Phát triển Trường ĐHHĐ từng bước trở thành trường ĐH tự chủ, hệ thống quản trị hiện đại, thông minh và chuyên nghiệp, trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao, ĐMST của tỉnh, khu vực và cả nước

21/11/2023

Trong bối cảnh đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) như “tiếng trống lệnh” thôi thúc toàn ngành, giáo dục đại học (ĐH) đứng trước nhiều thuận lợi và không ít khó khăn, thách thức. Tự chủ ĐH, xây dựng hệ thống quản trị hiện đại, thông minh, chuyên nghiệp; chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; quốc tế hóa giáo dục ĐH..., Trường ĐH Hồng Đức (ĐHHĐ) đã và đang thích ứng và tiến bước ra sao? Đó là nội dung xoay quanh cuộc trao đổi giữa phóng viên (PV) Báo Thanh Hóa và PGS.TS. Bùi Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức.
Media/1_hdu_home/FolderFunc/202311/Images/img-5011jpg-20231121084132-e.jpg

- PV: Dõi theo hành trình hơn 25 năm xây dựng và phát triển của Trường ĐH Hồng Đức, chúng tôi thực sự bất ngờ khi nhận ra một điều: Trường ĐH Hồng Đức đã làm được rất nhiều điều “đầu tiên”, điều mà số ít các trường ĐH của tỉnh và trong cả nước làm được. Ông có thể nói rõ hơn về những cái “đầu tiên” ấy?

PGS.TS. Bùi Văn Dũng: Trường ĐH Hồng Đức được thành lập từ năm 1997, là ngôi trường ĐH đầu tiên của tỉnh, cũng là ngôi trường ĐH đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân hoạt động theo mô hình ĐH công lập, đa ngành trực thuộc UBND tỉnh, chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ GD&ĐT. Từ “cái thuở ban đầu” với nhiều khó khăn, thử thách, Trường ĐH Hồng Đức đã gặt hái được những kết quả đáng ghi nhận.

Đến nay, nhà trường có đủ các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân từ bậc mầm non đến đào tạo trình độ tiến sĩ. Tính đến tháng 10/2023, nhà trường có trường mầm non thực hành, trường tiểu học, trường THCS và THPT Hồng Đức; 36 ngành đào tạo trình độ cử nhân, kỹ sư, 20 chuyên ngành trình độ đào tạo thạc sĩ và 6 chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ.

Đội ngũ cán bộ, giảng viên của nhà trường có trình độ cao, năng lực chuyên môn tốt. Tính đến tháng 11/2023, nhà trường có 183 phó giáo sư, tiến sĩ, trong đó có 23 phó giáo sư, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt gần 45% (cao hơn tỷ lệ chung của cả nước); có hệ thống cơ sở vật chất đảm bảo cho các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa có Kết luận số 935-KL/TU ngày 5/9/2022 về “Xây dựng và phát triển Trường ĐH Hồng Đức đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Xây dựng và phát triển Trường ĐH Hồng Đức đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tại Quyết định số 3169/QĐ-UBND ngày 22/9/2022. Đây là cơ sở để nhà trường phấn đấu sớm trở thành trường ĐH thông minh, đổi mới sáng tạo.

Trường ĐH Hồng Đức là một trong số ít các trường ĐH đầu tiên trong cả nước đưa 2 học phần chuyển đổi số, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào giảng dạy ở tất cả các chương trình đào tạo trình độ ĐH. Trong khi cả nước chỉ có khoảng 20 trường đào tạo chuyên ngành logistics thì trường đã đưa vào giảng dạy từng phần kiến thức trong chuỗi logistics và đang xây dựng đề án đào tạo chuyên ngành này.

Sắp xếp làm tinh gọn bộ máy nhằm nâng cao hiệu quả, đồng thời thành lập đơn vị mới phù hợp với trường ĐH thông minh và đổi mới sáng tạo, ĐH Hồng Đức là một trong số ít trường ĐH có Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, là đơn vị bồi dưỡng, tập huấn, hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp.

