14/04/2021
Bài 1. BÔNG HỒNG THÉP GIỮA CUỘC SỐNG ĐỜI THƯỜNG
Tác giả: Lê Thị Hiền, Giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học
Nhà chính trị gia Benjaninpranklin đã từng nói: “Nghị lực và bền bỉ có thể chinh phục mọi thứ”, và tôi xin phép được mượn lời Ông để bắt đầu câu chuyện về một nữ lãnh đạo, người tôi vô cùng cảm phục. Đó là TS. Lê Thị Thu Bình - Phó Khoa Giáo dục Tiểu học - người đã truyền cảm hứng về nghị lực và nhiệt huyết cho thế hệ trẻ chúng tôi trong công việc và cuộc sống!
Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống hiếu học ở xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), từ nhỏ cô Lê Thị Thu Bình đã nuôi dưỡng ước mơ làm cô giáo, được đứng trên bục giảng truyền thụ kiến thức cho thế hệ tương lai. Với tư chất thông minh được bộc lộ từ nhỏ, cô theo học các trường chuyên của huyện, của tỉnh. Năm 1991, cô đậu Khoa Sư phạm Ngữ Văn của Trường Đại học Vinh. Tốt nghiệp Đại học, cô về công tác tại khoa Cao đẳng Tiểu học của trường Cao Đẳng Sư phạm Thanh Hóa (tiền thân của Khoa Giáo dục Tiểu học - trường Đại học Hồng Đức hiện nay). Sau thời gian công tác, để nâng cao trình độ chuyên môn của bản thân, đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển đội ngũ của Khoa và Nhà trường, cô tiếp tục theo học cao học, rồi nghiên cứu sinh. Năm 2007, cô bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ và là một trong những Tiến sĩ trẻ nhất của trường Đại học Hồng Đức thời bấy giờ. Với những nỗ lực không ngừng trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, trong công tác giảng dạy và các hoạt động phong trào, cô được bổ nhiệm làm Trưởng Bộ môn Ngữ văn, rồi Phó Khoa Sư phạm Tiểu học (sau này đổi tên thành Khoa Giáo dục Tiểu học). Ở cương vị nào, cô cũng luôn thể hiện được vai trò của mình, không ngừng phấn đấu, rèn luyện để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Nhưng cuộc sống vốn dĩ không bằng phẳng và bình yên như chúng ta thường nghĩ. Cuộc sống của cô rơi vào bế tắc khi cô bị lâm trọng bệnh. Có lẽ năm 2014 là năm đáng nhớ nhất trong cuộc đời của cô khi cô phải đứng trước ranh giới giữa sự sống và cái chết. Cô bị mắc bệnh Lupus ban đỏ - một căn bệnh tự miễn mạn tính, không rõ nguyên nhân, gây tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể. Bệnh tình nặng khiến cô phải nằm viện gần năm trời, nhiều lúc tưởng như không qua khỏi. Những dự định với nghề giáo, nhiệt huyết với sinh viên tưởng chừng dang dở khi cuộc sống hằng ngày của cô gắn liền với bốn bức tường nơi bệnh viện. Lúc đó, cô tưởng mình gục ngã và tuyệt vọng, nhưng với nghị lực phi thường, với tình yêu thương và sự chăm sóc của gia đình, sự động viên khích lệ của bạn bè, đồng nghiệp; sau thời gian, cô đã chiến thắng bệnh tật, trở về giảng đường Đại học, tiếp tục đứng trên bục giảng, viết tiếp ước mơ cho các thế hệ sinh viên.
Đi qua những thăng trầm, biến cố; cô trở về cuộc sống đời thường và công việc với một tâm thế khác. Yêu đời hơn, yêu công việc hơn, sống bản lĩnh và trách nhiệm hơn… Mặc dù sức khỏe còn yếu, mặc dù đơn vị còn gặp nhiều khó khăn, nhưng cô đã cùng Ban chủ nhiệm Khoa dám nghĩ, dám làm; chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể để phát triển đơn vị, vận dụng nhiều phương pháp mới để nâng cao chất lượng giáo dục và đổi mới quản lý, tổ chức nhiều phong trào thi đua, rèn luyện trong tập thể cán bộ giảng viên. Bản thân cô luôn là người gương mẫu, nghiêm túc trong công tác chuyên môn, không ngừng học hỏi để làm phong phú thêm nội dung bài giảng sau mỗi giờ lên lớp.
