NCS Trịnh Tiến Dũng bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp trường

14/12/2024

Ngày 13/12/2024, tại Trung tâm TT - TV, Trường Đại học Hồng Đức đã tổ chức Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp trường cho nghiên cứu sinh (NCS) Trịnh Tiến Dũng - Chuyên ngành Lịch sử Việt Nam với đề tài: “Làng Cổ Bôn (Đông Thanh, Đông Sơn, Thanh Hóa) từ thành lập đến giữa thế kỷ XIX”. Đề tài được hướng dẫn khoa học bởi GS. TSKH. NGND. Vũ Minh Giang và PGS.TS. Nguyễn Thị Thuý.

Tham dự buổi bảo vệ luận án tiến sĩ của NCS Trịnh Tiến Dũng có PGS.TS. Lương Thị Kim Phượng – Trưởng phòng Quản lý đào tạo Sau đại học, PGS.TS. Mai Văn Tùng – Trưởng khoa KHXH; các giảng viên, sinh viên quan tâm đến vấn đề nghiên cứu; bạn bè, đồng nghiệp và gia đình của NCS.

Dưới sự chủ trì của PGS. TS. Vũ Văn Quân – Trường KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hội đồng đã thông qua lý lịch khoa học, thành tích nghiên cứu, quá trình học tập và kết quả nghiên cứu khoa học của NCS Trịnh Tiến Dũng. Các thành viên Hội đồng đánh giá cao những nỗ lực của NCS trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu.

Media\1_hdu_home\FolderFunc\202412\Images/dsc04471-20241214040844-e.jpg

NCS Trịnh Tiến Dũng trình bày những kết quả nghiên cứu chính của luận án

Trước tập thể Hội đồng, NCS Trịnh Tiến Dũng đã trình bày một cách hệ thống, logic và khoa học những kết quả nghiên cứu chính của luận án. Luận án đã phân tích, làm sáng tỏ đặc điểm vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên và chỉ rõ tác động của các yếu tố này đến quá trình hình thành và phát triển làng Cổ Bôn. Phục dựng lại bức tranh truyền thống lịch sử - văn hóa vùng đất Cổ Bôn trong lịch sử. Thông qua các đơn vị địa bạ Minh Mệnh 11 (1830) đang được lưu giữ tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I, luận án phân tích tình hình sở hữu ruộng đất và đặc điểm kinh tế làng Cổ Bôn trong bức tranh kinh tế huyện Đông Sơn và xứ Thanh ở giai đoạn nửa đầu thế kỉ XIX. Đồng thời, luận án cũng đã luận giải và nhận xét về tổ chức chính trị - xã hội, kết cấu dân cư và các hình thức tổ chức, tập hợp dân cư làng Cổ Bôn; phân tích nét đặc trưng của hệ thống di sản văn hoá vật thể, phi vật thể và thành tựu khoa bảng cũng như đóng góp của các nhà khoa bảng đối với địa phương, dân tộc.. Kết quả luận án chỉ rõ vùng đất Cổ Bôn là địa bàn ngưng tụ, trung tâm phát triển văn hoá của vùng đất Đông Sơn và xứ Thanh. Đây là một trong số ít các vùng đất hiếm hoi của Thanh Hoá còn bảo lưu được các di tích lịch sử - văn hóa phong phú, đa dạng và giàu giá trị. Đồng thời, chiều sâu văn hóa còn được thể hiện qua các phong tục - tập quán, tôn giáo - tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, hệ thống Ngũ trò Bôn và ngữ văn dân gian... Đặc biệt, truyền thống hiếu học và bề dày thành tựu khoa cử nức danh cả nước của làng Cổ Bôn đã góp phần tạo dựng cho vùng đất Đông Sơn trở thành “đất học” nổi tiếng xứ Thanh.

Cũng tại buổi bảo vệ luận án, các thành viên trong Hội đồng đã lần lượt trình bày bản nhận xét, đánh giá luận án và đặt câu hỏi cho NCS. Thư ký hội đồng tổng hợp các ý kiến nhận xét của các nhà khoa học, các cơ sở đào tạo trên cả nước về bản tóm tắt luận án. NCS. Trịnh Tiến Dũng trả lời câu hỏi của các thành viên Hội đồng và các nhà khoa học để làm rõ hơn về những vấn đề liên quan đến luận án.

Media\1_hdu_home\FolderFunc\202412\Images/dsc04692-20241214041132-e.jpg

NCS Trịnh Tiến Dũng tặng hoa tri ân các thành viên trong Hội đồng đánh giá luận án

Kết quả, luận án của NCS Trịnh Tiến Dũng được Hội đồng đánh giá là công trình nghiên cứu toàn diện, hệ thống về vùng đất Cổ Bôn giai đoạn từ thành lập đến giữa thế kỉ XIX. Luận án cũng là nguồn tài liệu dùng để học tập ở các Nhà trường và nghiên cứu khoa học.Hội đồng thống nhất cho nghiên cứu sinh được chỉnh sửa hoàn thiện luận án theo ý kiến góp ý của các thành viên hội đồng; đồng thời đề nghị Trường Đại học Hồng Đức hoàn thiện các thủ tục và công nhận học vị tiến sĩ chuyên ngành Lịch sử Việt Nam cho NCS Trịnh Tiến Dũng.

 

Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ của NCS Trịnh Tiến Dũng, gồm có:
1. PGS.TS. Vũ Văn Quân – Trường KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng
2. PGS.TS. Trần Văn Thức – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hoá, phản biện 1; 
3. PGS.TS.Đinh Quang Hải – Viện Sử học, Viện Hàn Lâm KHXH&NV Việt Nam, phản biện 2; 
4. TS. Phạm Đức Anh – Viện Việt Nam học & khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội, phản biện 3;
5. PGS.TS. Nguyễn Danh Tiên – Viện Lịch sử Đảng, Học viện CTQG HCM, Uỷ viên; 
6. PGS.TS. Nguyễn Thị Thuý - Trường Đại học Hồng Đức, Uỷ viên; 
7. PGS.TS. Mai Văn Tùng - Trường Đại học Hồng Đức, Uỷ viên, Thư ký Hội đồng.

Trung tâm CNTT&TT

 

Tin nổi bật

Tuyển sinh 2024

TIN LIÊN QUAN