24/10/2023
PGS.TS. Bùi Văn Dũng – Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tham luận tại Hội thảo trực tuyến “Giải pháp thúc đẩy hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp từ hoạt động khai thác tài sản trí tuệ tại trường đại học, viện nghiên cứu”
1. Quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về thúc đẩy đối mới sáng tạo và khai thác tài sản trí tuệ trong Trường đại học, Viện nghiên cứu
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo (ĐMST) và khai thác tài sản trí tuệ (TSTT) hiện nay đang thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt là đối với các trường đại học, viện nghiên cứu. Đảng và Nhà nước luôn coi khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, nền tảng và nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Trong những năm qua Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách, nghị quyết, nghị định, thông tư để phát triển khoa học và công nghệ nói chung và thúc đẩy ĐMST, khai thác TSTT đối với trường đại học, viện nghiên cứu nói riêng, được thể hiện qua: Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; Luật KH&CN năm 2013; Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung 2018; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009; Nghị quyết số 50/NQ-CP năm 2021 của Chính phủ Về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Thông tư 22 năm 2011 của Bộ GD&ĐT Quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học.
Qua đó có thể thấy, về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ta đã rất chú trọng quan tâm đến sự phát triển khoa học và công nghệ nói chung và thúc đẩy ĐMST, khai thác TSTT nói riêng một cách có hệ thống, nhiều chính sách đã đi vào thực tiễn đời sống. Trong đó đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, tập trung phát triển công nghệ ưu tiên có khả năng ứng dụng cao, xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, thúc đẩy triển khai và ứng dụng công nghệ mới, công nghệ số và đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao, chú trọng phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, các nhóm nghiên cứu hiệu quả đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và phù hợp với điều kiện Việt Nam. Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Xây dựng thể chế, cơ chế chính sách để hình thành trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm trí tuệ nhân tạo tại các vùng trọng điểm. Phát triển mạnh thị trường khoa học, công nghệ gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tất cả các lĩnh vực, nhất là về khoa học và công nghệ. Tạo điều kiện tăng cường liên kết doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, trường đại học, trong đó tập trung vào nâng cao năng lực của doanh nghiệp từng bước tham gia, tạo ra công nghệ mới. Đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ số, thực hiện thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hình thành các trung tâm nghiên cứu và triển khai, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Tăng cường công tác đầu tư, quản lý sở hữu trí tuệ, công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng và ứng dụng hiệu quả năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. Đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tích cực thu hút sự tham gia đóng góp của cộng đồng các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài”.
Các đại biểu tham dự Hội thảo trực tuyến “Giải pháp thúc đẩy hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp từ hoạt động khai thác tài sản trí tuệ tại trường đại học, viện nghiên cứu” tại điểm cầu Trường Đại học Hồng Đức
2. Vai trò của trường đại học, viện nghiên cứu trong hệ thống đổi mới sáng tạo và khai thác tài sản trí tuệ
Trường đại học, viện nghiên cứu là nơi cung cấp, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; Là nơi sáng tạo ra tri thức khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới thông qua nghiên cứu khoa học; Chuyển giao tri thức khoa học, công nghệ từ phòng thí nghiệm đến các cơ sở, tổ chức sản xuất, kinh doanh và xã hội thông qua chuyển giao công nghệ. Theo thống kê của Bộ KH&CN, có trên 80% nhân lực KH&CN đang làm việc tại các trường đại học, viện nghiên cứu. Do đó trường đại học, viện nghiên cứu đóng vai trò là những trụ cột trong hệ thống đổi mới sáng tạo của quốc gia. Việc khai thác các sáng chế, công nghệ, tài sản trí tuệ trong trường đại học, viện nghiên cứu với mục tiêu thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo để hình thành các doanh nghiệp tiến tới thương mại hóa các kết quả nghiên cứu góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đất nước. Đặc biệt đối với các trường đại học địa phương (chẳng hạn Trường Đại học Hồng Đức) là trường đại học do địa phương quản lý về mặt cơ cấu tổ chức và chịu sự quản lý về mặt chuyên môn của Bộ GD&ĐT. Các trường đại học này có sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực đa lĩnh vực có khả năng thích ứng với sự thay đổi của thị trường lao động; vừa là trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ vừa phục vụ các mục tiêu kinh tế - xã hội, phù hợp với nhu cầu chung của khu vực và cả nước.