Với sự quản lý sáng tạo, năng động của cô và Ban Chủ nhiệm Khoa, khoa Giáo dục Tiểu học đã vượt qua những tháng ngày khó khăn nhất. Hiện nay, khoa Giáo dục Tiểu học là một trong những khoa mạnh của nhà trường với gần hai ngàn sinh viên, học viên theo học. Vị thế của khoa được khẳng định bởi chất lượng đào tạo được nâng cao, sinh viên tốt nghiệp ra trường hầu hết đều có việc làm và nhanh chóng khẳng định được năng lực chuyên môn tại nhiều vị trí công tác. Đó là niềm vui, niềm tự hào và là động lực để cô cùng Ban chủ nhiệm, cán bộ giảng viên trong Khoa tiếp tục cống hiến.
Không chỉ là người trách nhiệm và nghiêm túc trong công việc; trong cuộc sống đời thường, cô còn là người lãnh đạo có lối sống mẫu mực, giản dị, có mối quan hệ thân thiện, hòa nhã, luôn biết chia sẻ, thấu hiểu và quan tâm tới mọi người xung quanh. Cô luôn dành cho thế hệ trẻ trong đơn vị những lời động viên, khích lệ, những lời góp ý chân thành. Trong gia đình, cô là một người con hiếu thảo, là người phụ nữ đảm đang, chu toàn mọi công việc, các con của cô đều chăm ngoan, học giỏi, cô có cuộc sống hạnh phúc bình dị cùng gia đình và được mọi người yêu quý, kính trọng.
Có thể khẳng định rằng, cô là một nữ lãnh đạo, một giảng viên năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm và đầy bản lĩnh. Gần 30 năm công tác, với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng, nhiều năm liền cô đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, Công dân gương mẫu; được Nhà trường tặng giấy khen cho cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đơn vị Khoa Giáo dục Tiểu học liên tục đạt danh hiệu thi đua Tập thể Lao động xuất sắc... Câu chuyện về nghị lực, bản lĩnh và sự cống hiến hết mình của nữ lãnh đạo Lê Thị Thu Bình đã trở thành nguồn cảm hứng đối với thế hệ trẻ chúng tôi. Peter Marshall đã từng nói rằng “Thước đo của cuộc đời không phải thời gian, mà là sự cống hiến”. Cô xứng đáng là tấm gương đầy nghị lực, một nữ lãnh đạo gương mẫu, điển hình của khoa Giáo dục Tiểu học nói riêng và trường Đại học Hồng Đức nói chung - một bông hồng thép giữa cuộc sống đời thường!
Tác giả: Trần Thị Thanh – Giảng viên Khoa Giáo dục Mầm non
Tôi mê văn Nguyễn Khải lắm! Văn của ông có cái gì đó mộc mạc nhưng sâu sắc, triết lí. Tôi vẫn nhớ một câu trong tác phẩm “Mùa lạc” nổi tiếng của ông: “Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hi sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy…”. Quả vậy, cuộc sống không phải lúc nào cũng bình yên, dễ dàng như ta nghĩ, nó luôn mang đến cho ta những chông gai, thử thách; chỉ những người thật sự có sức mạnh mới vượt qua được những ranh giới tưởng chừng rất mong manh trong cuộc sống đời thường. Thiết nghĩ, câu nói ấy phản ánh đúng về một con người mà tôi vô cùng yêu quý và ngưỡng mộ. Chị là Lê Thị Kim Tuyên, sinh năm 1971, hiện đang là giảng viên Bộ môn Mĩ thuật, khoa Giáo dục Mầm non, trường ĐH Hồng Đức.
Tôi biết chị từ những năm cuối của thời kì chuyển tiếp từ trường CĐSP Thanh Hóa thành trường ĐH Hồng Đức bây giờ. Ngày ấy, mỗi lần nhìn thấy chị đến trường trên chiếc xe đạp màu xanh cũ trong khi cán bộ giáo viên đa số đi xe máy; mỗi lần nhìn thấy vóc dáng nhỏ bé ấy, đầu đội chiếc nón lá, như đang chống chọi với tiết trời nóng nực của mùa hè hay cái giá rét của mùa đông, mà khuôn mặt khắc khổ vẫn ánh lên nét cười như muốn che giấu đi mọi nỗi cơ cực đời thường, luôn khiến tôi phải chạnh lòng. Từ trong thâm tâm, tôi không khỏi thôi đau đáu nghĩ về chị. Tôi luôn tự hỏi động lực nào khiến chị có được sự tự tin và nghị lực đến vậy? Từ sự tò mò ấy, tôi bắt đầu quen chị và dần trở nên thân thiết. Cho đến khi biết được hoàn cảnh của chị, tôi mới thật sự ngỡ ngàng và thầm cảm phục chị.
