27/03/2024
PGS.TS. Hoàng Thị Mai – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo
Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Hoàng Thị Mai – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức; đại diện một số trường THPT, THCS trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá; đại diện lãnh đạo phòng QLKH,CN&HTQT; lãnh đạo, cán bộ giảng viên và đông đảo sinh viên khoa GDTC.
Hội thảo đã nhận được 20 bài tham luận của các cán bộ, giáo viên đang công tác tại các cơ sở giáo dục phổ thông và các cán bộ, giảng viên của Trường Đại học Hồng Đức. Các bài tham luận tập trung chủ yếu vào các vấn đề: Công tác tổ chức, quản lý các hoạt động câu lạc bộ thể dục thể thao; thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả câu lạc bộ TDTT trường học để phát triển thể chất cho học sinh, sinh viên; biện pháp, giải pháp, mô hình tổ chức hoạt động ngoại khoá các môn thể thao cho học sinh, sinh viên.
ThS. Nguyễn Trung Phương – Giáo viên Trường THPT chuyên Lam Sơn trình bày tham luận tại Hội thảo
Tại Hội thảo, ThS. Nguyễn Trung Phương – Giáo viên Trường THPT chuyên Lam Sơn chia sẻ tham luận “Thực trạng chất lượng hoạt động ngoại khoá môn cầu lông ở Trường THPT chuyên Lam Sơn Thanh Hoá”. Trên cơ sở đó, ThS. Nguyễn Trung Phương cho rằng: Để nâng cao chất lượng hoạt động ngoại khoá TDTT nói chung và môn cầu lông nói riêng, thì phải có sự chung tay hỗ trợ của các tổ chức chính trị trong hệ thống nhà trường nói chung và đặc thù chuyên môn nói riêng, thì các loại hình CLB ngoại khoá hoạt động mới đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, cần phải nắm được đặc điểm, hạn chế của học sinh để có những bài tập phù hợp và có kế hoạch huấn luyện cụ thể theo từng đối tượng học sinh.
TS. Trịnh Văn Bắc – Phó trưởng khoa GDTC, Trường Đại học Hồng Đức trình bày tham luận tại Hội thảo
Quan tâm đến “Giải pháp nâng cao hoạt động câu lạc bộ thể thao học đường của các trường trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Thanh Hoá”, TS. Trịnh Văn Bắc – Phó trưởng khoa GDTC, Trường Đại học Hồng Đức cho biết: Trong những năm qua, công tác giáo dục thể chất và các hoạt động TDTT trong nhà trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã được cải thiện rõ rệt, nhưng nhìn chung nội dung chương trình dạy còn nghèo nàn, chất lượng bài học còn thấp, đơn điệu, nhiều nơi chưa chú trọng cơ sở vật chất,…cho nên nhiều học sinh không hứng thú tham gia. Từ đó, TS. Trịnh Văn Bắc cho rằng, muốn nâng cao hoạt động câu lạc bộ TDTT học đường, bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục đến học sinh những lợi ích thực sự của việc luyện tập TDTT theo loại hình câu lạc bộ thể thao, thì phải nâng cấp sân bãi, đầu tư trang thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác thể thao thông qua kêu gọi xã hội hoá từ phụ huynh học sinh. Cùng với đó, là nâng cao trình độ chuyên môn của giáo viên GDTC; xây dựng loại hình câu lạc bộ thể thao học đường với hình thức có giáo viên hướng dẫn đúng với chuyên môn; đồng thời, phải tìm hiểu cụ thể nhu cầu, nguyện vọng nhằm tạo điều kiện tối đa để học sinh tập luyện thể thao.
Cô giáo Nguyễn Thị Phương - Trường THCS Bút Sơn, huyện Hoằng Hoá phát biểu ý kiến tại Hội thảo
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và làm rõ thực trạng công tác giáo dục thể chất cho học sinh phổ thông; các biện pháp tổ chức hoạt động thể dục thể thao ngoại khoá; xây dựng các mô hình liên kết TDTT giữa các trường học;….
Toàn cảnh Hội thảo
Đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Hội thảo thật sự đã trở thành một diễn đàn khoa học, mở ra nhiều hướng tiếp cận về lý luận cũng như thực tiễn đối với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức, quản lý các hoạt động câu lạc bộ TDTT trong các trường đại học, trường phổ thông và tiểu học; qua đó đưa ra được những biện pháp, giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng hoạt động câu lạc bộ TDTT và phát triển phong trào TDTT cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá; đáp ứng yêu cầu về thể chất để hội nhập và phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay./.
Trung tâm CNTT&TT