Để có thể triển khai các kết quả nghiên cứu, việc thành lập các doanh nghiệp công nghệ để thương mại hóa các kết quả này là một việc không thể thiếu. Thành lập các công ty khởi nghiệp do chính nhà khoa học đồng sở hữu với cơ quan nghiên cứu chính là mô hình công ty spin-off (Công ty công nghệ spin-off được hiểu là các công ty công nghệ triển khai các kết quả nghiên cứu ứng dụng của các nhà khoa học với hình thức đồng sở hữu của cơ sở nghiên cứu và nhà phát minh, và được quản lý độc lập với cơ sở nghiên cứu) là công ty rất phổ biến ở các nước phát triển. Mô hình các công ty spin-off nhỏ và vừa hiện đang được đầu tư mạnh ở nhiều quốc gia phát triển do khả năng tạo việc làm tốt, tận dụng cơ sở hạ tầng nghiên cứu từ chính các trung tâm nghiên cứu phát triển, nơi được đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại đủ khả năng phục vụ cho cả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu phát triển, vừa tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo từ đây. Với quy mô nhỏ và vừa, khả năng thu hồi vốn của spin-off nhanh hơn cùng với chi phí thấp hơn cho việc xây dựng cơ sở vật chất cũng như chi phí quản trị.
Tuy nhiên, hiện nay vai trò của các trường đại học đối với đổi mới sáng tạo ở Việt Nam vẫn còn hạn chế. Công tác nghiên cứu khoa học, nhất là các vấn đề liên quan đến sản xuất - kinh doanh, chưa được quan tâm đúng mức ở một số trường đại học.Các cơ chế, chính sách liên quan đến nghiên cứu khoa học chưa đáp ứng được yêu cầu trong thực tiễn. Mức chi cho sự nghiệp khoa học - công nghệ còn chiếm tỷ lệ thấp và dàn trải ở các bộ, ngành, địa phương, chưa tập trung vào một số lĩnh vực công nghệ trọng điểm, then chốt. Nhiều trường đại học chưa thực sự quan tâm và nhận thức được tầm quan trọng, hiệu quả của việc liên kết, hợp tác với doanh nghiệp trong việc tăng cường nghiên cứu, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học nhằm tạo đầu ra cho sản phẩm nghiên cứu. Nhiều tổ chức nghiên cứu, cá nhân nhà khoa học chưa chủ động, tích cực trong việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu, ở nhiều trường đại học và cơ sở nghiên cứu, các kết quả có tính ứng dụng và thương mại hóa thường được chuyển giao một cách vội vã và chưa tính đến lợi ích lâu dài cho chính nhà nghiên cứu và cơ sở nghiên cứu, hoặc trong nhiều trường hợp các kết quả bị bỏ qua vì không có tiền đầu tư làm thương mại hóa. Hiện nay hàng năm có rất nhiều đề tài được nghiệm thu và rất nhiều quy trình công nghệ, sản phẩm khoa học có tiềm năng ứng dụng vào thực tiễn, nhưng chỉ một số khiêm tốn được chuyển giao hay thương mại hóa để tạo ra giá trị gia tăng cao, phục vụ quốc kế dân sinh, gây lãng phí nguồn lực của xã hội. Bên cạnh đó thủ tục đăng ký các tài sản trí tuệ còn phức tạp, việc phân chia quyền SHTT còn chưa thống nhất, do đó nhiều nhà khoa học lựa chọn công bố bài báo khoa học mà không tính đến việc khai thác các TSTT lâu dài.
Mô phỏng 3D máy lột vỏ trứng chim cút tự động của sinh viên Lê Ngọc Bích, K22 - ĐH Kỹ thuật Điện, Khoa Kỹ thuật Công nghệ tại cuộc thi “Sinh viên khởi nghiệp” năm học 2020-2021.