Trong thời kì hội nhập, xã hội đòi hỏi bằng cấp và sự năng động, sáng tạo của thế hệ trẻ. Nhiều cán bộ, giảng viên lần lượt được cử hoặc xin đi học để đáp ứng nhu cầu xã hội. Người cùng thời với chị, lớp đàn em nhỏ hơn chị lần lượt lấy được những tấm bằng cao hơn chị. Có lẽ, trong mắt nhiều người, chị có phần kém cỏi vì thiếu sự tiến thủ, không chịu hội nhập. Phải chăng chị hài lòng với bản thân? Phải chăng chị không nhận thức được việc học tập cũng là một nhiệm vụ cần thiết của người giảng viên ở một môi trường giáo dục đại học? Không đâu! Tôi hiểu rõ, cũng như bao cán bộ, giảng viên khác, chị cũng nuôi dưỡng mơ ước được học tập nâng cao bằng cấp, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Chị cũng mơ ước được như nhiều người khác, cũng có khát vọng vươn lên, nhưng vì hoàn cảnh gia đình, vì gánh nặng kinh tế, vì sức khỏe, chị không thể thực hiện mơ ước của mình. Tôi từng chứng kiến sự quyết tâm và khát vọng vươn lên thể hiện trong đôi mắt chị mỗi khi có những cuộc họp liên quan đến yêu cầu của nhà trường về bằng cấp. Chị từng tâm sự với tôi rằng, ước gì chị có sức khỏe để có thể làm bất cứ việc gì, để có thêm thu nhập, để thực hiện việc học tập của chị. Tôi thương chị lắm, muốn giúp đỡ chị thực hiện mơ ước, nhưng lực bất tòng tâm, chỉ biết động viên chị cố gắng mỗi ngày.
Thời gian cứ thế trôi đi, chị vẫn miệt mài làm việc. Để kiếm thêm chút thu nhập ít ỏi dành cho việc thực hiện mơ ước của mình, chị đã làm đủ mọi việc ngoài giờ lên lớp, dù cho sức khỏe của chị có bị bào mòn thế nào đi chăng nữa. Tôi luôn dõi theo chị để rồi nhận ra rằng chị chính là tấm gương điển hình của người phụ nữ tần tảo, luôn vươn lên trong mọi hoàn cảnh. Mặc dù, gánh nặng kinh tế luôn đeo bám chị, nhưng ở chị luôn toát lên tác phong mẫu mực của một nhà giáo mỗi khi đứng trên bục giảng, mỗi khi đứng trước học trò. Với công việc, chị luôn thể hiện niềm đam mê, tinh thần trách nhiệm và sự sáng tạo. Với học trò, chị luôn tận tình, tâm huyết, luôn dành tình cảm tốt đẹp của mình cho các em.
Với thế hệ trẻ, chị luôn thể hiện cho chúng tôi thấy tinh thần nhiệt huyết, năng động của tuổi trẻ. Sự say mê cống hiến hết mình của chị qua các phong trào tập thể, các phong trào thi đua “Dạy tốt học tốt”, các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao luôn là động lực cho lớp trẻ chúng tôi.
Chị luôn đối xử chân thành với tất cả mọi người, vì vậy mà không chỉ cán bộ, giáo viên khoa tôi, các thế hệ học trò của chị yêu quí chị, mà bất kì ai khi đã biết về chị đều yêu quí và ngưỡng mộ chị.
Tuổi trẻ của chị cứ thế trôi đi mà chẳng có phút giây nào cho riêng mình, cho đến bây giờ đã ở cái tuổi “toan về già” chị mới chính thức thực hiện được ước mơ của mình - đó là việc tham gia lớp học Thạc sĩ ngành Mĩ thuật. Nhìn chị vất vả đi - về để thực hiện nhiệm vụ vừa học, vừa giảng dạy trong niềm hạnh phúc mà tôi thấy mừng cho chị. Thế hệ trẻ sau này sẽ mãi nhìn thấy chị là một tấm gương vượt khó vươn lên trong cuộc sống, trong công việc bằng chính nỗ lực của bản thân để thực hiện khát vọng của mình. Tôi mong chị có thật nhiều sức khỏe, bình an, luôn vượt qua ranh giới bản thân để thực hiện mơ ước của mình, chị nhé!
Bài 3. TIẾN SỸ NGÔ VIỆT HƯƠNG - NGƯỜI THẦY MÀ TÔI TRÂN TRỌNG!
