12/09/2022
Khoa Nông - Lâm - Ngư nghiệp, Trường Đại học Hồng Đức ra đời cùng với việc thành lập Trường theo Quyết định số 797/TTg ngày 24/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là 1 trong 3 khoa đầu tiên của Trường được tuyển sinh đào tạo bậc đại học. Đến năm 2007 và năm 2014, Khoa tiếp tục lần lượt được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, đây là những bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển. Khoa Nông - Lâm - Ngư nghiệp là 1 trong 2 khoa của Trường có đầy đủ các bậc đào tạo từ trình độ đại học đến trình độ tiến sĩ.
Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, đến nay, Khoa Nông - Lâm - Ngư nghiệp, Trường Đại học Hồng Đức đã đào tạo được 01 tiến sĩ, 240 thạc sĩ, hơn 1800 kỹ sư hệ chính quy và hơn 3.500 kỹ sư/cử nhân hệ vừa làm vừa học. Đội ngũ cán bộ giảng viên có 45 người (gồm 01 Phó Giáo sư, 16 tiến sĩ, 25 Thạc sĩ và 3 cử nhân). Hiện nay, Khoa Nông - Lâm - Ngư nghiệp đang quản lý và tổ chức đào tạo 01 chuyên ngành tiến sĩ (Khoa học cây trồng), 01 chuyên ngành thạc sĩ (Khoa học cây trồng) và 04 ngành đại học (Nông học, Chăn nuôi, Quản lý đất đai, Lâm nghiệp), hình thức đào tạo gồm chính quy, liên thông, văn bằng 2, vừa làm vừa học.
Ngay từ khi còn là sinh viên khoa Nông – Lâm – Ngư nghiệp, trường Đại học Hồng Đức, chị Lê Thị Vân đã ấp ủ niềm đam mê với nông nghiệp công nghệ cao. Sau khi ra trường, chị xin vào làm việc cho Tập đoàn Netafim- Israel tại Việt Nam, cũng chuyên về lĩnh vực này. Với những kiến thức được học và kinh nghiệm khi đi làm, năm 2017 chị quyết định khởi nghiệp bằng việc xây dựng trang trại sản xuất dưa công nghệ cao hơn 5000 m2 tại quê hương mình.
Sau 2 năm sản xuất thành công, năm 2019, chị Vân thành lập Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Nông nghiệp Công nghệ cao Rich Farm chuyên về xây dựng mô hình chuyển giao kỹ thuật, cung cấp thiết bị nông nghiệp công nghệ, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, hiện công ty chị đang liên kết sản xuất rau, quả công nghệ cao với gần 100 hộ dân trong tỉnh. Nhờ đi đúng hướng, các sản phẩm rau, quả công nghệ cao của công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Nông nghiệp Công nghệ cao Rich Farm tạo được uy tín cho khách hàng, thị trường tiêu thụ mở rộng ra nhiều tỉnh thành trong cả nước, mang lại doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Đây cũng là hướng đi bền vững, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, góp phần tích cực làm thay đổi tư duy sản xuất của nông dân.
Cũng tên là Lê Thị Vân và cũng là cựu sinh viên của Khoa Nông - Lâm - Ngư nghiệp trường Đại học Hồng Đức, người phụ nữ này là Bác sĩ của Bệnh viện PETHALTH Thanh Hóa (là bệnh viện thú y). Khi còn đi học, chị được các thầy cô truyền tải không chỉ kiến thức chuyên ngành mà còn cả tình yêu với nghề. Bởi vậy khi ra trường, dù gặp rất nhiều khó khăn, bác sỹ Vân vẫn vững tin với nghề đã chọn. Là bác sĩ điều trị chính của bệnh viện PETHALTH Thanh Hóa, chị Vân đã cứu sống nhiều ca khó cho các bệnh nhân thú cưng. Bệnh viện PETHALTH Thanh Hóa cũng hợp tác với khoa Nông - Lâm - Ngư nghiệp trường Đại học Hồng Đức giúp đỡ sinh viên thực tập, bác sỹ Vân trực tiếp chỉ dạy cho nhiều bạn sinh viên trau dồi kỹ năng nghề nghiệp.
