17/09/2024
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì buổi làm việc
Cùng tham gia đoàn có PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học; TS. Nguyễn Đức Cường – Chánh Thanh tra Bộ; bà Nguyễn Thị Nhung – Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng An ninh; GS.TS. Nguyễn Ngọc Hà – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng; TS. Nguyễn Tiến Dũng – Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế; đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Vụ Pháp chế, Văn phòng Bộ.
Tiếp và làm việc với đoàn công tác có PGS.TS. Bùi Văn Dũng – Bí Thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Lê Viết Báu – Phó Bí thư, Chủ tịch Hội đồng trường; các đồng chí trong Ban Giám hiệu và Trưởng các đơn vị, đoàn thể cấp Trường.
Trong giai đoạn 2013 -2023, Nhà trường đã cung cấp cho xã hội 35.603 người học tốt nghiệp các hình thức, trình độ đào tạo (trong đó có 6 tiến sĩ, 2.101 thạc sĩ, 28.643 cử nhân, kỹ sư, 3.716 cử nhân cao đẳng và trung cấp); phối hợp thực hiện đào tạo tiếng, chữ viết dân tộc Thái cho 6.015 cán bộ công chức, viên chức công tác tại các huyện miền núi và chứng nhận tiếng Việt cho 771 lưu học sinh Lào. Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp đạt từ 70% đến 90%.
Nhà trường luôn quan tâm xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong nhằm cải tiến chất lượng mọi mặt hoạt động. Mạng lưới hệ thống bảo đảm chất lượng được cấu trúc chặt chẽ, đảm bảo sự vận hành thống nhất. Năm 2022, Nhà trường đã đạt chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục Trường chu kỳ 2 của Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội và 21 chương trình đào tạo đã được kiểm định, trong đó có 18 chương trình đào tạo trình độ đại học, 03 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ.
Công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giảng viên luôn được chú trọng; tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, chức danh phó giáo sư của Nhà trường tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng (hiện nay Nhà trường có 409 giảng viên (chiếm 62,82%), trong đó có 176 giảng viên có trình độ Tiến sĩ, đạt 43,03% (23 giảng viên có chức danh Phó Giáo sư, đạt 5,62%, 28 tiến sĩ được đào tạo hoàn toàn ở nước ngoài, chiếm 15,9%); có 139 giảng viên có thể sử dụng thành thạo ngoại ngữ trong giảng dạy, chiếm 33,98%.
Hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ có bước phát triển vượt bậc. Các đề tài, dự án được triển khai đồng bộ, đa lĩnh vực. Trong giai đoạn 2013 -2023, Nhà trường đã chủ trì triển khai thực hiện 567 đề tài/dự án khoa học và công nghệ các cấp; số lượng các đề tài, dự án (cấp bộ, cấp tỉnh, cấp Nhà nước) tăng vượt bậc, sản phẩm nghiên cứu khoa học ngày càng gắn kết với thực tế sản xuất, kinh doanh và đời sống. Cán bộ giảng viên Nhà trường đã công bố 3.184 bài báo trên các tạp chí khoa học chuyên ngành, trong đó có 494 bài báo công bố trên các tạp chí quốc tế (358 bài trên tạp chí thuộc danh mục Web of Science, Scopus)…Cùng với đó, hoạt động hợp tác quốc tế đã có bước phát triển mới, nhiều chương trình hợp tác được triển khai hiệu quả, góp phần quốc tế hoá giáo dục đại học; cơ sở vật chất được đầu tư, khai thác sử dụng có hiệu quả phục vụ các hoạt động của Nhà trường.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng đã đưa ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW và đưa ra các kiến nghị, đề xuất trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đối với việc phát triển giáo dục đại học giai đoạn tới.
PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học phát biểu tại buổi làm việc
GS.TS. Nguyễn Ngọc Hà – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng phát biểu tại buổi làm việc
TS. Nguyễn Tiến Dũng – Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế phát biểu tại buổi làm việc
Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đã nghe ý kiến thảo luận của các đồng chí trong Ban Giám hiệu, trưởng đơn vị trực thuộc trường và các thành viên trong đoàn công tác về kết quả đạt được, những khó khăn và vướng mắc trong việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Trường Đại học Hồng Đức.
PGS.TS. Lê Viết Báu – Phó Bí thư, Chủ tịch Hội đồng trường phát biểu tại buổi làm việc
TS. Hoàng Nam - Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại buổi làm việc
PGS.TS. Hoàng Thị Mai - Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại buổi làm việc
Các ý kiến của các đại biểu tập trung thảo luận vào các vấn đề như: Công tác tự chủ đại học, cơ chế tài chính trong tự chủ; công tác chuyển giao KH&CN vào ứng dụng trong thực tiễn; kết nối giữa Nhà trường với doanh nghiệp; chính sách khuyến khích trong nghiên cứu khoa học cơ bản của cán bộ, giảng viên và sinh viên; công tác chuyển đổi số trong Trường ĐH địa phương; chế độ chính sách thu hút, sử dụng và đãi ngộ thích hợp để nâng cao chất lượng giảng viên, chú trọng phát triển đội giảng viên có trình độ tiến sĩ, chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư; các giải pháp tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ; các chế tài đối với cán bộ giảng viên đi học tập tại nước ngoài; công tác đào tạo lưu học sinh Lào; công tác định hướng nghề nghiệp cho sinh viên; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá;…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Hoàng Minh Sơn - Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: Bộ GD&ĐT coi tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW là nhiệm vụ lớn, quan trọng, là trọng tâm công tác năm của Bộ GD&ĐT. Đây cũng là dịp để ngành Giáo dục cùng nhìn nhận lại các công việc đã triển khai trong 10 năm qua; xác định những vấn đề cần tiếp tục thực hiện và những vấn đề mới trong phát triển giáo dục và đào tạo của Việt Nam, để từ đó đề xuất quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp khả thi, nhằm tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Đánh giá cao những nỗ lực của tập thể Ban lãnh đạo Nhà trường và đội ngũ CBGV trong triển khai thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện công tác đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW; ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của Trường ĐH Hồng Đức, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: Nhà trường cần tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, quán triệt và triển khai các Nghị quyết của Đảng, quan tâm công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phát triển đảng viên; tiếp tục đổi mới mãnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, đổi mới toàn diện cả trong tư duy, nhận thức và phương pháp quản lý, quản trị, trong công tác dạy và học của Nhà trường; gắn kết hiệu quả hơn nữa giữa Nhà trường với doanh nghiệp, chủ động tranh thủ và thu hút nguồn đầu tư cho cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và học tập; mở rộng mối quan hệ hợp tác với địa phương, cơ cấu ngành nghề đào tạo, xây dựng và đào tạo các ngành đáp ứng nhu cầu xã hội, phát triển công tác đào tạo sau đại học; nghiên cứu khoa học bám sát thực tế, đẩy mạnh hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ;...để nâng cao chất lượng, vị thế của Nhà trường, góp phần xứng đáng với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hoá và đất nước.
Thay mặt lãnh đạo Nhà trường, PGS.TS. Bùi Văn Dũng - Hiệu trưởng phát biểu cảm ơn đồng thời bày tỏ sự quyết tâm của Nhà trường trong việc tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để vững vàng trên con đường tự chủ đại học hiện nay./.
Ban lãnh đạo Nhà trường chụp ảnh cùng Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn và đoàn công tác
Trung tâm CNTT&TT