Chiến lược phát triển Trường Đại học Hồng Đức

09/05/2022

I. BỐI CẢNH QUỐC TẾ VÀ TRONG NƯỚC

1.1. Bối cảnh quốc tế

Hội nhập trong giáo dục đại học trên thế giới ngày càng sâu rộng, dưới ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Xu thế phát triển giáo dục đại học trên thế giới hiện nay có những đặc trưng sau: Quốc tế hóa; hợp tác nghiên cứu và đào tạo; xu hướng di chuyển trong sinh viên; tập trung vào bảo đảm chất lượng; giáo dục và đào tạo mang tính khai phóng; giáo dục cá nhân hóa; nâng cao năng lực người học; liên ngành trong GDĐH; số hóa trong giáo dục đại học; tự chủ và trách nhiệm giải trình.

1.2. Bối cảnh trong nước

- Nền kinh tế Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng với thế giới, đòi hỏi giáo dục đại học phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng sự nghiệp CNH-HĐH đất nước;

- Nền kinh tế tri thức và quá trình toàn cầu hóa đòi hỏi các trường đại học phải thực hiện tốt 3 chức năng là đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng.

- Việc hội nhập để phát triển là một nhu cầu tất yếu của các trường đại học. Nền kinh tế tri thức và quá trình toàn cầu hóa làm tăng nhu cầu học tập, do vậy, cần đa dạng các loại hình đào tạo;

- Tự chủ là xu thế tất yếu của giáo dục đại học.

II. SỨ MỆNH, TẦM NHÌN, GIÁ TRỊ CỐT LÕI, BỐI CẢNH, QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

2.1. Sứ mệnh

Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đa ngành, đa lĩnh vực, có chất lượng cao, có khả năng thích ứng với sự thay đổi của thị trường lao động; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phục vụ giáo dục đào tạo và phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh Thanh Hóa và đất nước.

2.2. Tầm nhìn

Đến năm 2045, Trường Đại học Hồng Đức là trường đại học thông minh, đổi mới sáng tạo; là trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học mạnh của cả nước; hội nhập với các trường đại học tiên tiến trong khối ASEAN và quốc tế.

2.3. Giá trị cốt lõi

Hiền tài - Đổi mới sáng tạo - Trách nhiệm - Hội nhập

2.4. Triết lý giáo dục

Toàn diện - Trải nghiệm - Thực nghiệp - Thực tài

2.5. Quan điểm phát triển

- Là cơ sở giáo dục đại học theo định hướng ứng dụng, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ;

- Xây dựng và phát triển Trường Đại học Hồng Đức phải gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa; hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trước hết phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho Tỉnh, sau đó là khu vực, đất nước và quốc tế;

- Xây dựng và phát triển Trường Đại học Hồng Đức một cách toàn diện, dựa trên khai thác, sử dụng tổng hợp hiệu quả và bền vững các nguồn lực trong và ngoài trường;

- Nâng cao tính tự chủ và trách nhiệm giải trình xã hội; hợp tác hiệu quả với các bên liên quan trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

III. MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC

3.1. Mục tiêu tổng quát

Đổi mới toàn diện, thực chất công tác quản trị, quản lý Nhà trường tiên tiến, hiện đại; xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên có phẩm chất, trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập; nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, tăng khả năng thích ứng với sự thay đổi của thị trường lao động, gắn đào tạo với sử dụng; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tăng cường hợp tác quốc tế; đầu tư trang thiết bị theo hướng đồng bộ, hiện đại; từng bước tiến tới tự chủ chi thường xuyên.

Đến năm 2030: Trường Đại học Hồng Đức trở thành trường đại học thông minh,  đổi mới sáng tạo; là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, có uy tín trong nhóm các trường đại học hàng đầu của khu vực và cả nước; nằm trong tốp 200 trường đại học trong khối ASEAN.

Đến năm 2045: Trường Đại học Hồng Đức trở thành trường đại học đổi mới sáng tạo; là trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học mạnh của cả nước; nằm trong tốp 150 trường đại học trong khối ASEAN; hội nhập với các trường đại học tiên tiến trên thế giới.

3.2.1. Về đào tạo và đảm bảo chất lượng

- Mục tiêu: Cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

- Chỉ tiêu:

+ Hằng năm cung cấp khoảng 3.000-3.500 lao động có trình độ đại học trở lên, trong đó tỷ lệ có trình độ sau đại học chiếm từ 14-20%;

+ 100% sinh viên tốt nghiệp đạt chuẩn đầu ra kể cả chuẩn trình độ ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm; tỷ lệ sinh viên sau một năm tốt nghiệp có việc làm đúng hoặc gần ngành đào tạo đạt từ 80% trở lên.

