23/10/2023
Tham dự buổi tập huấn có Thầy giáo Lê Viết Chí - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hoằng Hóa 4; Cô giáo Trần Thị Vân – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Điện Biên 1; Cô giáo Lê Thị Quyên – Hiệu trưởng trường Mầm non Nam Ngạn. Về phía Trường Đại học Hồng Đức có PGS.TS. Đậu Bá Thìn – Trưởng phòng Quản lý đào tạo; PGS.TS. Nguyễn Hữu Hậu – Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo; lãnh đạo và trợ lý HSSV các khoa đào tạo Sư phạm, cùng đông đảo các bạn sinh viên K22 Đại học Sư phạm, Đại học Giáo dục và K43 Cao đẳng Giáo dục Mầm non.
Toàn cảnh chương trình tập huấn
Năm học 2022 – 2023, Trường Đại học Hồng Đức có 401 sinh viên chính quy đi thực tập sư phạm, trong đó: Đại học sư phạm có 6 ngành, với 183 sinh viên, được chia làm 8 đoàn về các trường THT Hàm Rồng, Đào Duy Từ, Chu Văn An, Lương Đắc Bằng, Bìm Sơn, Triệu Sơn 1, Triệu Sơn 2 và Hoằng Hóa 4. Đại học Giáo dục Tiểu học có 108 sinh viên, được chia thành 05 đoàn về các trường Tiểu học Điện Biên 1, Điện Biên 2, Nguyễn Văn Trỗi, Hàm Rồng và Đông Thọ. Đại học Giáo dục Mầm non có 71 sinh viên, được chia thành 04 đoàn về các trường Mầm non Thực hành, Nam Ngạn, Lam Sơn và Vườn mặt trời. Cao đẳng Giáo dục Mầm non có 37 sinh viên, được chia làm 2 đoàn về các trường Mầm non Hoằng Quang và Đông Anh.
Thời gian thực tập của các bạn sinh viên K22 kéo dài 8 tuần, K43 kéo dài 6 tuần, nhằm giúp các bạn sinh viên nâng cao kỹ năng đứng lớp tại trường THPT, THCS, Tiểu học và Mầm non. Thời gian bắt đầu thực tập từ ngày 06/02 đến 02/04/2023.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Hậu – Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo phổ biến các nội quy, quy chế thực tập tại chương trình tập huấn
Tại chương trình tập huấn, PGS.TS. Nguyễn Hữu Hậu – Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo đã phổ biến các nội quy, quy chế thực tập; mục tiêu và nội dung yêu cầu sinh viên cần thực hiện; phương thức và tiêu chí đánh giá các nhiệm vụ thực tập của sinh viên; cách viết bài thu hoạch; các biểu mẫu và hồ sơ thực tập; quán triệt các yêu cầu: tác phong nghiêm túc, giao tiếp - ứng xử phù hợp và ý thức trách nhiệm khi thực hiện các nội dung, nhiệm vụ trong thời gian sinh viên tham gia thực tập tại các cấp học phổ thông và mầm non.
Thầy giáo Lê Viết Chí - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hoằng Hóa 4 chia sẻ tại chương trình tập huấn
Cô giáo Trần Thị Vân – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Điện Biên 1 chia sẻ tại chương trình tập huấn
Cô giáo Lê Thị Quyên – Hiệu trưởng trường Mầm non Nam Ngạn chia sẻ tại chương trình tập huấn
Với tinh thần chia sẻ, tại buổi tập huấn đại diện các Thầy/Cô ở các cấp học phổ thông và mầm non đã chia sẻ những kinh nghiệm về cách xử lý các tình huống thường gặp trong quá trình thực tập; cách thức tổ chức các hoạt động để tạo hứng thú, động lực cho học sinh trong các giờ học, tư trang, phong cách người nhà giáo khi làm công tác chủ nhiệm và giảng dạy. Đồng thời, các bạn sinh viên cũng đã đặt câu hỏi những chỗ chưa hiểu rõ, nói lên những băn khoăn, lúng túng của mình khi đối mặt với các tình huống đó. Sự tương tác đã giúp cho cả hai đối tượng người nói và người nghe thấu hiểu, cởi mở, tạo bầu không khí thân thiện trong chương trình tập huấn.
ThS. Trương Ngọc Bình - Phó Bí thư Đoàn thanh niên, Chủ tịch Hội sinh viên triển khai các kỹ năng Đoàn, Hội
Trong khuôn khổ của chương trình tập huấn, ThS. Trương Ngọc Bình - Phó Bí thư Đoàn thanh niên, Chủ tịch Hội sinh viên đã triển khai các kỹ năng Đoàn, Hội; kỹ năng tổ chức hoạt động sinh hoạt tập thể; các trò chơi tập thể;… giúp các bạn sinh viên có những kỹ năng cần thiết để tham gia các hoạt động do các cơ sở thực tập tổ chức.
PGS.TS. Đậu Bá Thìn – Trưởng phòng Quản lý đào tạo phát biểu tại chương trình tập huấn
Phát biểu tại chương trình tập huấn, PGS.TS. Đậu Bá Thìn – Trưởng phòng Quản lý đào tạo nhấn mạnh: Thực tập là một học phần quan trọng trong quá trình đào tạo đối với sinh viên; Học phần này giúp sinh viên được tiếp cận với nghề nghiệp trong tương lai. Các hoạt động thực tiễn sẽ giúp sinh viên hiểu được mình sẽ làm công việc như thế nào sau khi ra trường và có những điều chỉnh kịp thời, cùng với phương hướng rèn luyện phù hợp hơn. Trong thực tế, chương trình đào tạo tại trường đã cung cấp hệ thống lý thuyết về ngành nghề cho sinh viên, quá trình thực tập chính là cơ hội để các em sinh viên áp dụng lý thuyết vào thực tiễn. Vì thế, trong đợt thực tập này, Nhà trường mong muốn trang bị cho các em sinh viên cả về kiến thức lẫn tác phong nghề nghiệp, thực hiện tốt các kỷ luật, nội quy, quy chế của cơ sở nơi thực tập, hành xử phù hợp và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao trong thời gian thực tập. Qua đó, hình thành những phẩm chất và năng lực nghề nghiệp của người giáo viên trong tương lai.
Các bạn sinh viên tham dự tại chương trình tập huấn
Chương trình tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác thực tập sư phạm là hoạt động thường niên và có ý nghĩa thiết thực của Trường Đại học Hồng Đức, góp phần trang bị kiến thức, chuẩn bị tâm thế, hướng dẫn kĩ năng để sinh viên có thể chủ động, tự tin hơn trong quá trình thực tập. Đây cũng là dịp để các bạn sinh viên ngành sư phạm áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế tại các trường phổ thông và mầm non như tổ chức các hoạt động ngoài giờ, công tác chủ nhiệm, ứng xử với đồng nghiệp, với học sinh và phụ huynh, đồng thời tạo điều kiện cho các bạn sinh viên quan sát, học hỏi, trao đổi với thầy cô đi trước tại các trường phổ thông, Tiểu học và Mầm non./.
Trung tâm CNTT&TT