08/05/2024
Tham dự Hội nghị có PGS.TS. Hoàng Thị Mai – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; Các đồng chí Trưởng phòng ban, trung tâm; các đồng chí Trưởng, Phó khoa và Trưởng, Phó bộ môn quản lý các chuyên ngành sau đại học; đại diện Lãnh đạo khoa Ngoại ngữ, khoa LLCT-Luật; Trưởng bộ môn quản lý học phần Triết học, Tiếng Anh giảng dạy cho học viên cao học; Lãnh đạo và chuyên viên P.QLĐT Sau đại học.
PGS.TS. Bùi Văn Dũng - Bí Thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu chủ trì hội nghị
Tại Hội nghị, PGS.TS. Bùi Văn Dũng - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường đã nhấn mạnh: Công tác đào tạo sau đại học luôn đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chức năng chung của trường cũng như góp phần hoàn thành các cam kết, khẳng định uy tín của nhà trường đối với xã hội. Trong những năm vừa qua đội ngũ cán bộ giảng viên nhà trường đã có bước đột phá với 190 Tiến sỹ (trong đó có 28 PGS.TS) đã không ngừng cải tiến chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng giảng dạy trong nhà trường. Tuy nhiên, công tác phục vụ đào tạo, người học còn một số hạn chế cần sự nỗ lực của các phòng ban và các khoa đào tạo tập trung cải thiện như: hạ tầng cơ sở chưa đồng bộ, các tài nguyên cần thiết phục vụ cho đào tạo sau đại học đang chưa thực sự hoàn thiện, chưa đáp ứng hết các yêu cầu của đào tạo sau đại học; nguồn tài liệu giáo trình do cán bộ giảng viên Nhà trường biên soạn phục vụ đào tạo sau đại học còn chưa nhiều, công tác quản lý dạy và học còn chưa thực sự sâu sát, .... Từ thực tế này, Hiệu trưởng Bùi Văn Dũng đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị trao đổi, thảo luận đề ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo sau đại học; giải pháp tăng cường số lượng, chất lượng các giáo trình, tài liệu do cán bộ, giảng viên Nhà trường biên soạn, giải pháp tăng cường quản lý nề nếp dạy và học ở bậc đào tạo sau đại học.
PGS.TS. Hoàng Thị Mai – Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS. Hoàng Thị Mai – Phó Hiệu trưởng Nhà trường đã nêu rõ những khó khăn, cũng như những hạn chế tồn tại trong quá trình đào tạo sau đại học; đồng thời đề nghị các khoa đào tạo và phòng chuyên môn cần có những giải pháp thiết thực hơn nữa để nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học; cần có giải pháp tăng số lượng các bài báo cho học viên cao học. Phó Hiệu trưởng Hoàng Thị Mai cũng yêu cầu các khoa và phòng chức năng tăng cường kiểm tra và quản lý nề nếp dạy học; Các khoa cần đa dạng hóa hình thức kiểm tra đánh giá, xây dựng và ra đề thi theo hướng mở để phát huy tư duy người học; đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp hướng dẫn thực hành, thực tập để nâng cao chất lượng đào tạo; tư vấn, đôn đốc học viên hoàn thành chuẩn đầu ra ngoại ngữ theo quy định; quán triệt các ban cán sự lớp thực hiện tốt công tác quản lý lớp, thu chi minh bạch, đúng quy định. Đối với cán bộ hướng dẫn cần tăng cường kiểm soát quy trình và chất lượng làm luận văn, đề án của học viên để nâng cao chất lượng các nghiên cứu. Bên cạnh đó, PGS. TS. Hoàng Thị Mai cũng đề nghị Nhà trường cần xây dựng kế hoạch, giao định mức biên soạn tài liệu, giáo trình phục vụ đào tạo sau đại học cho cán bộ, giảng viên.
PGS.TS. Phạm Thế Anh – Trưởng khoa CNTT&TT phát biểu ý kiến tại hội nghị
PGS.TS. Lê Thị Phượng – Phó Trưởng khoa KHXH phát biểu ý kiến tại hội nghị
PGS.TS. Nguyễn Thị Hà Lan – Trưởng khoa Tâm lý Giáo dục phát biểu ý kiến tại hội nghị
Phát biểu kết luận Hội nghị, PGS.TS. Bùi Văn Dũng - Hiệu trưởng Nhà trường đánh giá cao kết quả đã đạt được trong công tác đào tạo sau đại học thời gian qua, ghi nhận những ý kiến góp ý đầy trách nhiệm của các đại biểu tham dự nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo sau đại học trong thời gian tới. PGS.TS. Bùi Văn Dũng cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho phòng QLĐT sau đại học, các khoa đào tạo và cán bộ, giảng viên tham gia giảng dạy các phải có những hành động cụ thể nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo sau đại học trong thời gian tới như: Các khoa và phòng chức năng tăng cường kiểm tra và quản lý nề nếp dạy học; tăng cường tổ chức seminar, dự giờ để đào tạo đội ngũ giảng viên kế cận phục vụ giảng dạy ở bậc thạc sĩ, tiến sĩ; nâng cao tính chủ động, tích cực của người học trong quá trình thực hiện luận văn, luận án; quy hoạch khu giảng đường riêng trang bị cơ sở vật chất hiện đại cho đào tạo sau đại học; xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích học viên, nghiên cứu sinh và công bố các bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước; xây dựng hệ thống ngân hàng câu hỏi thi hoặc thiết kế đề thi theo hướng mở phù hợp với yêu cầu đào tạo nâng cao chất lượng và hội nhập quốc tế./.
Trung tâm CNTT&TT