Một cựu sinh viên khác trưởng thành từ Khoa Nông - Lâm - Ngư nghiệp trường Đại học Hồng Đức là anh Trần Văn Tân, Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới. Khi còn là sinh viên, anh luôn tìm tòi, đặt mục tiêu làm ra các sản phẩm nông nghiệp gần gũi với đời sống, có thể làm giàu cho quê hương. Giờ đây, ước mơ đã thành sự thật, khi anh đưa cây rau má trở thành thương phẩm tại Khu nông nghiệp công nghệ cao Queen Farm. Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, anh còn giúp đỡ được nhiều hộ nông dân khi triển khai mô hình liên doanh liên kết thâm canh rau má nguyên liệu với diện tích 80 ha ở các huyện Quảng Xương, Nông Cống, Triệu Sơn, Như Thanh...
Trong những năm qua, Khoa Nông - Lâm - Ngư nghiệp không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo đối với các ngành, chuyên ngành hiện đang là thế mạnh của Khoa; khảo sát nhu cầu thị trường lao động, từ đó chuyển đổi cơ cấu ngành nghề đào tạo theo hướng mở các mã ngành mới, các hình thức đào tạo linh hoạt; đồng thời, thường xuyên hợp tác với Viện Nông nghiệp Thanh Hóa tổ chức các buổi hội thảo chuyên ngành. Hội thảo là cầu nối để các nhà khoa học, nhà quản lý trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trao đổi, chia sẻ chiến lược và kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp bền vững; đưa ra những khuyến nghị để Trường Đại học Hồng Đức và Viện Nông nghiệp Thanh Hóa có những điều chỉnh phù hợp trong đào tạo nguồn nhân lực và phát triển các hướng nghiên cứu phù hợp với điều kiện thực tế.
Mới đây, Khoa Nông - Lâm - Ngư nghiệp đã phối hợp với Viện Nông nghiệp Thanh Hóa tổ chức hội thảo "Ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp bền vững". Tại hội nghị, các đại biểu đã tham luận 4 nhóm vấn đề, gồm: Ứng dụng công nghệ vi sinh trong xử lý môi trường, quản lý dinh dưỡng, quản lý dịch bệnh, chế biến sâu nông sản… theo hướng sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường; Ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa, điện toán đám mây, từ trường, trí tuệ nhận tạo... trong đánh giá đất và quy hoạch vùng sản xuất, quản lý sản xuất nông nghiệp; Nghiên cứu quản lý, bảo tồn các giống cây trồng, vật nuôi bản địa; Đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn…
Khoa Nông - Lâm - Ngư nghiệp có cơ sở thực hành diện tích 3 ha, ngay trong khuôn viên nhà trường, bao gồm hệ thống nhà màng, nhà lưới, vườn ươm cây giống, ao nuôi trồng thủy sản… đáp ứng yêu cầu đào tạo tốt nhất trong các lĩnh vực: công nghệ sinh học, sinh lý, sinh hóa cây trồng, vật nuôi; phân tích các chỉ tiêu chất lượng đất, nước, phân bón, nông sản, thực phẩm. Bên cạnh đó, khoa còn tích cực phối hợp với các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm bồi dưỡng kiến thức thực tiễn cho sinh viên.
Trong thời gian tới, Khoa Nông - Lâm - Ngư nghiệp, trường Đại học Hồng Đức sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng gắn với sử dụng, thích ứng với sự thay đổi của thị trường lao động; phát triển khoa học và công nghệ, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đóng góp nguồn lực để tỉnh Thanh Hóa sớm trở thành cực tăng trưởng mới theo tinh thần Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị.
Theo https://truyenhinhthanhhoa.vn/