Công tác kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục cơ sở ĐH và chương trình đào tạo luôn được quan tâm. Tính đến tháng 10/2023, trường đã được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục ĐH chu kỳ 2, có 3 chương trình đào tạo trình độ ĐH và 18 chương trình đào tạo trình độ ĐH (trong đó 11/11 chương trình đào tạo sư phạm) được công nhận đạt chuẩn kiểm định.

- PV: Đi trước đón đầu, tiên phong mở đường... đó là lựa chọn đầy bản lĩnh, quyết tâm. Chính những lần “đầu tiên” và đi qua “cái đầu tiên” ấy đã trở thành động lực, kinh nghiệm để Trường ĐH Hồng Đức sẵn sàng bước vào thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mới. Tự chủ ĐH và xây dựng mô hình quản trị ĐH thông minh, hiện đại, chuyên nghiệp là mục tiêu của hầu hết các cá nhân, tổ chức giáo dục ĐH không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới. Thời cơ và khó khăn, thách thức nào đang đặt ra trong câu chuyện vĩ mô này?

PGS.TS. Bùi Văn Dũng: Bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động không ngừng đến mọi mặt đời sống. Công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nói chung hay câu chuyện tự chủ ĐH và xây dựng mô hình quản trị ĐH thông minh, hiện đại, chuyên nghiệp... đặt ra cho giáo dục ĐH cả những thời cơ và thách thức. Nhận thức sâu sắc điều đó, những năm qua, chúng tôi không ngừng nỗ lực, cố gắng, phát huy tính năng động, sáng tạo, điều kiện thuận lợi, đồng thời từng bước tháo gỡ khó khăn, vượt qua thử thách, hướng tới mục tiêu xây dựng Trường ĐH Hồng Đức từng bước trở thành ĐH tự chủ, có hệ thống quản trị hiện đại, thông minh và chuyên nghiệp, trung tâm lớn về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo của tỉnh, khu vực và cả nước.

Trên hành trình hướng tới mục tiêu ấy, chúng tôi vinh dự và tự hào được cống hiến trên vùng đất “địa linh nhân kiệt”, với dân số đông (gần 4 triệu người dân), bề dày truyền thống hiếu học... Nhà trường vẫn luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh; được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, các ngành. Cùng với đó, tập thể lãnh đạo trường, toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên và người học luôn đoàn kết, đồng lòng, cống hiến cho sự phát triển chung.

Bên cạnh những thuận lợi, nhà trường cũng phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức. Sự cạnh tranh ngày càng cao trong tuyển sinh do gia tăng mạnh mẽ mạng lưới các trường ĐH và sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Sự dịch chuyển mạnh mẽ cơ cấu lao động do những biến đổi nhanh chóng của nhu cầu xã hội đòi hỏi phải chuyển dịch cơ cấu ngành nghề đào tạo. Đội ngũ giảng viên của nhà trường vẫn còn thiếu các chuyên gia đầu ngành trong một số lĩnh vực chuyên môn có khả năng nghiên cứu, phản biện chính sách phục vụ sự phát triển đột phá của tỉnh. Các hoạt động đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ còn hạn chế; một số ít cán bộ, giảng viên, nhân viên còn chậm đổi mới tư duy, tác phong, lề lối làm việc...

- PV: Với mục tiêu đề ra, sau nhiều nỗ lực, cố gắng, ông nhận định Trường ĐH Hồng Đức đang ở “mốc giới” nào trên “xa lộ” đổi mới ấy?

PGS.TS. Bùi Văn Dũng: Với nỗ lực, quyết tâm của tập thể sư phạm nhà trường, sau một năm thực hiện Kết luận số 935-KL/TU ngày 5/9/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Quyết định số 3169/QĐ-UBND ngày 22/9/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về “Xây dựng và phát triển Trường ĐH Hồng Đức đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, có thể khẳng định, Trường ĐH Hồng Đức đang từng bước đổi mới, hội nhập, vững vàng đi tới để trở thành trường ĐH thông minh, đổi mới sáng tạo.

- PV: Những giải pháp trọng tâm nào cần triển khai, thực hiện trong thời gian tới để nhà trường tiếp tục phát huy kết quả đạt được, “giữ lửa” đổi mới sáng tạo, thực hiện tốt sứ mệnh giáo dục gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hiện thực hóa các mục tiêu đề ra?

