07/03/2022
Cùng với công tác đào tạo, nhiều năm qua, Trường Đại học (ĐH) Hồng Đức luôn chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) trong cán bộ, giảng viên (CBGV), sinh viên (SV). Hoạt động này đã thu hút đông đảo CBGV, SV nhà trường tham gia và phát huy hiệu quả tích cực. Nhiều đề tài, công trình NCKH đã được ứng dụng vào thực tiễn, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, xã hội.
Sinh viên Trường ĐH Hồng Đức trong giờ tự học và nghiên cứu tư liệu phục vụ nhiệm vụ học tập, nghiên cứu khoa học.
Khi khoa học và công nghệ (KH&CN) đã và đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp và là nhân tố quyết định năng lực cạnh tranh của từng quốc gia, từng doanh nghiệp thì việc đổi mới công tác giáo dục đào tạo kết hợp chặt chẽ với NCKH là một xu thế, một biện pháp tích cực của nền giáo dục năng động, sáng tạo. Xác định rõ điều này, Trường ĐH Hồng Đức đã chủ động triển khai rộng rãi, có chiều sâu hoạt động NCKH ở tất cả các lĩnh vực đào tạo, từ khoa học tự nhiên, nông - lâm - ngư nghiệp đến khoa học xã hội và nhân văn, công nghệ... Theo đó, hằng năm, nhà trường đều tổ chức các hội thảo khoa học, hội thi sáng tạo, tuyên truyền, vận động, khuyến khích CBGV, SV tham gia NCKH. Tính từ năm 2016 đến nay, nhà trường đã thực hiện hơn 165 hội thảo các cấp. Các hội thảo đã thu hút đông đảo chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong và ngoài nước tham gia. Từ đó tạo điều kiện để các nhà khoa học, CBGV trao đổi, thảo luận về các hướng nghiên cứu mới, hoặc cùng hợp tác, phối hợp nghiên cứu các vấn đề mà thực tiễn đặt ra. Bên cạnh đó, nhà trường còn có cơ chế, chính sách hỗ trợ thường xuyên, tạo điều kiện cho CBGV, SV tham gia tuyển chọn, xét chọn các đề tài khoa học; tổ chức khen thưởng, động viên các cá nhân có thành tích...
5 năm gần đây, CBGV nhà trường đã chủ trì, tổ chức triển khai thực hiện 293 đề tài, dự án KH&CN các cấp. Trong đó 11 đề tài, dự án cấp quốc gia và tương đương; 27 đề tài cấp bộ, 40 đề tài, dự án cấp tỉnh; 215 đề tài cấp cơ sở. Theo PGS. TS Đinh Ngọc Thức, Phó trưởng Phòng Quản lý KH&CN, Trường ĐH Hồng Đức, chất lượng các đề tài ngày càng được nâng cao, sản phẩm đề tài gắn kết với thực tế sản xuất và đời sống. Một số đề tài, dự án có phạm vi, quy mô lớn, nội dung liên ngành, giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra như: xây dựng các mô hình phục vụ chương trình phát triển nông thôn miền núi; ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu; bảo tồn quỹ gen; công nghệ nhà thông minh; đổi mới sáng tạo khởi nghiệp. Một số sản phẩm nghiên cứu của nhà trường đã được thương mại hóa để thúc đẩy phát triển sản xuất như: giống lúa HĐ9; bơm thủy năng HĐBT...
Hoạt động NCKH cũng thu hút đông đảo SV tham gia ở cả cấp trường, cấp bộ. Đơn cử như năm học 2018-2019 có 104 đề tài NCKH được SV thực hiện gồm 54 đề tài cấp khoa, 50 đề tài cấp trường và 3 đề tài cấp bộ; năm học 2019-2020 có 95 đề tài NCKH đã được SV thực hiện gồm 63 đề tài cấp khoa, 32 đề tài cấp trường, 3 đề tài cấp bộ; năm học 2020-2021 SV nhà trường cũng đã thực hiện 91 đề tài NCKH... Nhiều đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng cao, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tiêu biểu như Đề tài “Sinh kế của hộ nông dân gắn với phát triển rừng bền vững tại xã Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa”, “Phát triển tín dụng xanh tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa”, “Xây dựng sản phẩm du lịch biển dựa vào nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn ở huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn), tỉnh Thanh Hóa”... Để khuyến khích, động viên SV tham gia và ứng dụng thành công các đề tài đạt giải vào thực tiễn, Trường ĐH Hồng Đức thường xuyên tổ chức các cuộc thi, hội thi, như: Ý tưởng sáng tạo, Festival kinh tế, SV khởi nghiệp... Riêng Cuộc thi “SV khởi nghiệp” mỗi năm có hàng trăm SV tham gia với không ít ý tưởng khởi nghiệp được đánh giá cao. Trong năm học 2020-2021 vừa qua, cuộc thi này đã thu hút hơn 200 SV tham gia với hơn 60 ý tưởng. Trong đó có nhiều ý tưởng được đánh giá cao như ý tưởng “Chế tạo máy lột vỏ trứng chim cút tự động” của SV Lê Ngọc Bích, K22 ĐH Kỹ thuật điện, Khoa Kỹ thuật công nghệ; ý tưởng “Xây dựng mô hình sản xuất nông sản an toàn và liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng” của nhóm SV Nguyễn Thành Luân, K20 ĐH Nông học, Khoa Nông - lâm - ngư nghiệp...
Cùng với hoạt động trên, nhà trường còn chú trọng thúc đẩy trong hợp tác với các trường ĐH, các viện nghiên cứu uy tín trong và ngoài nước để phát huy được khả năng sáng tạo, tiềm lực KH&CN của đội ngũ các nhà khoa học của nhà trường; hợp tác với doanh nghiệp, địa phương trong kết hợp triển khai đặt hàng, nghiên cứu các đề tài, dự án, chuyển giao công nghệ để phát huy năng lực, trình độ của đội ngũ trí thức Trường ĐH Hồng Đức. Hiện, nhà trường đang thực hiện một số chương trình hợp tác như: Chương trình hợp tác phát triển hoạt động KH&CN giữa Trường ĐH Hồng Đức và Sở KH&CN Thanh Hóa; hợp tác đào tạo và NCKH giữa Trường ĐH Hồng Đức và Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; Chương trình hợp tác NCKH và triển khai công nghệ giữa Trường ĐH Hồng Đức và Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông...
Có thể thấy, hiệu ứng của hoạt động NCKH đã tạo ra không khí thi đua sôi nổi trong giảng dạy, học tập, nghiên cứu của CBGV, SV. Đặc biệt, đối với SV đã tạo cho các em ý thức “nghiên cứu sâu, tìm hiểu kỹ”, xác lập tư duy độc lập, sáng tạo, giúp các em khi ra trường có một tư duy khoa học để giải quyết đúng đắn các vấn đề do thực tiễn đặt ra. Từ kết quả đạt được, mục tiêu đặt ra của Trường ĐH Hồng Đức trong thời gian tới là tiếp tục đổi mới công tác quản lý hoạt động NCKH; nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức KH&CN trực thuộc trường; xây dựng một số nhóm nghiên cứu mạnh; đẩy mạnh hợp tác trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Cùng với đó, không ngừng tăng cường đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nghiên cứu để nâng cao số lượng và chất lượng các công trình NCKH phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH quê hương, đất nước.
Theo P.S (https://baothanhhoa.vn/)