29/12/2023
Dự hội nghị có đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và các tác giả, nhóm tác giả có công trình đạt Giải thưởng KH&CN lần thứ hai. Về phía Trường Đại học Hồng Đức có PGS.TS. Hoàng Thị Mai – Phó Hiệu trưởng Nhà trường và các nhóm tác giả của công trình đạt Giải thưởng KH&CN.
Năm 2023, hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ, phục vụ sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 27 Quyết định để cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước về KH&CN vào thực tiễn của tỉnh; tổ chức quản lý 123 nhiệm vụ KHCN (17 nhiệm vụ cấp quốc gia, 106 nhiệm vụ cấp tỉnh); tổ chức nghiệm thu 31 nhiệm vụ KH&CN; tham gia góp ý thẩm định về công nghệ cho 154 dự án đầu tư; có 3 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu tập thể. Hướng dẫn 124 tổ chức, cá nhân về quyền sở hữu trí tuệ; cấp 1 giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, nâng tổng số doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn tỉnh lên 31 đơn vị và 1 chi nhánh doanh nghiệp KH&CN; cấp giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ KHCN cho 25 đơn vị; tiếp nhận, xử lý và đăng tải các tin cảnh báo của các nước trong WTO. Công tác quản lý Nhà nước về công nghệ, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng tiếp tục được tăng cường, an toàn bức xạ hạt nhân trên địa bàn tỉnh được đảm bảo...
Đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng KH&CN tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng KH&CN tỉnh Lê Đức Giang ghi nhận và biểu dương những thành tích của ngành KH&CN đã đạt được trong năm 2023. Trên cơ sở phân tích những hạn chế, yếu kém của ngành KH&CN trong năm 2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang nhấn mạnh: Thời gian tới, ngành KH&CN cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém; đồng thời khơi dậy sự đam mê nghiên cứu, sức sáng tạo để thúc đẩy phát triển KH&CN tỉnh nhà. Trong đó tập trung triển khai đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý để tham mưu cho tỉnh có cơ chế chính sách vượt trội nhằm nâng cao năng lực đổi mới, hấp thụ và từng bước phát triển công nghệ của doanh nghiệp. Đồng thời, tạo thuận lợi cho nghiên cứu, chuyển giao kết quả KH&CN, nâng cao tính tự chủ của các đơn vị KH&CN công lập.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đề nghị: Ngành KH&CN cần tập trung rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh sửa đổi các Quy định quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh sử dụng ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đúng quy định hiện hành và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tổ chức thực hiện và tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách, kế hoạch, chỉ thị, đề án chương trình do HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành đối với hoạt động KH&CN.
Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động KH&CN từng đơn vị, từng doanh nghiệp, từng địa phương. Phát triển thị trường KH&CN để thương mại hóa các sản phẩm KH&CN. Xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh ở một số lĩnh vực đủ sức để giải quyết những vấn đề lớn, phức tạp của tỉnh mà thực tế đặt ra. Nâng cao chất lượng, hiệu quả của các nhiệm vụ KH&CN, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh.
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đề nghị các tác giả đạt giải thưởng KH&CN tiếp tục sáng tạo, cải tiến, hoàn thiện sản phẩm, mở rộng mô hình, ứng dụng vào sản xuất, tạo ra sự lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, phục vụ thiết thực sản xuất, đời sống đạt hiệu quả cao hơn nữa.
Cũng tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng KH&CN tỉnh Lê Đức Giang đã trao 6 Giải thưởng KH&CN tỉnh Thanh Hóa năm 2023 cho 6 công trình và cụm công trình của các tác giả và nhóm tác giả, trong đó có 02 giải bạc và 04 giải đồng. Trường Đại học Hồng Đức vinh dự có 2 công trình đều đạt giải đồng, đó là công trình “Nghiên cứu xây dựng mô hình hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” của tác giả, PGS.TS. Lê Quang Hiếu – Trưởng khoa KT - QTKD và các đồng tác giả: PGS.TS. Ngô Chí Thành, TS. Lê Thị Minh Huệ, PGS.TS. Nguyễn Thị Loan, TS. Lê Thị Lan, TS. Đỗ Thị Mẫn, TS. Lê Thị Hồng, PGS.TS. Phạm Thị Bích Thu, ThS. Phạm Nguyên Hồng, ThS. Trần Thị Điểm, ThS. Lê Đức Đạt, ThS. Lê Thanh Tùng; công trình “Hoàn thiện quy trình công nghệ chế tạo máy sấy áp suất thấp, tự động đối lưu luồng khí” của nhóm tác giả, CN Nguyễn Văn Tư và đồng tác giả: PGS.TS. Lê Thị Giang, Trưởng phòng QLKHCN&HTQT. Đây là những công trình có giá trị khoa học, công nghệ và thực tiễn, được ứng dụng hiệu quả, phục vụ trực tiếp cho sự phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh Thanh Hóa.
Các tác giả, nhóm tác chụp ảnh lưu niệm cùng PCT UBND tỉnh Lê Đức Giang và các đại biểu tham dự Hội nghị
Trong những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Hồng Đức có bước phát triển vượt bậc. Kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án ngày càng có chất lượng, gắn với địa chỉ ứng dụng cụ thể và giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra tại các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương trong và ngoài Tỉnh, tiêu biểu như: Giống lúa Hồng Đức 9, giống Ngô lai QT55, Giường bệnh đa chức năng,… Qua đó, đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực tại Trường và năng lực nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ giảng viên; phục vụ trực tiếp sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hoá và đất nước.
Trung tâm CNTT&TT