24/10/2023
Tham dự Hội thảo, có TS. Nguyễn Văn Phát – Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thanh Hóa; TS. Nguyễn Đình Hải – Viện trưởng Viện Nông nghiệp Thanh Hóa; đại diện Sở KH&CN Thanh Hóa; đại diện các tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Về phía trường Đại học Hồng Đức có PGS.TS. Bùi Văn Dũng – Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Hoàng Thị Mai – Phó Hiệu trưởng; đại diện lãnh đạo các phòng ban chức năng, các khoa đào tạo trong trường.
TS. Nguyễn Văn Phát – Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thanh Hóa phát biểu khai mạc Hội thảo
Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có 42 tổ chức KH&CN (22 đơn vị công lập và 20 đơn vị ngoài công lập) và 31 doanh nghiệp KH&CN. Trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả tiến bộ và nhiều thành tựu nổi bật, đóng góp thiết thực vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động KH&CN của các tổ chức, doanh nghiệp KH&CN trong tỉnh chưa thật sự được đẩy mạnh, phần lớn chưa quan tâm, đầu tư thỏa đáng cho hoạt động KH&CN; cơ chế chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước đối với doanh nghiệp KH&CN chưa thật sự hấp dẫn; một số tổ chức, doanh nghiệp KH&CN sau khi được cấp phép, công nhận hoạt động gặp nhiều khó khăn, do không phát triển được thị trường;…Vì vậy, Hội thảo mong muốn gợi mở được các giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy hoạt động KH&CN của các tổ chức, doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, để có nhiều đóng góp hơn nữa vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hội thảo đã thu hút được gần 20 báo cáo tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý, các cán bộ nghiên cứu và giảng viên đến từ các sở, ngành, các tổ chức, doanh nghiệp KH&CN và trường đại học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Các báo cáo tham luận tập trung vào các nội dung chủ yếu sau: Đánh giá thực trạng, kết quả hoạt động KH&CN của các tổ chức, doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn tỉnh; vai trò, vị trí vai trò của các tổ chức, doanh nghiệp KH&CN; đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp KH&CN, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
TS. Nguyễn Đình Hải – Viện trưởng Viện Nông nghiệp Thanh Hóa trình bày tham luận tại Hội thảo
Trình bày tham luận tại Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Hải – Viện trưởng Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đã trình bày tham luận “Thực trạng và giải pháp phát triển hoạt động KH&CN của Viện Nông nghiệp”. Bằng những dẫn chứng cụ thể từ thực trạng phát triển KH&CN của Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, TS. Nguyễn Đình Hải đã đưa ra một số giải pháp nhằm phát triển KH&CN của Viện Nông nghiệp Thanh Hóa nói riêng và của các tổ chức, doanh nghiệp KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung. Theo TS. Nguyễn Đình Hải để KH&CN phát huy được vai trò, trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, cần phải đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tạo đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh, bảo vệ sức khỏe, quyền lợi cho người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ chọn tạo giống; nhân giống cây trồng, vật nuôi dựa trên nền tảng công nghệ sinh học và các tiến bộ kỹ thuật về giống; ứng dụng công nghệ thông minh của cuộc cách mạng 4.0 vào sản xuất; nâng cao chất lượng dịch vụ; phát triển đồng bộ các nguồn lực KH&CN;…
PGS.TS. Hoàng Thị Mai – Phó Hiệu trưởng Nhà trường trình bày tham luận tại Hội thảo
Đại diện Trường Đại học Hồng Đức, PGS.TS. Hoàng Thị Mai – Phó Hiệu trưởng trình bày tham luận "Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức KH&CN thuộc Trường ĐHHĐ". PGS.TS. Hoàng Thị Mai nhấn mạnh: Trong 10 năm qua, Trường Đại học Hồng Đức đã chủ trì thực hiện 567 đề tài các cấp, trong đó có 18 đề tài, dự án cấp quốc gia và tương đương; 44 đề tài cấp bộ, 68 đề tài/dự án cấp tỉnh; 437 đề tài cấp cơ sở. Cán bộ giảng viên Nhà trường đã công bố 3.218 bài báo trên các tạp chí khoa học chuyên ngành, trong đó có 366 bài bài công bố trên các tạp chí quốc tế với 274 bài trên tạp chí thuộc danh mục Web of Science, Scopus. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, PGS.TS. Hoàng Thị Mai đã chỉ rõ những hạn chế, tồn tại của các tổ chức KH&CN Trường Đại học Hồng Đức và đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức KH&CN trực thuộc Trường; góp phần thực hiện khát vọng, mục tiêu hướng tới xây dựng Trường Đại học Hồng Đức thành đại học thông minh, đổi mới sáng tạo, thích ứng với xu thế chuyển đổi của giáo dục đại học hiện đại.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã đi sâu trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến công tác đối ngoại thu hút đầu tư của các tổ chức quốc tế; hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho sinh viên, đoàn viên thanh niên và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động KH&CN trong lĩnh vực xây dựng, thủy lợi; các giải pháp thúc đẩy hoạt động KH&CN trong các doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn tỉnh.
Hội thảo thực sự đã trở thành diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý, các cán bộ nghiên cứu và giảng viên trao đổi kết quả nghiên cứu, thảo luận về những vai trò, vị trí và những đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp KH&CN trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa; từ đó đưa ra được những giải pháp nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn tỉnh./.
Đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Trung tâm CNTT&TT