3. Hoạt động sở hữu trí tuệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại Trường Đại học Hồng Đức
Trường Đại học Hồng Đức là Trường Đại học công lập đa ngành, trực thuộc UBND tỉnh Thanh Hóa và chịu sự quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trải qua 24 năm xây dựng và phát triển, Nhà trường không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đất nước.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, Trường Đại học Hồng Đức đã rất chú trọng đến sở hữu trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ trong Trường. Ngày 10/10/2008, Nhà trường đã ra Quyết định số 1008/QĐ-ĐHHĐ ban hành Quy định về quyền sở hữu trí tuệ trong trường Đại học Hồng Đức. Đến năm 2016, trên cơ sở rà soát, điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp với các quy định mới của các Bộ, Ngành, của Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi, ngày 10/11/2016 Nhà trường đã ra Quyết định số 2797/QĐ-ĐHHĐ Ban hành Quy định về quyền sở hữu trí tuệ trong Trường Đại học Hồng Đức. Bên cạnh đó Nhà trường đã ban hành Quyết định số 1007 ngày 10/10/2008 về Quy định tiêu chuẩn năng lực và đạo đức trong các hoạt động Khoa học và Công nghệ - Trường Đại học Hồng Đức. Đến năm 2017, trên cơ sở rà soát và điều chỉnh cho phù hợp với các quy định của các Bộ, Ngành, ngày 29/12/2017 Nhà trường đã ban hành Quyết định 2514/QĐ-ĐHHĐ về việc “Quy định Tiêu chuẩn năng lực và đạo đức trong các hoạt động khoa học và công nghệ của Trường Đại học Hồng Đức”.
Năm học 2018-2019, Trường Đại học Hồng Đức đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn – Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức Hội nghị tập huấn về Sở hữu trí tuệ cho cán bộ giảng viên Nhà trường. Tiếp nối chương trình về sở hữu trí tuệ, năm học 2019-2020, Nhà trường đã phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho CB, GV và sinh viên năm cuối các kiến thức về SHTT, sau khóa học, đã được Cục SHTT cấp Giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo kiến thức về SHTT.
Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời hưởng ứng phong trào khởi nghiệp quốc gia, Trường Đại học Hồng Đức tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ cho sinh viên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong tất cả các lĩnh vực. Qua đó, trang bị cho sinh viên những kiến thức về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, khơi dậy đam mê và ươm mầm các ý tưởng khởi nghiệp - tạo tiền đề giúp sinh viên có thêm động lực, kinh nghiệm trong quá trình lập nghiệp.
Để hoạt động đào tạo sinh viên khởi nghiệp ĐMST đạt hiệu quả, nhà trường chú trọng việc trang bị kiến thức về khởi nghiệp, sáng tạo cho sinh viên. Năm 2017-2018, nhà trường đã phối hợp với Trung tâm Hoa Kỳ, Đại sứ quán Mỹ tổ chức các khóa đào tạo ươm mầm khởi nghiệp, khởi nghiệp thông minh cho hơn 200 lượt sinh viên; giai đoạn 2017-2020, thực hiện kế hoạch đào tạo khởi sự doanh nghiệp và bồi dưỡng doanh nhân của UBND tỉnh Thanh Hóa, mỗi năm đào tạo 3 - 4 lớp cho 300 - 400 sinh viên đang học năm thứ 3, năm thứ 4 tại nhà trường. Đặc biệt, nhà trường đã được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) giao thực hiện nhiệm vụ của Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025”, đề án đã đào tạo 35 chuyên gia khởi nghiệp là cán bộ, giảng viên và trang bị kiến thức về khởi nghiệp ĐMST cho hơn 600 lượt sinh viên của nhà trường. Đồng thời, chú trọng đổi mới chương trình đào tạo theo hướng phát huy năng lực người học và đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Chương trình được đổi mới theo hướng giảm giờ học lý thuyết, tăng khối lượng thực hành, chú trọng rèn luyện kỹ năng thực hành nghề nghiệp, tạo điều kiện để sinh viên ra trường tự tin tiếp cận với công việc. Nhà trường cũng mở rộng mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp, tranh thủ được sự tham gia của đơn vị, doanh nghiệp trong xây dựng, điều chỉnh chương trình đào tạo, tham gia giảng dạy, tổ chức các hoạt động giao lưu với doanh nhân, khơi gợi niềm đam mê và bồi dưỡng kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên.
