20/08/2024
Cùng dự có nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các chuyên gia, nhà giáo lão thành, đại diện các cơ sở giáo dục.
Quang cảnh hội nghị
Tại điểm cầu các tỉnh/thành phố có sự tham dự của lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND, HĐND, các Sở, ngành, cơ quan địa phương và các cơ sở giáo dục.
Dự hội nghị về phía Bộ GDĐT có Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn; các Thứ trưởng: Nguyễn Văn Phúc, Phạm Ngọc Thưởng, Hoàng Minh Sơn, Nguyễn Thị Kim Chi; lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ GDĐT.
Nhiều kết quả tích cực, gia tăng niềm tin, ủng hộ của toàn xã hội
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Năm học 2023-2024 diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế trong nước đang trên đà phục hồi, các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra sôi động hơn với tăng trưởng khá và nhiều chuyển biến tích cực. Cùng với cả nước, ngành Giáo dục quyết tâm thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ được giao. Đây cũng là thời điểm toàn ngành Giáo dục tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ lớn của ngành như thực hiện tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29; triển khai Nghị quyết 686 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, cùng các nhiệm vụ quan trọng khác.
Theo Bộ trưởng, với chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với tinh thần chỉ đạo và định hướng quan trọng của Thủ tướng là “học thật, thi thật, nhân tài thật” và phương châm “nhà trường là nền tảng, thầy cô là động lực, học sinh là trung tâm”; sự phối hợp hiệu quả của các ban, bộ, ngành Trung ương và các cấp uỷ đảng, chính quyền các địa phương; sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân, của phụ huynh học sinh; đặc biệt với sự quyết tâm, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, sự cố gắng, nỗ lực của các em học sinh, sinh viên, toàn ngành Giáo dục đã hoàn thành kế hoạch năm học 2023-2024, trong đó có nhiều kết quả tốt đẹp, rất tích cực, có tác động gia tăng niềm tin, sự đồng thuận và ủng hộ của toàn xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc hội nghị
“Toàn ngành Giáo dục đã nỗ lực triển khai 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, góp phần đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực Châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045. Quá trình triển khai 12 tháng qua đã đạt được hầu hết mục tiêu, kế hoạch; là một năm gặt hái được nhiều kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực trong toàn ngành”, Bộ trưởng nói.
Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT. Bộ GDĐT tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các nghị định, nghị quyết, đề án, kế hoạch về phát triển GDĐT. Các Sở GDĐT đã tham mưu ban hành các chính sách phát triển GDĐT tại địa phương. Hiện nay, Bộ GDĐT đang tích cực hoàn thiện Dự án Luật Nhà giáo để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8.
Công tác phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và xoá mù chữ tiếp tục được các địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi đến trường, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em khuyết tật.
Mạng lưới, quy mô trường, lớp tiếp tục được quan tâm đầu tư. Các địa phương thực hiện rà soát, dồn dịch điểm trường lẻ, sát nhập trường có quy mô nhỏ để tập trung đầu tư, bảo đảm chất lượng giáo dục; chú trọng duy trì, mở rộng số lượng lớp học và bổ sung phòng học kiên cố, bán kiên cố và giảm số phòng học tạm, mượn, đầu tư trang thiết bị, đồ dùng dạy học, tạo thuận lợi cho người dân, đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh và phù hợp với quy hoạch, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng trình bày báo cáo tổng kết năm học tại hội nghị
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm mới đã được triển khai đồng bộ với đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11 trên phạm vi cả nước. Việc tổ chức biên soạn, thẩm định sách giáo khoa được triển khai theo đúng lộ trình, đảm bảo chất lượng và tiến độ. Trong đó, việc cố gắng giảm giá thành sách giáo khoa từ năm học 2024-2025 đã khẳng định được vai trò, trách nhiệm của ngành Giáo dục trước thềm năm học mới giúp giảm đi gánh nặng cho xã hội.
Năm học 2023-2024 tiếp tục là một năm thành công của giáo dục phổ thông mũi nhọn, khi các đội tuyển dự thi Olympic khu vực và quốc tế đến thời điểm này đã mang về 10 Huy chương Vàng, 14 Huy chương Bạc, 9 Huy chương Đồng và 1 Bằng khen. Đáng chú ý là đội tuyển Hóa học đứng thứ 2/89 quốc gia; đội tuyển Sinh học đứng thứ 3/81 quốc gia. Học sinh Việt Nam cũng giành thành tích tốt nhất kể từ khi tham dự tại Hội thi Khoa học Kỹ thuật quốc tế tổ chức tại Hoa Kỳ.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được tổ chức thành công đảm bảo nghiêm túc, trung thực, khách quan, an toàn, đúng quy chế, bảo đảm thuận lợi và công bằng cho các đối tượng thí sinh.
