26/09/2022
Quang cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo, về phía khách mời có các nhà khoa học đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu từ Cộng hòa Liên bang Đức: GS.TS. Wilhelm Steingrube - Nguyên Viện trưởng Viện Địa lý kinh tế - xã hội, Trường Đại học Greifswald; GS.TS. Donner - Trưởng khoa Kinh tế, GS.TS. Scott – Giám đốc chương trình MBA – Phó Trưởng khoa kinh tế, GS.TS. Gülbay – Peischart – Economic Law/Giáo sư Luật kinh tế, Trường đại học Khoa học ứng dụng Anhalt; ông Michael Rückert – Giám đốc Viện Giáo dục quốc tế DCG. Ông Tan Choo Kok (Anderson Tan) – Giám đốc Công ty XpRienz Singapore & XpRienz Việt Nam. GS. Cao Long Vân - Trường Đại học Zielona Gora, Ba Lan.
Đại diện các trường đại học, cao đẳng trong nước có TS. Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tân Trào; TS. Đỗ Tùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương; TS. Hồ Thị Nga - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh; PGS.TS Lê Hoằng Bá Huyền - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức; TS. Đồng Hương Lan, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học VHTT&DL Thanh Hóa. Đại diện các cơ quan, ban ngành, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và các tác giả có bài tham luận.
Về phía Trường Đại học Hồng Đức, có PGS.TS. Bùi Văn Dũng – Hiệu trưởng Nhà trường; các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám hiệu; các đồng chí lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, các đoàn thể cấp trường; cán bộ giảng viên và đông đảo các bạn sinh viên trong toàn Trường.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
PGS.TS. Bùi Văn Dũng – Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu Khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Bùi Văn Dũng – Hiệu trưởng Nhà trường nhiệt liệt chào đón các đoàn đại biểu đã đến dự Hội thảo rất có ý nghĩa này, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Trường Đại học Hồng Đức. PGS.TS. Bùi Văn Dũng mong rằng: Hội thảo sẽ là dịp để các nhà khoa học, các nhà quản lý, các quý vị đại biểu cùng trao đổi những kết quả nghiên cứu mới, thảo luận những vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế - xã hội địa phương giai đoạn hậu Covid – 19; đồng thời, thông qua hội thảo, tăng cường mối giao lưu hợp tác và hỗ trợ nghiên cứu; thúc đẩy hợp tác giữa Trường Đại học Hồng Đức với các trường Đại học, Viện nghiên cứu, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 50 báo cáo, tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, các cán bộ giảng viên đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, các cơ quan quản lý, tổ chức quốc tế trong và ngoài nước. Nhìn chung, các tham luận đều có hàm lượng khoa cao, có nhiều tính mới, tính sáng tạo và được các tác giả khai thác ở nhiều góc độ, khía cạnh khác nhau về các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội địa phương thời kỳ hậu Covid – 19; các vấn đề về văn hóa, xã hội thời kỳ hậu Covid – 19 (giáo dục, văn hóa, xã hội học…); phát triển các loại hình du lịch, xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương; các vấn đề liên kết vùng, khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh của địa phương; các vấn đề về thể chế kinh tế địa phương, đổi mới quản lý, chuyển đổi số; vai trò của các cơ sở giáo dục đại học trong sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương thời kỳ hậu Covid – 19.
Ông Tan Choo Kok (Anderson Tan) – Giám đốc Công ty XpRienz Singapore & XpRienz Việt Nam trình bày tham luận tại Hội thảo
Trình bày tham luận tại Hội thảo, ông Tan Choo Kok (Anderson Tan) – Giám đốc Công ty XpRienz Singapore & XpRienz Việt Nam đã trao đổi về vấn đề “Hệ sinh thái khởi nghiệp - Bài học kinh nghiệm cho các thị trường mới nổi”. Theo đó, ông Anderson Tan đã làm rõ “Tại sao hệ sinh thái khởi nghiệp lại quan trọng?”; cái nhìn sơ lược về hệ sinh thái khởi nghiệp ở Singapore và những bài học kinh nghiệm được rút ra từ hệ sinh thái khởi nghiệp này. Trên cơ sở đó, ông Anderson Tan đã đưa ra 7 sáng kiến StartupSG nhằm thúc đẩy các công ty khởi nghiệp khi họ bắt tay vào hành trình khởi nghiệp.
GS.TS. Scott – Giám đốc chương trình MBA – Phó Trưởng khoa Kinh tế, Trường Khoa học ứng dụng Anhalt trình bày tham luận tại Hội thảo
GS.TS. Scott – Giám đốc chương trình MBA – Phó Trưởng khoa Kinh tế đến từ Trường Khoa học ứng dụng Anhalt lại quan tâm và chia sẻ về “Vai trò của trường đại học đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương trong thời kỳ hậu Covid-19: Ví dụ từ Đại học Khoa học Ứng dụng Anhalt”. Bằng những dẫn chứng cụ thể về khó khăn, thách thức trong hợp tác giữa các địa phương với Đại học Khoa học Ứng dụng Anhalt. GS.TS. Scott đã đưa ra giải pháp khả thi cho các thách thức và chỉ rõ vai trò cũng như những triển vọng của trường đại học trong việc liên kết, hợp tác để phát triển kinh tế - xã hội địa phương thời kỳ hậu Covid – 19.
