, là con người, là hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, lấy Nhân dân là chủ thể, trung tâm của công cuộc đổi mới”, Chủ tịch nước Tô Lâm đúc kết trong bài viết về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong sự nghiệp và cuộc đời của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng mà Đảng, Nhà nước phân công, trong đó có cương vị Chủ tịch Quốc hội khoá XI, XII.

Chia sẻ với báo chí, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho hay, Tổng Bí thư luôn nhắc nhở: “Học dân, học thực tiễn, chính sách luật pháp ban hành đừng xa rời cuộc sống. Chúng ta đập nhịp đập của cuộc sống, của trái tim Nhân dân thì nhất định hoạt động của Quốc hội sẽ sinh động và hiệu quả”.

Với đại biểu Quốc hội, Tổng Bí thư căn dặn: Dù ở cương vị công tác nào cũng cần ý thức đầy đủ về quyền hạn và trách nhiệm của người đại biểu Nhân dân. Thường xuyên liên hệ với cử tri; lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri; chịu sự giám sát của cử tri.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự lễ kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: T.Thường

Tổng Bí thư cũng lưu ý các đại biểu phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ về mọi mặt, gần gũi và lắng nghe ý kiến của cử tri, Nhân dân, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà cử tri và Nhân dân tin tưởng, giao phó.

“Điều đó một lần nữa cho thấy sự cẩn trọng, khiêm tốn, cầu thị của một người cộng sản chân chính khi được giao nhiệm vụ đặc biệt quan trọng”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định.

Là đại biểu Quốc hội khóa XI, nguyên Phó Ban Thường trực Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương Nguyễn Hồng Vinh chia sẻ, thời điểm ông Nguyễn Phú Trọng giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội đã để lại dấu ấn sâu sắc ở hai lĩnh vực.

Đó là, cải tiến đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, cũng như chú trọng việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

“Những vấn đề trên không phải chỉ đến thời kỳ ông Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch Quốc hội chúng ta mới bàn. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh, trên sự kế thừa và nghiên cứu rất kỹ càng, với tư cách là Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Phú Trọng đã có những đóng góp thiết thực”, ông Vinh nói.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại kỳ họp Quốc hội. Ảnh: P.Thắng

Ông Vinh ấn tượng với phong cách của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khi rất chú ý nghiên cứu thực tiễn, cầu thị và lắng nghe ý kiến của tập thể, từ đó kết luận những vấn đề cần phải được triển khai trong những thời kỳ cụ thể.

Phong cách làm việc của ông Nguyễn Phú Trọng khiến các đại biểu Quốc hội làm việc rất thoải mái, tạo nên những hiệu quả thiết thực.

Về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đây là vấn đề “rất khó, rất phức tạp, rất nhiều nội dung”. Ông Vinh cho hay, khi làm Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Phú Trọng đã làm rõ nội hàm Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là “Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng”.

Lý luận không xơ cứng, lạc hậu với cuộc sống

Lấy Nhân dân làm chủ thể, trung tâm của mọi quyết sách của Đảng, Nhà nước được thể hiện nhất quán trong lý luận và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. “Tổng Bí thư cùng với Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã xây dựng các văn kiện thể hiện tinh thần này”, theo cảm nghĩ của ông Vinh.

Tổng Bí thư luôn trăn trở với công tác tư tưởng của Đảng, coi trọng tổng kết thực tiễn để bổ sung, hoàn thiện lý luận. Kho tàng lý luận của ông để lại dấu ấn qua văn kiện Đại hội Đảng 3 khóa (XI, XII, XIII), và hơn 30 đầu sách ở các lĩnh vực như: Xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, phòng chống tham nhũng, ngoại giao, văn hóa, Quốc hội...

Tổng Bí thư tại Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: Lâm Khánh

“Đồng chí Nguyễn Phú Trọng mang nhân cách của người làm khoa học, của nhà lý luận và một nhà lãnh đạo lớn: Lắng nghe, khuyến khích mọi người nói, kể cả ý kiến trái chiều”, PGS.TS Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương nhận định và bày tỏ ấn tượng với trí tuệ uyên thâm của Tổng Bí thư.

