07/06/2024
TS. Nguyễn Văn Phát – Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Thanh Hoá; nguyên UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ phát biểu chủ trì Hội thảo
Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Đình Bưu, Nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa; ông Trần Duy Bình – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tư pháp, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông; đại diện lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp; đại diện lãnh đạo Trường ĐH Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Công thương; Trường CĐ Nông nghiệp Thanh Hóa; Trường CĐ Công nghiệp Thanh Hóa; Trường CĐ Nghề Nghi Sơn; Trường TC Kỹ nghệ Thanh Hóa; đại diện lãnh đạo VNPT Thanh Hóa. Đặc biệt, tham dự trực tuyến Hội thảo còn có PGS.TS. Nguyễn Văn Quy – Trưởng khoa Vật liệu điện tử và linh kiện, Trường Vật liệu – Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Về phía Trường Đại học Hồng Đức có PGS.TS. Nguyễn Mạnh An - nguyên Bí thư Đảng uỷ - nguyên trưởng Nhà trường; các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy; Ban Giám hiệu; Chủ tịch Công Đoàn trường; Bí thư Đoàn Thanh niên và các thành viên trong Tổ soạn thảo Đề án.
PGS. TS. Đậu Bá Thìn – Phó Hiệu trưởng Nhà trường trình bày tóm tắt Đề án “Đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”
Hội thảo là diễn đàn để các nhà quản lý, chuyên môn góp ý cho dự thảo Đề án “Đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” do Trường Đại học Hồng Đức được UBND Tỉnh giao nhiệm vụ xây dựng theo Kết luận số 2709-KL/TU ngày 05/4/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Đây là Đề án đặc biệt quan trọng nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng tỉnh Thanh Hóa trở thành trung tâm công nghệ cao, thu hút đầu tư và đóng góp vào sự phát triển chung của ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam, góp phần quan trọng để trở thành một trong bốn cực tăng trưởng ở phía Bắc.
Ông Nguyễn Đình Bưu, Nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại Hội thảo
Ông Trần Duy Bình - Giám đốc Sở KH&CN Thanh Hoá phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến góp ý thiết thực liên quan đến nội dung của đề án. Các ý kiến trao đổi, thảo luận đã tập trung vào các nội dung chính trong đề án như: thực trạng nguồn nhân lực trong nước nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói chung có khả năng đáp ứng ngành công nghệ bán dẫn; tính cấp thiết của đề án, mục tiêu của đề án cần được nêu cụ thể hơn, … Về nội dung của đề án nhiều đại biểu cho rằng đề án nên tập trung vào phân khúc cụ thể của ngành công nghiệp bán dẫn, cơ chế chính sách đặc thù để thu hút, đào tạo nguồn giảng viên, chuyên gia, cũng học sinh giỏi tham gia vào quá trình đào tạo. Bên cạnh đó đề án cần xác định rõ vai trò của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Tỉnh đóng góp vào quá trình phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn …
PGS. TS. Bùi Văn Dũng – Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu kết luận Hội thảo
Kết luận Hội thảo, PGS. TS. Bùi Văn Dũng – Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tham luận tại Hội thảo. Rất nhiều ý kiến tham luận có hàm lượng khoa học cao, góp phần làm rõ thêm những luận cứ về mặt lý luận và thực tiễn, đề ra mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp để đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn tại Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, PGS. TS. Bùi Văn Dũng nhấn mạnh: “Những ý kiến đóng góp này có ý nghĩa quan trọng, giúp cho Trường Đại học Hồng Đức tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng Đề án. Nhà trường sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý, tập trung mọi nguồn lực để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Đề án một cách tốt nhất để trình UBND tỉnh trong thời gian tới”./.
Đại biểu tham dự chụp ảnh tại Hội thảo
Trung tâm CNTT&TT