Trường Đại học Hồng Đức tổ chức Hội thảo khoa học “Mô hình sinh kế bền vững cho cư dân vùng biên giới tỉnh Thanh Hóa phù hợp theo các vùng sinh thái Thanh Hóa”

24/10/2023

Chiều ngày 02/12/2022, Trường Đại học Hồng Đức đã tổ chức Hội thảo khoa học “Mô hình sinh kế bền vững cho cư dân vùng biên giới tỉnh Thanh Hóa phù hợp theo các vùng sinh thái Thanh Hóa”. Hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học, nhà quản lý, các cán bộ giảng viên trong và ngoài trường cùng nhau thảo luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp xây dựng mô hình sinh kế bền vững cho cư dân vùng biên giới tỉnh Thanh Hóa.
Media/1_hdu_home/FolderFunc/202212/Images/z3928653022967-078e84063a85de1c75afd729baf9b1c9-20221202055717-e.jpg

Đại biểu tham dự Hội thảo.

Đây là Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu KH&CN cấp tỉnh “Nghiên cứu, xây dựng mô hình sinh kế bền vững cho cư dân vùng biên giới tỉnh Thanh Hóa” do TS. Nguyễn Văn Thế - Phó trưởng khoa KHXH làm chủ nhiệm đề tài.

Tham dự Hội thảo có bà Lương Thị Hạnh - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Quan Sơn; ông Lê Minh Hành - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa; ông Hoàng Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát; ông Lê Đăng Ninh - Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp, Ban Dân tộc; bà Cao Thị Ngọc Hà - Trưởng phòng QLKH, Sở KH&CN Thanh Hóa; ngoài ra Hội thảo còn có sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia đến từ các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Về phía Trường Đại học Hồng Đức có PGS.TS. Bùi Văn Dũng - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường; đại diện lãnh đạo các phòng, ban chức năng, các khoa đào tạo; giảng viên và sinh viên trong toàn trường quan tâm đến chủ đề hội thảo.

Media/1_hdu_home/FolderFunc/202212/Images/z3929019727379-1705aee0b45a5d356cf20d04e77b2a2c-20221202080625-e.jpg

Quang cảnh Hội thảo.

Thanh Hóa có 192 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào thuộc 5 huyện phía Tây của tỉnh: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, Thường Xuân; đây là vùng sinh sống chủ yếu của các dân tộc thiểu số: Mông, Thái, Dao, Mường, Khơ mú và số ít người Kinh với tổng số dân gần 300.000 nghìn người (gồm 16 xã, thị trấn và xã đệm Mường Lý). Việc nghiên cứu, xây dựng các mô hình sinh kế bền vững cho cư dân khu vực biên giới tỉnh Thanh Hóa là một nhu cầu cấp bách xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn nhằm đáp ứng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; hướng tới phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực biên giới từ đó góp phần quan trọng triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX nhiệm kỳ 2021 - 2025 với 6 chương trình trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội.

Với chủ đề có ý nghĩa thực tiễn cao, Hội thảo đã thu hút được hơn 20 tham luận đến từ các nhà khoa học, nhà quản lý, cán bộ giảng viên trong và ngoài trường. Trong khuôn khổ của Hội thảo, các đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận và tập trung làm rõ các vấn đề chủ yếu gồm: Đánh giá thực trạng sinh kế của cư dân ở các vùng sinh thái khác nhau tại 16 xã vùng biên giới tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016 -2020; phân tích các nguồn lực sinh kế, các mô hình sinh kế hiệu quả và bài học kinh nghiệm về sinh kế của cư dân vùng biên giới tỉnh Thanh Hóa; đề xuất, xây dựng một số mô hình sinh kế bền vững cho cư dân vùng biên giới tỉnh Thanh Hóa phù hợp theo các vùng sinh thái. Cũng tại hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận làm rõ các điều kiện dẫn đến sự thành công của mô hình sinh kế, định hướng và các chính sách nhằm đảm bảo triển khai thành công các mô hình vào thực tiễn vùng biên giới tỉnh Thanh Hóa.