Tự chủ giáo dục đại học từng bước đi vào thực chất. Hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục được đẩy mạnh. Số lượng các cơ sở giáo dục đại học, chương trình đào tạo được quốc tế công nhận và số lượng bài báo quốc tế của các nhà khoa học trong nước ngày càng tăng. Tiếp tục đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là nguồn nhân lực cho công nghiệp chip bán dẫn tại Việt Nam.
Nhằm khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, Bộ GDĐT tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ bổ sung 27.826 biên chế cho năm học 2023-2024. Trên cơ sở đó, các địa phương đã tổ chức tuyển dụng được 19.474 giáo viên. Đến nay, đội ngũ nhà giáo đã được phát triển về số lượng, khắc phục dần những bất cập về cơ cấu. Thực hiện bồi dưỡng thường xuyên tương ứng cho từng nhóm đối tượng; triển khai lộ trình đào tạo theo quy định tại Luật Giáo dục 2019.
Đại biểu dự hội nghị
Toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và trong hoạt động dạy và học. Đến nay, đã hoàn thành việc xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục từ mầm non, phổ thông, kết nối cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và bảo hiểm.
Năm học 2023-2024 còn ghi dấu ấn về những sự kiện thể thao học đường lớn mang tầm quốc gia, quốc tế được tổ chức thành công. Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 do Việt Nam đăng cai tổ chức quy tụ 1.300 vận động viên học sinh, huấn luyện viên đến từ 10 quốc gia trong khu vực. Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X được tổ chức sau 8 năm gián đoạn do dịch Covid-19 sự tham gia của hơn 20.000 vận động viên học sinh và cán bộ của 63 tỉnh, thành phố.
Bên cạnh những kết quả đạt được việc triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2023-2024 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo còn hạn chế; thiếu giáo viên; phân bổ mạng lưới các cơ sở giáo dục chưa hợp lý; chất lượng giáo dục đại học chưa đáp ứng yêu cầu nhân lực cho các ngành kinh tế mới, công nghệ cao…
Năm học 2024-2025, ngành Giáo dục xác định 12 nhiệm vụ trọng tâm với với chủ đề năm học là “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng”.
Địa phương sẵn sàng năm học mới; tiếp tục đề xuất “gỡ khó” về đội ngũ
Tại hội nghị, đại diện địa phương, cơ sở giáo dục, chuyên gia, đại biểu khách mời đã có các ý kiến trao đổi, đánh giá về việc triển khai năm học 2023-2024, những khó khăn xuất phát từ thực tiễn và đề xuất để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2024-2025.
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trường Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trao đổi tại hội nghị
Năm học 2023-2024 quy mô giáo dục Hà Nội tiếp tục tăng thêm 39 cơ sở giáo dục, nâng tổng số lên 2913 trường với hơn 2,3 triệu học sinh. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết: Thành phố luôn dành nguồn lực đều đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo. Trong đó, ưu tiên phát triển, triển khai các mô hình trường học hiện đại tiên tiến, thu hẹp khoảng cách giữa các trường nội thành và ngoại thành, phát triển ứng dụng công nghệ thông tin và hợp tác quốc tế trong giáo dục, đào tạo.
Nêu thực trạng thiếu giáo viên trên địa bàn, bà Vũ Thu Hà kiến nghị Chính phủ, chỉ đạo Bộ Nội vụ, Bộ GDĐT có những định mức, quy định về biên chế giáo viên phù hợp với các địa phương đặc thù, có số lượng, quy mô giáo dục, đào tạo lớn do đó nhu cầu tuyển dụng, sử dụng giáo viên cao như thành phố Hà Nội.
Nhấn mạnh vai trò công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, Hiệu trường Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Nguyễn Đức Sơn cho biết: Công tác đào tạo giáo viên hiện nay tại các trường đại học sư phạm luôn bám sát Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt là những quy định về chuẩn đầu ra. Bên cạnh đó, các chương trình bồi dưỡng giáo viên như dạy học đơn môn, dạy học tích hợp trong các nhà trường cũng được các trường đại học sư phạm chú trọng, triển khai.
“Trong thời gian tới, mong rằng các địa phương sẽ phối hợp sâu sát hơn với các trường đại học sư phạm, quan tâm tới công tác bồi dưỡng giáo viên. Đó là quá trình tích lũy, lâu dài, tạo sự thích ứng đối với sự đổi mới trong đội ngũ giáo viên” ông Nguyễn Đức Sơn nói.
GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam trao đổi tại hội nghị
Trao đổi về công tác chuẩn bị cho năm học mới của tỉnh Điện Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Vừ A Bằng đồng thời đề xuất một số kiến nghị liên quan đến chính sách đặc thù về biên chế, tuyển dụng giáo viên cho các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là các môn học mới; ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, nhà ở cho học sinh nội trú và giáo viên.
Khẳng định năm học 2023-2024 là năm học bứt phá về giáo dục và đào tạo, chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn đều được nâng lên, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan cũng lưu ý ngành Giáo dục về chất lượng đội ngũ giáo viên hiện nay. Theo bà Nguyễn Thị Doan, giáo dục đang hướng đến phát huy phẩm chất, năng lực, tính sáng tạo người học. Vì vậy, giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc nắm bắt đặc điểm đối tượng của thế hệ học sinh, sinh viên. Đó là cơ hội nhưng cũng là thách thức, điểm nghẽn cần tháo gỡ, giáo viên buộc phải khai phóng.
Một trong những nhiệm vụ sẽ được ngành Giáo dục tập trung triển khai trong năm học 2024-2025 là đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghệ bán dẫn. Để việc đào tạo đạt kết quả như mong muốn, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, nhất là ưu tiên bố trí đủ nguồn nhân lực để thực hiện đề án. Đồng thời có cơ chế đặc thù theo tinh thần đột phá để triển khai thành công đề án.
“Giáo dục cần được quan tâm đúng mức để tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững”
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương và nhiệt liệt chúc mừng những kết quả quan trọng đạt được của ngành Giáo dục trong năm học vừa qua, góp phần vào thành tựu chung của đất nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Từ đánh giá, phân tích các kết quả đạt được, những tồn tại cần khắc phục, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, Thủ tướng đã có những chỉ đạo cụ thể về chín nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024-2025.
Một là, chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học mới, trường lớp học, trang thiết bị, sách giáo khoa, bảo đảm vệ sinh, an ninh, an toàn...; tổ chức tốt Lễ khai giảng ngày 5/9 sắp tới, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho năm học mới. Đặc biệt là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Hai là, tập trung tổ chức triển khai Kết luận 91 của Bộ Chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực. Yêu cầu Bộ GDĐT sớm xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận 91 của Bộ Chính trị, trình Chính phủ ban hành trong quý III/2024.
Ba là, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách về đổi mới GDĐT, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục. Bộ GDĐT tập trung xây dựng dự án Luật Nhà giáo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8; xây dựng Chiến lược phát triển GDĐT và các quy hoạch giáo dục, đào tạo.
Bốn là, tổng kết, đánh giá toàn diện việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trên cơ sở đó, Bộ GDĐT tiếp tục nghiên cứu phát triển, hoàn thiện Chương trình giáo dục phổ thông phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
Đại biểu dự hội nghị
Năm là, năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Yêu cầu Bộ GDĐT chủ trì, cùng các bộ, cơ quan, địa phương chuẩn bị thật kỹ để tổ chức Kỳ thi bảo đảm chất lượng, an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, thiết thực, gọn nhẹ, giảm áp lực, tạo thuận lợi nhất cho học sinh.
Sáu là, đẩy mạnh tự chủ gắn với nâng cao chất lượng đào tạo đại học theo hướng thực chất, đi vào chiều sâu, gắn với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch. Tập trung triển khai hiệu quả các Chương trình, đề án, dự án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là về vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Bảy là, tiếp tục tạo môi trường thuận lợi thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa khu vực công và khu vực tư; thúc đẩy hợp tác công tư; đẩy mạnh giáo dục đào tạo phi lợi nhuận bậc đại học. Đồng thời, tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường phù hợp đối với lĩnh vực giáo dục đào tạo do tình hình kinh tế - xã hội còn khó khăn, còn tác động của đại dịch Covid-19.
Tám là, xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với ngũ giáo viên phù hợp hài hòa với hoàn cảnh đất nước, với các ngành khác; thực hiện việc tuyển dụng, cơ cấu lại đôi ngũ giáo viên theo biên chế được giao, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên của các cơ sở giáo dục, bảo đảm nguyên tắc “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp” và phù hợp, hợp lý, hiệu quả với thực tiễn.
Chín là, tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục khuyết tật, giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm. Trong đó, đề nghị Bộ GDĐT, các bộ, ngành, địa phương lưu ý việc quy hoạch xây dựng, bảo đảm quỹ đất phù hợp để xây dựng trường, lớp học, đáp ứng nhu cầu học tập gắn với xu hướng đô thị hóa, dịch chuyển dân số.
