01/11/2024
Quang cảnh Hội thảo
PGS.TS. Ngô Chí Thành – Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo
Hội thảo hướng tới mục tiêu nhằm tạo môi trường trao đổi, góp ý, thảo luận về kỹ thuật nhân giống, kết quả nhân giống, sản xuất giống Keo lai các dòng BV10, BV16 và BV32 bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào. Trao đổi, góp ý, thảo luận kỹ thuật trồng, chăm sóc quản lý bảo vệ rừng trồng Keo lai các dòng BV10, BV16 và BV32 tại Thanh Hóa. Đánh giá, thảo luận về hiệu quả mô hình trồng, chăm sóc quản lý bảo vệ rừng trồng Keo lai các dòng BV10, BV16 và BV32 tại Thanh Hóa.
ThS. Lê Thế Sự, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Thường Xuân trình bày tham luận tại hội thảo
Chia sẻ về hiệu quả trồng rừng bằng giống cây Keo lai tại Thanh Hoá, ThS. Lê Thế Sự, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Thường Xuân cho rằng: “Keo lai mô là sự kết hợp hoàn thiện của công nghệ tạo giống và chọn giống để tạo ra cây giống có chất lượng tốt nhất tính đến thời điểm hiện tại. Việc tạo ra nguồn giống dự trên cây đầu dòng có sinh trưởng vượt trội kết hợp với tạo ra giống bằng nuôi cấy mô giúp loại bỏ được sâu bệnh hại, tăng khả năng đề kháng chống chịu với sâu bệnh, thời tiết là hết sức cần thiết với hộ gia đình trồng rừng kinh tế hiện nay”. Trên cơ sở đánh giá hiệu quả rồng rừng bằng giống Keo lai, ThS. Lê Thế Sự cũng đã đưa ra một số giải pháp hướng đến phát triển rừng bằng giống cây Keo lai.
TS. Phạm Thị Thanh Hương, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hoá phát biểu ý kiến tại hội thảo
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã trao đổi, chia sẻ về các vấn đề liên quan đến việc nuôi cấy mô tế bào thực vật và thành tựu; đánh giá hiệu quả mô hình trồng cây Keo lai các dòng BV10, BV16, BV32 tại Thanh Hoá; ảnh hưởng của chế độ che phủ và phân bón đến sinh trưởng cây con giai đoạn vườn ươm; ảnh hưởng của một số thuốc phòng trừ sâu bệnh hại đến sinh trưởng cây Keo lai giai đoạn vườn ươm.
TS. Phạm Văn Hùng – Giảng viên khoa Nông Lâm Ngư nghiệp, Chủ nhiệm đề tài trình bày tham luận tại hội thảo
Với ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn cao, Hội thảo “Quy trình kỹ thuật nhân giống và trồng Keo lai tại Thanh Hóa” đã thật sự trở thành diễn đàn để các vị khách quý, các nhà khoa học, nhà quản lý và các thầy cô giáo trong và ngoài trường trao đổi, chia sẻ về kết quả nghiên cứu về kỹ thuật nhân giống và trồng cây Keo lai; đồng thời, đánh giá nhu cầu sử dụng và tiềm năng phát triển giống cây Keo lai nuôi cấy mô trên địa bàn tình Thanh Hoá trong thời gian tới.
Đại biểu tham dự chụp ảnh tại Hội thảo
Thông qua Hội thảo, chủ nhiệm đề tài và nhóm nghiên cứu sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu, tiếp tục hoàn thiện và triển khai các nội dung của đề tài NCKH cấp tỉnh vào thực tiễn, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả trồng rừng và đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa./.
Trung tâm CNTT&TT