PGS.TS. Bùi Văn Dũng: Đó là một hành trình mà chúng tôi xác định phải bắt đầu từ những bước đi thật kiên định, vững vàng, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp.

Nhà trường tập trung quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm, phương hướng, yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển Trường ĐH Hồng Đức trong thời gian trước mắt và lâu dài để cán bộ, đảng viên, giảng viên, nhân viên của Nhà trường hiểu rõ, từ đó phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, đoàn kết, thống nhất trong tổ chức thực hiện. Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, giảng viên, nhất là người đứng đầu; nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo thể chế hóa, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, đặc biệt là các quan điểm, mục tiêu về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đổi mới toàn diện GD&ĐT; thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ...

Thực hiện mô hình quản trị ĐH tiên tiến, phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường theo hướng chuyển từ mô hình quản trị lãnh đạo, kiểm soát sang mô hình trao quyền và giám sát, đề cao tính minh bạch, công khai và trách nhiệm giải trình đối với cơ quan có thẩm quyền và xã hội. Nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của hội đồng trường; phát huy tính chủ động, sáng tạo, đổi mới, đề cao tính tự chủ. Đổi mới cơ chế tài chính theo hướng “đặt hàng”, “giao khoán” gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, nhằm nâng cao tính chủ động, sáng tạo, tính tự chủ trong thực hiện nhiệm vụ của các khoa, phòng, đơn vị trực thuộc.

Nâng cao chất lượng công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, thị trường lao động, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các ngành kinh tế trọng điểm, mũi nhọn của tỉnh để xây dựng các ngành, chuyên ngành đào tạo với lộ trình thích hợp, trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có để triển khai các sản phẩm, dịch vụ GD&ĐT có chất lượng ngày càng cao.

Xây dựng, phát triển các nhóm nghiên cứu có thế mạnh trên các lĩnh vực, thu hút các chuyên gia giỏi, nhà khoa học đầu ngành của nhà trường tham gia. Chủ động nghiên cứu, đề xuất các đề tài, dự án, nhiệm vụ khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số nhằm nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy phát triển sản xuất trong các ngành, lĩnh vực, như: nông, lâm, thủy sản (khoa học cây trồng, đất đai và dinh dưỡng cây trồng, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản và môi trường); khoa học tự nhiên (khoa học vật liệu, hóa học và công nghệ môi trường, sinh học và công nghệ sinh học); công nghệ thông tin và kỹ thuật công nghệ; kinh tế, quản trị kinh doanh; khoa học xã hội và nhân văn.

Nâng cao năng lực thực hành, ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hình thành và phát triển cộng đồng kỹ thuật số, đáp ứng yêu cầu về nhân lực của mô hình trường ĐH thông minh. Lựa chọn giảng viên có năng lực về ngoại ngữ để cử đi tham gia các chương trình trao đổi giảng viên với các trường ĐH có uy tín ở nước ngoài để phát triển các chương trình đào tạo của nhà trường bằng tiếng Anh.

Từng bước thực hiện lộ trình tự chủ tài chính, bảo đảm đến năm 2030 đạt 100% tự chủ chi thường xuyên. Thực hiện cơ chế khoán thu, khoán chi cho các đơn vị thuộc, trực thuộc, phát huy tối đa sự đóng góp của các đơn vị vào sự phát triển của nhà trường, phát huy tính sáng tạo, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ.

Tăng cường đầu tư, hiện đại hóa trang thiết bị cho các phòng học, phòng thực hành, từng bước xây dựng các phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc gia, hướng tới đạt chuẩn quốc tế. Nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng thông tin, triển khai các ứng dụng, nền tảng số tiên tiến đáp ứng yêu cầu quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển đổi số, xây dựng trường ĐH thông minh. Kết nối hệ thống thư viện số với một số trường ĐH lớn trong và ngoài nước nhằm khai thác, chia sẻ tài nguyên và hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học với các cơ sở giáo dục ĐH khác...

Hương Thảo (thực hiện)

Tin nổi bật

Tuyển sinh 2024

TIN LIÊN QUAN