GS.TS. Wilhelm Steingrube - Trường Đại học Greifswald trình bày tham luận tại Hội thảo
GS.TS. Wilhelm Steingrube đến từ Trường Đại học Greifswald đã “Phân tích mức độ hài lòng và mối quan hệ giữa người dân các Khu bảo tồn - Kinh nghiệm từ Dự án xuyên biên giới Ba Lan - Đức trong thời gian Covid-19”. GS.TS. Wilhelm Steingrube chia sẻ các thông tin về dự án “Hợp tác xuyên biên giới giữa các trường đại học và các khu bào tồn quy mô lớn” thực hiện từ năm 2018 đến năm 2022, được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu từ quỹ Phát triển vùng miền Châu Âu cùng với sự hợp tác của 4 trường đại học và 9 khu bảo tồn với tư cách là các đối tác liên kết. Qua đó, GS.TS. Wilhelm Steingrube đã phân tích sự hài lòng, mối quan hệ giữa công viên và con người ở các khu bảo tồn; đồng thời, rút ra các bài học kinh nghiệm qua quá trình thực hiện dự án này.
PGS.TS. Lê Văn Trưởng - Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức trình bày tham luận tại Hội thảo.
TS. Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tân Trào phát biểu ý kiến tại Hội thảo.
TS. Đỗ Tùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương phát biểu ý kiến tại Hội thảo.
TS. Hồ Thị Nga - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh phát biểu ý kiến tại Hội thảo
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận, về tác động của chất lượng thể chế địa phương đến khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; đề xuất một số cơ chế, chính sách phát triển liên vùng trong việc thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển các ngành kinh tế ở Bắc Trung Bộ, Tây Bắc và đồng bằng Sông Hồng;….Ngoài ra, các đại biểu tham dự còn trao đổi, thảo luận về vấn đề tuyển sinh và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sinh viên của các trường đại học sau đại dịch Covid – 19.
Phát biểu kết luận tại Hội Thảo, PGS.TS. Bùi Văn Dũng khẳng định: Hội thảo “Phát triển kinh tế - xã hội địa phương thời kỳ hậu Covid – 19” đã thật sự trở thành diễn đàn khoa học để các vị khách quý, các nhà khoa học, nhà quản lý và các thầy cô giáo trong nước và quốc tế trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn, những bài học bổ ích và đưa ra được các giải pháp thiết thực nhằm phát triển kinh tế - xã hội địa phương thời kỳ hậu COVID-19 và vai trò của các cơ sở giáo dục đại học trong sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương thời kỳ hậu COVID-19. Kết quả bước đầu của hội thảo đã được ghi nhận mang tính cơ sở lý luận và thực tiễn; đồng thời đưa ra được những kết luận, kiến nghị có giá trị đối với Trường Đại học Hồng Đức và đơn vị, doanh nghiệp, địa phương trong thời gian tới.
Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Trước đó, bên lề Hội thảo, các nhà khoa học, các GS.TS đến từ Trường Đại học Greifswald, Trường Khoa học ứng dụng Anhalt & Viện giáo dục quốc tế DCG, CHLB Đức; Đại học Zielona Gora, Ba Lan và các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế đã có buổi làm việc với lãnh đạo Nhà trường xoay quanh các vấn đề mà các bên quan tâm và có thể hợp tác trong thời gian tới như: Liên kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thuộc lĩnh vực nhà hàng, khách sạn; đào tạo về khởi nghiệp sáng tạo cho sinh viên; tham gia tư vấn, hỗ trợ Nhà trường trong việc thành lập “Trung tâm Đổi mới sáng tạo khởi nghiệp tỉnh Thanh Hóa” với vai trò cố vấn; liên kết, hợp tác đào tạo, trao đổi giảng viên, sinh viên và trong nghiên cứu khoa học.
PGS.TS. Bùi Văn Dũng – Hiệu trưởng Nhà trường làm việc với ông Tan Choo Kok (Anderson Tan) – Giám đốc Công ty XpRienz Singapore & XpRienz Việt Nam.
PGS.TS. Hoàng Thị Mai - Phó Hiệu trưởng Nhà trường và các GS.TS đến từ Trường Đại học Khoa học ứng dụng Anhalt và Viện Giáo dục quốc tế DCG, CHLB Đức chụp ảnh lưu niệm tại buổi làm việc.
PGS.TS. Bùi Văn Dũng – Hiệu trưởng Nhà trường và GS. Cao Long Vân - Trường Đại học Zielona Gora, Ba Lan chụp ảnh lưu niệm tại buổi làm việc.
BBT website