Phong trào sinh viên khởi nghiệp, ý tưởng sáng tạo và sinh hoạt các câu lạc bộ học thuật trong nhà trường cũng diễn ra sôi nổi với các hội thi chuyên môn nghiệp vụ, rèn nghề cho sinh viên, tiêu biểu như các cuộc thi: Sinh viên khởi nghiệp, Festival kinh tế; nghiệp vụ sư phạm; hướng dẫn viên du lịch; hành trình địa lý vì sự phát triển bền vững; giao lưu văn hóa Anh - Việt - Mỹ... Đây thực sự là những ngày hội và là sân chơi bổ ích cho sinh viên.Thông qua các hội thi, kiến thức, nghiệp vụ và ý thức nghề nghiệp của sinh viên đã được nâng lên rõ rệt, làm cho sinh viên thấy yêu nghề và gắn bó với nghề nghiệp. Đặc biệt, để khơi dậy niềm đam mê, sáng tạo của tuổi trẻ, tạo tiền đề cho sinh viên khởi nghiệp trong tương lai, nhà trường thường xuyên đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) trong sinh viên ở tất cả các khoa, các ngành. Nhiều đề tài của sinh viên tham gia NCKH ở cấp trường, cấp bộ.Một số đề tài nghiên cứu mang tính ứng dụng cao, có ý nghĩa trong đời sống thực tế.
Tại cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức với quy mô toàn quốc với sự tham gia của hơn 200 trường đại học, cao đẳng, trung cấp, THPT; đoàn viên, sinh viên nhà trường cũng đã có các công trình, dự thi. Năm 2018 có 2 dự án tham gia gồm Dự án “Nơi bảo tồn và phát triển thương hiệu nước mắm truyền thống Ba Làng, Tĩnh Gia, Thanh Hóa” và Dự án “Nhà máy sản xuất thuốc nam và trồng cây dược liệu”. Năm 2019, có 1 dự án dự thi lọt vào top 50 chung kết cuộc thi, đó là Dự án “Sản xuất nấm đối kháng, chế phẩm sinh học, thuốc sinh học và phân hữu cơ để chăm sóc và chữa bệnh cho cây”. Năm 2020, cuộc thi tiếp tục được phát động và đoàn viên, sinh viên nhà trường có 2 dự án tham gia cuộc thi. Tại cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên” cấp tỉnh, qua 6 lần tổ chức, đoàn viên, sinh viên Trường Đại học Hồng Đức đã tham gia dự thi với gần 100 ý tưởng sơ loại, có 8 ý tưởng lọt vào chung kết. Trong đó có 2 giải nhì, 4 giải ba và 2 giải khuyến khích...
Sinh viên Lê Ngọc Bích, K22 - ĐH Kỹ thuật Điện, khoa KTCN nhận giải nhất với ý tưởng “Chế tạo máy lột vỏ trứng chim cút tự động” tại cuộc thi “Sinh viên khởi nghiệp” năm học 2020-2021.
Xác định, để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc gia, có khả năng thích ứng với sự đa dạng và sự phát triển không ngừng của thị trường lao động; giai đoạn 2021-2025, Trường Đại học Hồng Đức tiếp tục chủ động, sáng tạo trong dạy học và NCKH. Đồng thời chú trọng công tác khởi nghiệp ĐMST nhằm tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi nhất để sinh viên phát huy hết khả năng sáng tạo và khơi dậy khát vọng khởi nghiệp, lập nghiệp. UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt đề án cho phép Trường Đại học Hồng Đức thành lập “Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" đặt tại Trường, hiện tại Nhà trường đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để ra mắt Trung tâm. Đây sẽ là Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa đểthực hiện các nhiệm vụ, triển khai xây dựng cơ chế, chính sách và đào tạo, phục vụ cho việc nuôi dưỡng và hỗ trợ các ý tưởng nghiên cứu, khởi nghiệp sáng tạo cho các doanh nghiệp, cho cán bộ, giảng viên vàmọi đối tượng có nhu cầu khởi nghiệp; thực hiện các dịch vụ tư vấn khoa học và chuyển giao công nghệ cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân; hỗ trợ cho cán bộ, giảng viên và người học tiếp cận và khai thác các nguồn tài chính hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước về lĩnh vực KH&CN, khởi nghiệp sáng tạo.
