07/08/2024
Qua tìm hiểu về nguyên lý hoạt động của cuộn tesla, nhóm SV Nguyễn Trọng Phương Nam, Nguyễn Sinh Hùng, Lường Hữu Chương, lớp K23, ĐH Kỹ thuật điện, Khoa Kỹ thuật - Công nghệ đã đưa ra ý tưởng và thực hiện đề tài NCKH “Thiết kế và chế tạo mô hình hệ thống truyền tải điện không dây ở khoảng cách trung bình”. Nói về hành trình đi tới ý tưởng nghiên cứu, SV Nguyễn Sinh Hùng chia sẻ: Trong quá trình học tập chúng em được biết và tiếp xúc với rất nhiều loại máy móc, thiết bị điện - điện tử; được tiếp cận và học theo chương trình đào tạo gắn với ứng dụng nghề nghiệp, nội dung học tập dành cho SV được xây dựng theo nhu cầu của xã hội. Khi nhận thấy sự thay đổi nhanh chóng của các thiết bị điện tử ứng dụng công nghệ hiện đại trong đời sống và sinh hoạt, chúng em đã nảy sinh ý tưởng “chế tạo mô hình hệ thống truyền tải điện không dây”.
Hệ thống truyền điện không dây gồm các thiết bị và linh kiện như transistor, điện trở, nguồn DC, hai cuộn dây sơ cấp và thứ cấp. Nguyên lý hoạt động, bao gồm phần phát (mô hình cải tiến của cuộn dây tesla) và phần thu (lấy ví dụ là bóng điện huỳnh quang). Sau khi lắp ráp hoàn thành mô hình và chạy thử nghiệm, kết quả đã tạo ra nguồn điện năng được truyền tải không dây từ nguồn phát đến thiết bị tiêu thụ điện ở khoảng cách từ 10cm đến 60cm. Hệ thống nguồn phát, hệ thống các cuộn dây, các thiết bị kết nối, làm mát và tải hoạt động ổn định. Hiệu suất truyền tải điện năng giảm dần khi khoảng cách truyền tăng dần. Thành công này là kết quả của quá trình sáng tạo, nỗ lực không ngừng của các thành viên nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài. Đây được xem là tiền đề quan trọng, cơ sở khoa học để các em tiếp tục nghiên cứu xây dựng mô hình ở quy mô lớn hơn có thể ứng dụng vào thực tiễn đời sống.
Mỗi năm, SV Trường ĐH Hồng Đức thực hiện hàng trăm đề tài NCKH ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề học tập. Những kết quả đạt được trong hoạt động NCKH của SV cho thấy định hướng và giải pháp đúng đắn của Trường ĐH Hồng Đức trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Từ năm 2015 đến nay, SV toàn trường đã thực hiện trên 1.000 đề tài khoa học các cấp. Tính riêng trong năm học 2023-2024, SV nhà trường đã thực hiện 117 đề tài NCKH, trong đó có 50 đề tài cấp khoa, 67 đề tài dự thi cấp trường. Tất cả 12/12 khoa trong trường đều có SV tham gia NCKH. Trong đó, khối ngành khoa học giáo dục có 18 đề tài (chiếm tỷ lệ cao nhất với 26,87%). Các đề tài tập trung nghiên cứu về đổi mới phương pháp dạy và học trong nhà trường; tìm hiểu, nghiên cứu, vận dụng kiến thức mới, phương pháp mới và hiện đại vào hoạt động dạy học; đánh giá thực trạng học đường và đề xuất các biện pháp giải quyết. Tiêu biểu như đề tài “Phát triển năng lực tự học cho học sinh THPT trong dạy học đọc hiểu văn bản đa phương thức” do nhóm SV Phạm Thị Thanh Nhàn, Bùi Thị Khánh Huyền, lớp K24 ĐHSP Ngữ văn chất lượng cao thực hiện. Khối ngành khoa học tự nhiên có 14 đề tài (chiếm 20,9%). Các đề tài đã đi sâu tìm hiểu mở rộng kiến thức thuộc các chuyên ngành Toán, Lý, Hóa, Sinh. Tiêu biểu như đề tài “Nghiên cứu thiết kế cấu trúc sợi tinh thể quang tử làm từ chalcogenide ứng dụng cho các nguồn sáng phổ siêu liên tục trong vùng hồng ngoại giữa” do nhóm SV Trần Hồng Thắm, Nguyễn Trà My, lớp K23 ĐH Sư phạm Vật lý chất lượng cao thực hiện...
Theo đại diện lãnh đạo Trường ĐH Hồng Đức, hiệu ứng của hoạt động NCKH đã tạo ra không khí thi đua sôi nổi trong học tập và nghiên cứu NCKH. Thông qua hoạt động này, SV nhà trường có cơ hội tích lũy kinh nghiệm, nâng cao ý thức “nghiên cứu sâu, tìm hiểu kỹ”, xác lập tư duy độc lập, sáng tạo để giải quyết đúng đắn các vấn đề. Từ kiến thức, kết quả nghiên cứu đạt được, những SV đam mê NCKH sẽ có cơ hội phát triển, mở rộng hơn nữa các đề tài, từ đó ứng dụng vào thực tiễn cho công việc sau này.
Theo https://baothanhhoa.vn/