Mỗi cuốn sách, bài viết, quan điểm của Tổng Bí thư đều có ý nghĩa lý luận, ý nghĩa chính trị và thời sự hết sức sâu sắc. Một trong số đó, là cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” ra mắt năm 2022.

Theo Tổng Bí thư, xã hội chủ nghĩa là xã hội mà sự phát triển thực sự vì con người, phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội; xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm.

Sự phát triển phải bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong sạch cho các thế hệ hiện tại và tương lai. Hệ thống chính trị phải đảm bảo quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và phục vụ lợi ích của Nhân dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sau thời gian lâm bệnh vào 13h38 ngày 19/7

Để đạt được mục tiêu đó, Tổng Bí thư đưa ra nhiều giải pháp, trong đó, ông nhiều lần nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng có ý nghĩa sống còn; sự kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

“Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững, đã và đang được những người cách mạng theo đuổi và thực hiện. Nó sẽ còn tiếp tục phát triển và có sức sống trong thực tiễn cách mạng cũng như trong thực tiễn phát triển của khoa học.

Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống”, Tổng Bí thư lưu ý.

Giữ lòng dân và một đời bình dị, khiêm nhường

Với tư tưởng xây dựng “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, Tổng Bí thư rất chú trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng và để lại dấu ấn nổi bật.

Ngay lần đầu nhậm chức Tổng Bí thư năm 2011, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng.

“Cán bộ, đảng viên, nhân dân và dư luận xã hội bức xúc nhất là tình trạng tham nhũng, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm ở một bộ phận đảng viên có chức, có quyền, cả trong một số cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, đương chức, hoặc thôi chức”, Tổng Bí thư thẳng thắn nêu thực trạng tại Hội nghị Cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 năm 2012.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri Hà Nội. Ảnh: Đ.X

Từ đó, Tổng Bí thư là “ngọn cờ tiên phong” trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để làm Đảng, bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Năm 2013, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chính thức ra mắt, do Tổng Bí thư làm Trưởng ban.

9 năm sau, theo chủ trương từ Trung ương, mỗi tỉnh đã thành lập một ban chỉ đạo riêng, đưa phòng chống tham nhũng, tiêu cực “trên nóng, dưới cũng ngày càng nóng lên”.

Công cuộc chống “giặc nội xâm” “không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm” đã phanh phui loạt đại án tham nhũng. Nhiều cán bộ cao cấp vi phạm bị kỷ luật, trong đó, có cả Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị; kỷ luật cả cán bộ đương chức và đã nghỉ hưu, cả trong lực lượng vũ trang; làm nghiêm từ trên xuống dưới…

“Tổng Bí thư của chúng ta đã nhiều lần phát biểu rất đau xót, nghẹn ngào khi phải xử lý đồng chí, đồng đội của mình, nhưng vì sự nghiêm minh, kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của Nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm”, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nói.

Cùng với hoàn thiện hệ thống văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh, là cán bộ, Đảng viên nếu không nêu gương sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của Nhân dân. “Hết sức tránh tình trạng chân mình còn lấm bê bê lại cầm bó đuốc đi rê chân người”.

Trong chuyến công tác tại Tây Nguyên tháng 4/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm gia đình thương binh Đinh Phi, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở làng Tung Ke 2, xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Trong đoàn còn có ông Nguyễn Văn Nên (bên phải) khi đó là Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, hiện là Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Sự nêu gương, khiêm tốn, giản dị của người đứng đầu Đảng không chỉ được thể hiện bằng những hình ảnh, mà còn in sâu trong suy nghĩ của những người, từng làm việc, công tác với Tổng Bí thư trên các cương vị.

“Có vinh dự được tham gia phục vụ nhiều hoạt động đối ngoại cấp cao của Tổng Bí thư cũng như một số dịp được trực tiếp báo cáo về công tác đối ngoại, tôi cảm nhận rõ từ đồng chí một nhà lãnh đạo vừa có tâm, vừa có tầm, nhiệt huyết cách mạng, đạo đức trong sáng; rất kiên định nguyên tắc, nhưng rất sáng tạo, mềm dẻo; rất thông tuệ, uyên bác cả về lý luận và thực tiễn, có phương pháp khoa học, nhưng mộc mạc, khiêm nhường, lắng nghe, gần gũi, thân tình, lạc quan”, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chia sẻ.