+ Duy trì, phát triển các ngành đào tạo còn phù hợp với tình hình mới; mở mới hoặc hợp tác đào tạo một số ngành/chuyên ngành phục vụ sự phát triển kinh tế mũi nhọn và chuyển đổi số của tỉnh Thanh Hóa. Đến năm 2030 có ít nhất 05 chương trình đào tạo tiên tiến được giảng dạy bằng tiếng Anh.

+ Đến năm 2030, phấn đấu 80% chương trình đào tạo đại học đạt tiêu chuẩn chất lượng, trong đó có ít nhất 15% số chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng kiểm định quốc tế.

3.2.2. Về Khoa học và Công nghệ

- Mục tiêu: Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, chuyển giao công nghệ và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và đất nước.

- Chỉ tiêu:

+ 100% kết quả nghiên cứu các đề tài, dự án khoa học công nghệ được ứng dụng vào việc phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh và các địa phương trong cả nước, nâng cao chất lượng đào tạo, mang lại nguồn thu cho Nhà trường.

+ Tỷ trọng nguồn thu trung bình từ các hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, chuyển giao không thấp hơn 15% tổng thu của Nhà trường;

+ Tạp chí KH&CN của trường được quốc tế hóa; xuất bản bằng tiếng Việt và tiếng Anh, là tạp chí khoa học có uy tín trong nước, được Hội đồng chức danh giáo sư tính điểm đối với 08 ngành.

+ Đến năm 2030, bài báo khoa học chuyên ngành của giảng viên đạt ít nhất 1,0 bài/giảng viên/năm; số lượng bài báo của giảng viên công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục Web of Science, Scopus đạt 50% trong tổng số bài báo được công bố.

+ Đến năm 2030 có ít nhất 15 sản phẩm KHCN mang thương hiệu Trường Đại học Hồng Đức được chuyển giao và thương mại hóa.

3.2.3. Về Hợp tác quốc tế

- Mục tiêu: Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ với các tổ chức, trường đại học có uy tín trong khu vực và thế giới.

- Chỉ tiêu:

+ Đến năm 2030, hợp tác được ít nhất 10 cơ sở giáo dục đại học trên thế giới trong việc công nhận tương đương văn bằng và công nhận tín chỉ/học phần; người nước ngoài đến học tập, nghiên cứu tại trường chiếm khoảng 4-5% trên tổng qui mô và từ ít nhất 5 quốc gia trên thế giới.

3.2.4.Về tổ chức bộ máy và đội ngũ

- Mục tiêu: Kiện toàn bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đổi mới mô hình quản trị đại học tiên tiến, hiện đại. Xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý đảm bảo về số lượng, chất lượng, hợp lý về cơ cấu. Nâng cao trình độ và năng lực, trong đó chú trọng năng lực về phát triển chương trình đào tạo, giảng dạy theo phương pháp hiện đại, nghiên cứu khoa học, ngoại ngữ và công nghệ thông tin, gắn với yêu cầu khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

- Chỉ tiêu:

+ Đến năm 2030, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ ít nhất là 70%, trong đó 45% giảng viên sử dụng thành thạo ngoại ngữ trong giảng dạy chuyên môn; tỷ lệ giảng viên có học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư đạt ít nhất 10%.

+ Đến năm 2030, tỷ lệ giảng viên cơ hữu, cán bộ quản lý của trường là giảng viên chiếm ít nhất 80% tổng số viên chức và người lao động trong Nhà trường; tỷ lệ cán bộ khối hành chính, phục vụ chiếm dưới 25% tổng số viên chức, người lao động của trường.

3.2.5. Về Tài chính

- Mục tiêu: Gia tăng nguồn lực tài chính; thực hiện lộ trình tự chủ của cơ sở giáo dục đại học.

- Chỉ tiêu:

+ Thu nhập bình quân CB, GV đạt 13.500 USD/năm;

+ Đến năm 2030 tự chủ được 100% về chi thường xuyên;

3.2.6. Về Cơ sở vật chất

Mục tiêu: Hoàn thiện cơ sở vật chất và xây dựng một số phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia, hướng tới tiêu chuẩn quốc tế.

Đến năm 2030, có ít nhất 05 phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia, hướng tới tiêu chuẩn quốc tế.

Tuyển sinh 2025

Tin nổi bật