20/12/2023
Hội đồng nghiệm thu cấp tỉnh được thành lập gồm 9 thành viên gồm các nhà khoa học và quản lý đến từ Sở Y tế Thanh Hóa, Sở KH&CN Thanh Hóa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, Bệnh viện y dược học cổ truyền tỉnh Thanh Hóa, Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa, Trung tâm Kiểm nghiệm Thanh Hóa, Công ty CP Dược, Vật tư Y tế Thanh Hóa và Trường CĐ Y tế Thanh Hóa. TS.BS. Lê Văn Cường – Phó giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa làm Chủ tịch Hội đồng, bà Vũ Thị Ngọc Anh – Chuyên viên Phòng QLKH - Sở KH&CN làm Thư ký hành chính.
Sản phẩm "Viên nang Sâm báo" của đề tài
Đề tài hướng tới mục tiêu xây dựng thành công quy trình công nghệ sản xuất một số dạng bào chế thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ cây sâm báo đang được trồng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, cụ thể như: Xác định được thành phần hoạt chất có trong cây sâm báo đang được trồng tại Thanh Hóa tại các thời điểm trồng 6 tháng, 12 tháng và 24 tháng; xây dựng được quy trình chiết cao sâm báo bảo tồn các hoạt chất làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất các dạng thực phẩm bảo vệ sức khỏe con người; xây dựng được quy trình sản xuất một số dạng bào chế thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ cây sâm báo theo hướng hỗ trợ điều trị loét dạ dày.
Hội đồng đã nghe chủ nhiệm đề tài báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu trong quá trình thực hiện đề tài và cùng nhận xét, trao đổi, góp ý cho đề tài. Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá cao sự nghiêm túc, công phu của tác giả thể hiện trong quá trình làm việc. Đây là đề tài có giá trị khoa học và thực tiễn cao, có tính hệ thống, nghiên cứu chuyên sâu, toàn diện về việc tách chiết các hợp chất trong Sâm báo (Abelmoschus sagittifolius (Kurz) Merr.) đang được trồng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đề tài đã định danh được loài Sâm báo (Abelmoschus sagittifolius (Kurz) Merr.) đang được trồng tại xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa; phân lập được 6 hợp chất từ củ rễ Sâm báo 6 tháng tuổi; 15 hợp chất từ củ rễ cây Sâm báo 12 tháng tuổi; 01 hợp chất trong Sâm báo 24 tháng tuổi và 8 hợp chất từ lá của cây Sâm báo 12 tháng tuổi. Tổng cộng các hợp chất thu được là 30 chất ở Sâm báo các độ tuổi. Tuy nhiên trong đó có 8 chất trùng nhau, do đó số chất thu được 22 chất khác nhau. Xây dựng thành công quy trình chiết xuất cao giàu polysacharide và xây dựng được phương pháp định lượng polysacharide tổng số, trong đó hàm lượng polysacharide > 30%. Quy trình này có thể áp dụng ở quy mô công nghiệp để sản xuất cao giàu polysacharide sử dụng làm sản phẩm trung gian để điều chế các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Đánh giá tác dụng dược lý của cao Sâm báo theo hướng hỗ trợ bảo vệ dạ dày và bồi bổ sức khỏe, tăng lực. Đồng thời đã đánh giá độc tính cấp, độc tính bán trường diễn của cao Sâm báo, các kết quả thu được rất khả quan. Đề tài cũng đã xây dựng được 02 quy trình sản xuất viên nang cứng và viên nang mềm từ cao Sâm báo làm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng hỗ trợ điều trị loét dạ dày.
Kết quả vượt trội của đề tài là được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN ra quyết định chấp nhận đơn 02 Bằng độc quyền sáng chế, 01 đăng ký độc quyền nhãn hiệu đang trong thời gian chờ cấp bằng. Ngoài ra, đề tài đã công bố 04 công trình trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước; đào tạo thành công 04 học viên đã được cấp bằng Thạc sĩ khoa học chuyên ngành Hóa hữu cơ; sản xuất thử 10.000 viên nang là sản phẩm mẫu của quá trình nghiên cứu. Đồng thời đã nộp hồ sơ đến Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế để công bố thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Kết quả nghiên cứu của đề tài còn là nguồn tài liệu tham khảo để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học cho các trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng như của cả nước.
Với những kết quả vượt trội nêu trên, Hội đồng nghiệm thu thống nhất đánh giá đề tài đạt loại xuất sắc./.
Trung tâm CNTT&TT