Nhiều lần tiếp xúc và làm việc với Tổng Bí thư, PGS.TS Nguyễn Viết Thông thấy, Tổng Bí thư là người “giản dị đến mức không thể giản dị hơn”. “Nhiệm kỳ đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, ông rất gần gũi. Hết giờ, thường ở lại chơi cầu lông với anh, em”.

Báo chí từng viết về ô tô đưa đón, về nhà ở, phòng làm việc ở số 4 Nguyễn Cảnh Chân hay về cách ăn mặc của Tổng Bí thư, ông Thông nói thêm, “kể cả những việc lẽ ra phải rất trang trọng, Tổng Bí thư cũng làm rất giản dị, bình thường”.

“Cưới con trai, khi ấy, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đang làm Chủ tịch Quốc hội. Đám cưới được tổ chức rất giản dị, trong một phòng nhỏ của Cung Văn hóa. Ở Quốc hội, đồng chí chỉ mời ba người. Ai dự đám cưới ấy mới thấy sự giản dị của đồng chí ở mọi lúc, mọi nơi, mọi công việc chứ không chỉ ở những việc mọi người chứng kiến được”, PGS.TS Nguyễn Viết Thông nhớ lại.

Chủ tịch nước Tô Lâm: “Trọn cuộc đời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bền bỉ cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta bằng một tinh thần, ý chí thép, không lùi bước trước những trở ngại, khó khăn; khẳng định một nhân cách lớn, coi “danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”, giữ vững nguyên tắc, sống trọn cuộc đời vì nước, vì dân.
Đồng chí thực sự là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực về đạo đức cách mạng trong sáng, “chí công vô tư”, lối sống giản dị, phong cách làm việc dân chủ, tận tụy, khoa học, tôn trọng và yêu thương con người… được cán bộ, đảng viên và nhân dân kính trọng, tín nhiệm cao, tin tưởng và yêu quý, được bạn bè quốc tế trân trọng và đánh giá cao”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo ưu tú tiêu biểu, vì mục tiêu xây dựng một đất nước hùng cường, thịnh vượng và Nhân dân được hạnh phúc, ấm no. Đồng chí là một nhà hoạt động thực tiễn, phong phú, sâu sắc, một nhà lý luận xuất sắc của Đảng ta.
Trong suốt cuộc đời hoạt động của đồng chí cho đến lúc qua đời thì luôn luôn đau đáu, luôn luôn tâm niệm, luôn luôn tâm huyết xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên”.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: “Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhân cách trí tuệ, tài ba, đầy bản lĩnh, tư duy khoa học biện chứng, thực tiễn phong phú, lý luận uyên bác, vượt lên những suy nghĩ thông thường.
Với 80 năm tuổi đời, 57 tuổi Đảng, đồng chí đã dành cả cuộc đời mình vì lý tưởng cao đẹp của Đảng, là tấm gương sáng ngời, mẫu mực về đạo đức cách mạng của người chiến sĩ cộng sản, là nhà chính trị sắc sảo, trí tuệ, nhà lý luận xuất sắc của Đảng, suốt đời cống hiến cho lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của Nhân dân”.
Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc: “Chưa bao giờ công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta lại được lãnh đạo, chỉ đạo ráo riết, quyết liệt, hiệu quả như thời gian vừa qua, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, cả ở Trung ương và địa phương.
Sự gương mẫu, quyết liệt, kiên trì, kiên quyết, không ngừng không nghỉ, nói đi đôi với làm và làm đi đôi với nói của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là chỗ dựa vững chắc, là sự đảm bảo về mặt chính trị, tạo nên động lực to lớn, do đó đây là nhân tố hàng đầu quyết định thành công trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của chúng ta thời gian vừa qua”. 

Theo https://thanhtra.com.vn/

Tin nổi bật

Tuyển sinh 2024

Tin tức - Sự kiện