Media/1_hdu_home/FolderFunc/202212/Images/z3928653041345-72f07fa8d22acd7bcfc13fe64f09c5b9-20221202055719-e.jpg

Ông Lê Minh Hành - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Minh Hành - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Thanh Hóa cho rằng: Việc đề tài hướng đến đề xuất các mô hình sinh kế bền vững cho đồng bào tại 16 huyện biên giới - vùng lõi của khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa là vô cùng cần thiết. Giải quyết được bài toán sinh kế cho cộng đồng cư dân vùng biên giới sẽ góp phần quan trọng giải được bài toán thoát nghèo cho khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa. Ông Lê Minh Hành cũng cho rằng, trong quá trình xây dựng đề xuất mô hình sinh kế, cần quan tâm đến việc thay đổi tư duy, nhận thức, phong tục tập quán, lối sống của người dân; đồng thời cần bám sát và vận dụng các chính sách của Đảng và Nhà nước, chính sách của các địa phương khu vực miền núi về vấn đề sinh kế của cư dân địa phương.

Media/1_hdu_home/FolderFunc/202212/Images/z3928653048475-9e9c5ea00478c30f0268131070ada263-20221202055718-e.jpg

Bà Lương Thị Hạnh - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Quan Sơn phát biểu tại Hội thảo.

Media/1_hdu_home/FolderFunc/202212/Images/z3928653039572-c3e7b17a8b7e15f1e4dd246adb617a88-20221202055717-e.jpg

Ông Hoàng Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát phát biểu tại Hội thảo.

Đồng quan điểm trên, lãnh đạo hai địa phương là bà Lương Thị Hạnh - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Quan Sơn và ông Hoàng Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát đã chia sẻ thêm một số định hướng, chính sách và kinh nghiệm trong xóa đói giảm nghèo cũng như phát triển sinh kế bền vững cho cư dân địa phương hai huyện Quan Sơn và Mường Lát. Hai đại biểu cũng đồng khẳng định UBND huyện Quan Sơn và UBND huyện Mường Lát sẵn sàng tiếp nhận kết quả nghiên cứu của đề tài và mong muốn phối hợp với Trường Đại học Hồng Đức trong triển khai các mô hình sinh kế này vào thực tiễn nhằm giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Media/1_hdu_home/FolderFunc/202212/Images/z3928653050008-8edeba9f85312f31299c9574565e2c82-20221202055719-e.jpg

PGS.TS. Bùi Văn Dũng - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại Hội thảo.

Tham dự Hội thảo, PGS.TS. Bùi Văn Dũng - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường gửi lời cảm ơn sâu sắc tới sự quan tâm của các nhà quản lý, nhà khoa học dành cho Hội thảo. Đặc biệt đánh giá cao và ghi nhận các ý kiến góp ý, gợi mở của các đồng chí lãnh đạo cơ quan quản lý Nhà nước, lãnh đạo địa phương các huyện Mường Lát, Quan Sơn; PGS.TS. Bùi Văn Dũng nhấn mạnh: Trong những năm qua, bên cạnh nhiệm vụ nâng cao chất lượng đào tạo, Trường Đại học Hồng Đức luôn chú trọng đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ. Chất lượng các đề tài ngày càng được nâng cao, sản phẩm ngày càng gắn với thực tế đời sống, có địa chỉ áp dụng, có tiếp nhận triển khai ứng dụng của các đơn vị đặt hàng. PGS.TS. Bùi Văn Dũng đề nghị chủ nhiệm đề tài và nhóm nghiên cứu nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu, tiếp tục hoàn thiện và triển khai các nội dung của đề tài NCKH cấp tỉnh vào thực tiễn, từ đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền núi nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung./.

Media/1_hdu_home/FolderFunc/202212/Images/z3928665145899-ee084d4fbfdf732ac989d856d48c242f-20221202055717-e.jpg

 TS. Nguyễn Văn Thế - Phó trưởng khoa KHXH, chủ nhiệm đề tài phát biểu kết luận tại Hội thảo.

Trung tâm CNTT&TT

Tin nổi bật

Tuyển sinh 2024

TIN LIÊN QUAN