16/03/2023
Tham dự Hội thảo có GS. Nguyễn Hoàng Nghị - nguyên Giảng viên cao cấp, Đại học Bách Khoa Hà Nội; ThS. Lê Cao Cường – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thiết bị Ozone Bkist; ông Lê Hồng Thanh – Giám đốc công ty Cổ phần giống thủy sản Thanh Hóa; ông Hoàng Văn Tuân – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khảo nghiệm Dịch vụ vật nuôi – Viện Nông nghiệp Thanh Hóa; ông Trương Tiến Hải – Giám đốc Công ty Nghiên cứu giống đặc sản KingFood và các nhà khoa học thuộc Viện Vật lý Kỹ thuật – Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Về phía Trường Đại học Hồng Đức có PGS. TS. Lê Viết Báu – Chủ tịch Hội đồng trường; PGS. TS. Hoàng Thị Mai – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; đại diện lãnh đạo phòng QLKHCN&HTQT, Trung tâm NCUD và Chuyển giao KHCN; đại diện lãnh đạo khoa Khoa học Tự nhiên, khoa Kỹ thuật Công nghệ và khoa Nông Lâm Ngư nghiệp.
PGS.TS. Hoàng Thị Mai – Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Hoàng Thị Mai – Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho rằng: Ozone và công nghệ Ozone hiện nay đang được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu và đạt được nhiều hiệu quả, đặc biệt là trong việc loại bỏ các tác nhân gây bệnh ảnh hưởng đến thủy sản và hải sản. PGS.TS Hoàng Thị Mai cũng nhận định: Hội thảo sẽ là cơ hội tốt để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đưa ra các phương án khả thi để áp dụng trong việc bảo quản thực phẩm, nuôi trồng thủy sản; cung cấp kiến thức, thông tin cho các đơn vị, cá nhân hiểu rõ hơn về việc ứng dụng công nghệ Ozone, đồng thời trao đổi, thảo luận và đưa ra các giải pháp để giải quyết các vấn đề cụ thể bằng công nghệ Ozone.
ThS. Lê Cao Cường – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thiết bị Ozone Bkist phát biểu tại Hội thảo.
Tại Hội thảo, ThS. Lê Cao Cường – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thiết bị Ozone Bkist đã giới thiệu tóm tắt quá trình xây dựng và phát triển của Công ty Cổ Phần Thiết Bị Ozone Bkidt; về các sản phẩm được nghiên cứu và phát triển của Công ty; về máy tạo Ozone Bkidt thân thiện tới môi trường.
GS. Nguyễn Hoàng Nghị - nguyên Giảng viên cao cấp, Đại học Bách Khoa Hà Nội trình bày tham luận tại Hội thảo.
Cũng tại Hội thảo, GS. Nguyễn Hoàng Nghị - nguyên Giảng viên cao cấp, Đại học Bách Khoa Hà Nội trình bày tham luận với chủ đề: “Một số vấn đề trong công nghệ nuôi tôm nước lợ dưới góc nhìn phân tích và vai trò của ozone trong công nghệ này”. Theo đó, GS. Nguyễn Hoàng Nghị đã nhấn mạnh về việc ứng dụng công nghệ ozone để diệt khuẩn và xử lý nước trong nuôi trồng thủy, hải sản. Từ đó, GS. Nguyễn Hoàng Nghị đã đưa ra những ưu điểm vượt trội khi ứng dụng ozone trong nuôi trồng thủy sản với những hiệu quả ưu việt như: Làm tiêu hủy vi rút gây bệnh, phân hủy thức ăn thối rữa, giúp tôm, cá hấp thụ lượng thức ăn để phát triển, và gia tăng mật độ vật nuôi; giúp giảm thiểu lượng vi rút gây bệnh và cung cấp đủ lượng oxy cho tôm, cá sinh sống dưới đáy ao nuôi, không cần sử dụng hóa chất hay các chế phẩm khác và tăng sức đề kháng cho vật nuôi.
Đại biểu tham dự phát biểu tại Hội thảo.
Trong khuôn khổ của chương trình Hội thảo các đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận và chia sẻ những vướng mắc liên quan đến vấn đề sử dụng Ozone và công nghệ Ozone trong lĩnh vực nuôi trồng thủy, hải sản. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã đi sâu trao đổi, thảo luận về việc ứng dụng ozone trong xử lý nước thải, nước trong sinh hoạt, khử khuẩn không khí và bảo quản nông sản thực phẩm…. Đồng thời, đề xuất các giải pháp để giải quyết các vấn đề cụ thể bằng công nghệ ozone.
Hội thảo đã thật sự trở thành diễn đàn để các nhà khoa học, các cán bộ giảng viên trong và ngoài trường trao đổi, thảo luận, làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến Ozone và công nghệ Ozone. Đồng thời, Hội thảo cũng gợi mở ra nhiều giải pháp khả thi về việc ứng dụng công nghệ Ozone trong cuộc sống nói chung và ứng dụng Ozone trong xử lý nước, bảo quản nông sản thực phẩm và trong nuôi trồng thủy sản nói riêng./.
Đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.
Trung tâm CNTT&TT