PGS.TS. Lê Hoằng Bá Huyền - Phó Hiệu trưởng Nhà Trường tặng hoa tri ân các doanh nghiệp đồng hành trong Cuộc thi Sinh viên khởi nghiệp
4. Chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khai thác tài sản trí tuệ của Trường Đại học Hồng Đức
Nhà trường luôn chú trọng việc tạo lập môi trường và điều kiện làm việc thuận lợi để phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, giảng viên. Có chính sách đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực nghiên cứu cho đội ngũ cán bộ, giảng viên; Có chính sách khuyến khích đội ngũ cán bộ, giảng viên tham gia đề xuất, thực hiện đề tài KH&CN các cấp, nhất là các đề tài cấp tỉnh, cấp Bộ, cấp Nhà nước. Gần đây nhất, ngày 05/11/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 448/QĐ-UBND về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021- 2025. Căn cứ chương trình này, Nhà trường sẽ từng bước xây dựng các kế hoạch cụ thể bám sát vào chủ trương của tỉnh cũng như chiến lược phát triển của Nhà trường cho phù hợp với thực tiễn, hướng tới các chương trình của quốc gia về SHTT và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Thúc đẩy ứng dụng kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án KH&CN, đặc biệt là đặc biệt là các đề tài cấp Bộ, cấp Tỉnh, cấp Quốc gia vào sản xuất và đời sống ở các địa phương, ngành, lĩnh vực; Thúc đẩy chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm và xây dựng sản phẩm mang thương hiệu Trường Đại học Hồng Đức;
Thông qua hoạt động chuyển giao công nghệ tăng cường mối liên kết, hợp tác giữa Nhà trường với các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học. Hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, địa phương trong ứng dụng, chuyển giao để ngày càng hoàn thiện chất lượng sản phẩm, công nghệ; nhân rộng mô hình và quy mô, địa bàn ứng dụng, chuyển giao;
Ứng dụng, chuyển giao các kết quả nghiên cứu trong và sau khi thực hiện các đề tài, dự án của Trường Đại học Hồng Đức. Lựa chọn ứng dụng, chuyển giao các sản phẩm KH&CN, các kỹ thuật công nghệ mũi nhọn kết hợp với ứng dụng, chuyển giao các sản phẩm KH&CN từ tất cả các đề tài, dự án các cấp. Lựa chọn các sản phẩm có tiềm năng, có giá trị cao, có khả năng thương mại hóa để xây dựng sản phẩm mang thương hiệu Trường Đại học Hồng Đức;
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường xây dựng cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học. Khai thác và ứng dụng CNTT, thực hiện chuyển đỏi số trong quản lý và điều hành các hoạt động của nhà trường. Thực hiện quản lý văn bản và giải quyết công việc trên môi trường điện tử, triển khai các phần mềm hỗ trợ hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học, các thủ tục hành chính đối với người học được xử lý trực tuyến ở mức độ 3 và một số thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến ở mức độ 4;
Xây dựng và triển khai thực hiện Quy hoạch đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên đến năm 2025 và triển khai chính sách hỗ trợ của tỉnh Thanh Hóa đối với cán bộ, giảng viên đi đào tạo sau đại học. Nhà trường đã ban hành và triển khai chính sách hỗ trợ, khen thưởng đối với tác giả các bài báo, công trình khoa học được công bố trên tạp chí quốc tế và tạp chí khoa học uy tín trong nước.
Hằng năm, Nhà trường sẽ triển khai công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhằm bảo đảm lợi ích của đội ngũ cán bộ, giảng viên khi chuyển giao đề tài khoa học và công nghệ, sáng chế và khuyến khích đội ngũ cán bộ, giảng viên gia tăng sự cống hiến, đóng góp cho hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ.