Đại biểu dự hội nghị
Khẳng định, giáo dục và đào tạo cần phải được quan tâm đúng mức để tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững, Thủ tướng lưu ý, để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; cùng với sự lãnh đạo, quản lý, điều hành của Đảng, Nhà nước và ngành Giáo dục, cần sự quyết tâm, nỗ lực và hành động của mỗi thầy cô giáo, mỗi học sinh, mỗi phụ huynh, mỗi gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.
Nhấn mạnh phương châm: “Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm - chủ thể - Thầy cô giáo là động lực - Nhà trường làm bệ đỡ - Gia đình là điểm tựa - Xã hội là nền tảng”, Thủ tướng đề nghị Bộ GDĐT, các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tập trung triển khai thực hiện hiệu quả phương châm này; ưu tiên bố trí nguồn lực, nâng cấp cơ sở vật chất, bảo đảm vệ sinh, an ninh, an toàn trường học; đánh giá rõ kết quả hằng năm để rút kinh nghiệm và tiếp tục làm tốt hơn trong thời gian tới.
“Trước thềm năm học mới 2024-2025, tôi xin chúc toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, thầy giáo, cô giáo luôn phát huy tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết với nghề, khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, kiên trì mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, đưa dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc thông thái, như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong ước”, Thủ tướng chia sẻ.
Năm học mới đề cao kỷ cương, trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng
Phát biểu bế mạc hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trân trọng cảm ơn Thủ tướng đã ghi nhận, biểu dương 10 điểm quan trọng của ngành Giáo dục thời gian qua. Bộ trưởng cho biết, ngành Giáo dục sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo trọng tâm cần lưu ý trong năm học 2024-2025; đặc biệt, quán triệt phương châm chỉ đạo của Thủ tướng: “Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, làm chủ thể - Thầy cô giáo làm động lực - Nhà trường làm bệ đỡ - Gia đình làm điểm tựa - Xã hội làm nền tảng”.
“Ngành GDĐT sẽ tiếp thu đầy đủ và quán triệt triển khai ngay ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ bằng những kế hoạch, công tác cụ thể; quyết tâm, nỗ lực, hoàn thành nhiệm vụ được giao; đồng thời chắt lọc, tiếp thu các ý kiến phát biểu trong quá trình triển khai thời gian tới”, Bộ trưởng nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn tại hội nghị
Nhấn mạnh “năm học 2024-2025, cùng với cả nước, ngành Giáo dục tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ lớn được giao tại Nghị quyết, chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo”, Bộ trưởng khẳng định: Năm học mới với tinh thần đề cao kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng, toàn ngành Giáo dục sẽ ra sức phấn đấu để hoàn thành tốt hơn và hoàn thành tốt nhất các mục tiêu đề ra.
Trong đó, triển khai ngay nội dung Kết luận 91 của Bộ Chính trị tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29 của Trung ương; hoàn thành tổ chức triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tổ chức đánh giá toàn bộ quá trình thực hiện thời gian qua; triển khai chương trình giáo dục mầm non mới; tăng cường tự chủ đại học theo hướng ngày càng chất lượng, chiều sâu, thực tế, thực chất, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá - hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của đất nước; trong đó ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, kỹ thuật cao, bao gồm ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.
Bộ GDĐT sẽ tham mưu ngay và trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ để triển khai Kết luận số 91 của Bộ Chính trị tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trên cơ sở đó ban hành Kế hoạch hành động của ngành Giáo dục nhằm triển khai Chương trình hành động của Chính phủ một cách bài bản, khoa học, phù hợp tinh thần thực tiễn, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả. Trong tháng 8, Bộ GDĐT sẽ hoàn thành Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Bên cạnh đó xây dựng kế hoạch khắc phục những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, cố gắng vượt qua những thách thức, hướng tới một năm học có kết quả tốt hơn nữa.
Năm học 2023-2024 đã kết thúc tốt đẹp, năm học mới sắp bắt đầu, thay mặt toàn ngành Giáo dục - Đào tạo, Bộ trưởng bày tỏ biết ơn sâu sắc sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ; sự phối hợp và hỗ trợ của các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của lãnh đạo các tỉnh/thành phố cả nước; ghi nhận và cảm ơn nỗ lực vượt bậc của toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhân dân, Chính phủ giao phó.
“Trước thềm năm học mới với những nhiệm vụ trọng tâm mà Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo, tôi mong mỗi cán bộ quản lý, mỗi thầy giáo, cô giáo và nhân viên toàn ngành tiếp tục nỗ lực cố gắng, khắc phục khó khăn, phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành Giáo dục để đưa giáo dục Việt Nam tiếp tục đổi mới, phát triển”, Bộ trưởng gửi gắm.
Theo https://moet.gov.vn/