Tác giả: Thiều Việt Hà – Khoa Kinh tế- Quản trị kinh doanh
Người Thầy - mỗi năm chúng ta chỉ có một ngày để tôn vinh nhưng lại có rất nhiều ngày trong lòng học trò của mình! Có ai qua sông mà không phải nhờ đò? Tôi may mắn khi nhận được sự dìu dắt, nâng đỡ của rất nhiều người thầy, người cô. Nhưng tôi luôn dành một tình cảm đặc biệt tới Tiến sỹ Ngô Việt Hương - Người thầy, người đồng nghiệp mà tôi trân trọng!
Những ngày còn trên giảng đường, cô đã để lại ấn tượng trong tôi với dáng người nhỏ bé, nhanh nhẹn, giọng nói nhẹ nhàng, mái tóc ngắn gọn gàng, giản dị. Cô là giáo viên chủ nhiệm sau này là cố vấn học tập của lớp tôi. Mỗi khi có vấn đề hay khúc mắc nào chưa hiểu, chúng tôi đều nhờ cô giải đáp, tư vấn. Cô luôn nhiệt tình giúp đỡ. Sau khi tốt nghiệp, tôi vẫn thường giữ liên lạc với cô. Và may mắn cho tôi khi tôi được quay trở lại trường với vai trò mới: tôi đã trở thành đồng nghiệp của cô!
Tôi được nhận công tác tại bộ môn Tài chính – Ngân hàng, khoa Kinh tế - quản trị kinh doanhNhững ngày đầu đi làm là một sự thay đổi lớn lao đối với tôi: bỡ ngỡ, lạ lẫm. Cô gái còn hồn nhiên vô âu vô lo nay đã phải làm quen với những trang giáo án đầy số liệu khô khan, với môi trường làm việc nghiêm túc. Đã có những khi tôi cảm thấy mệt mỏi và bất lực với chính mình. Cô tận tình hướng dẫn tôi từ cách soạn bài, cách giảng, cách xử lý các nghiệp vụ sư phạm. Cô luôn động viên, khích lệ khiến tôi tự tin hơn nhưng cũng thẳng thắn phê bình khi tôi mắc lỗi. Trên cương vị Trưởng bộ môn, cô công tâm trong công việc, nhiệt tình với đồng nghiệp. Cô đặc biệt sát sao tới các cán bộ trẻ như chúng tôi. Không chỉ về chuyên môn nghiệp vụ mà còn là tác phong làm việc, giao tiếp hàng ngày chuẩn mực. Bởi cô quan niệm: Người thầy, không chỉ mẫu mực trên bục giảng!
Bên cạnh chuyên môn nghiệp vụ, với tôi, cô còn là một người bạn hơn tuổi. Nếu công sở thiếu đi những người đồng nghiệp, người bạn gần gũi sẻ chia, thấu hiểu thì đó sẽ chỉ là nơi sáng đi làm, hoàn thành công việc cho đủ định mức rồi trở về nhà. Có những khi cô trò tâm sự, cô cho tôi những lời khuyên trong cuộc sống, về tình yêu, về các mối quan hệ xã hội. Tôi chẳng ngại ngần chia sẻ cùng cô những câu chuyện của mình. Càng hiểu hơn về cô, tôi càng thấy cảm phục và thương cô nhiều hơn. Đằng sau dáng vẻ nhỏ bé có phần yếu đuối ấy, là sự mãnh mẽ đến gai góc của người phụ nữ độc lập. Chồng công tác xa nhà, một mình cô nuôi dạy các con, gánh vác việc gia đình, hoàn thành nghiên cứu sinh và là một trong những Tiến sĩ đầu tiên của khoa Kinh tế - Quản trị Kinh doanh. Vất vả nhưng trông cô lúc nào cũng lạc quan, nụ cười thường trực trên môi. Tôi tin, dù cuộc đời có sắp đặt bao nhiêu thử thách thì quả ngọt cũng sẽ đến vì cô xứng đáng nhận được điều đó!
Là người làm trong công tác giáo dục, hơn ai hết chúng ta hiểu rõ quy luật tình cảm vừa đơn giản vừa nghiệt ngã của con người
“ Có đem tặng cả cuộc đời
Mới mong nhận được của người trái tim”
Bởi vậy con đò đưa học trò qua sông dâu chỉ là con đò tri thức, mà đó còn là con đò đức hạnh, nghĩa tình!
Cô bảo tôi, nay đã là đồng nghiệp rồi, hãy gọi cô là “Chị” thôi!
- Không, hãy cứ để em gọi cô là ‘’Cô”. Vì cô là “ Cô giáo” của em.
Sinh viên chúc mừng cô Ngô Việt Hương nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20 – 11