Chung kết cuộc thi “Sinh viên khởi nghiệp” năm học 2020 - 2021
5. Những khó khăn, thách thức đối với hoạt động SHTT, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Hoạt động SHTT, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã được Nhà trường quan tâm chú trọng. Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn thách thức và hạn chế nhất định thể hiện ở một số điểm sau:
Nhà trường chưa có bộ phận chuyên trách về SHTT, chưa có cán bộ được đào tạo bài bản chuyên sâu về các hoạt động liên quan đến SHTT, hiện tại các hoạt động về SHTT còn chưa nhiều, chỉ mới tập trung ở một số chuyên ngành như công nghệ thông tin, nông lâm ngư nghiệp.
Một số các nhà khoa học, cán bộ giảng viên của Nhà trường chưa nhận thức được tầm quan trọng về SHTT, chưa nắm rõ Luật cũng như các quy định về sở hữu trí tuệ. Một số công trình nghiên cứu sau khi nghiệm thu chưa được thực hiện các đăng ký về SHTT như bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng sản phẩm,… do đó một số kết quả nghiên cứu vẫn chưa được bảo hộ.
Chưa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng, chi phí đăng ký, chưa khai thác được các kết quả từ sản phẩm nghiên cứu như thương mại hóa sản phẩm, chuyển giao kết quả nghiên cứu đến các doanh nghiệp để ra thị trường.
6. Một số kiến nghị, đề xuất thúc đẩy ĐMST và khai thác TSTT tại Trường Đại học Hồng Đức
- Đối với Cục SHTT: Cần tiếp tục hỗ trợ trong việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức về SHTT và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho cán bộ, giảng viên và sinh viên năm cuối. Có cơ chế, chính sách nhằm xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho hoạt động khởi nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho việc tạo lập, bảo hộ và khai thác tài sản trí tuệ của Nhà trường. Tư vấn, hỗ trợ cho cán bộ, giảng viên của Nhà trường trong việc nộp đơn đăng ký các kết quả nghiên cứu liên quan đến SHTT như các sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng sản phẩm,… đây là một trong những điểm hạn chế nhất của trường.
- Đối với các cơ quan cấp trên:
Tiếp tục tạo lập môi trường và điều kiện làm việc thuận lợi để phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, giảng viên. Có chính sách đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực nghiên cứu cho đội ngũ cán bộ, giảng viên. Khuyến khích và đào tạo điều kiện thận lợi để đội ngũ khoa học và công nghệ người Việt Nam ở nước ngoài chuyển giao về nước những tri thức khoa học và công nghệ tiên tiến. Có chính sách thoả đáng đối với cán bộ khoa học và công nghệ Việt Nam ở nước ngoài về làm việc trong nước. Tiếp tục xây dựng, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách để đội ngũ cán bộ, giảng viên phát huy vai trò, phát triển bằng chính phẩm chất, năng lực, được hưởng đầy đủ lợi ích vật chất, tinh thần tương xứng với giá trị từ kết quả lao động sáng tạo của mình.
Hàng năm tạo điều kiện giao trực tiếp cho Trường Đại học Hồng Đức chủ trì thực hiện một số các nhiệm vụ, chương trình khoa học trọng điểm Quốc gia để tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong đó, tập trung thực hiện có hiệu quả các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia về Toán học, Vật lý, Hóa học, Khoa học cơ bản, Công nghiệp sinh học; các chương trình Đổi mới công nghệ, Phát triển công nghệ cao, Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp, Sở hữu trí tuệ.
Tạo điều kiện cho Nhà trường tăng cường tiềm lực KH&CN. Trong đó, ưu tiên đầu tư các phòng thí nghiệm đồng bộ, hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế./.
(Bài phát biểu tham luận của PGS.TS. Bùi Văn Dũng – Hiệu trưởng Nhà trường tại Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp từ hoạt động khai thác tài sản trí tuệ tại trường đại học, viện nghiên cứu”).