Đào tạo nhân lực chất lượng cao cần chú trọng chính sách học bổng, học phí

29/09/2022

Cần phải đổi mới chính sách, đặc biệt là cơ chế và chính sách hỗ trợ tài chính, nhằm thúc đẩy hỗ trợ cơ sở giáo dục đại học.

Ngày 28/9, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn chủ trì chương trình làm việc với một số Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh về nhu cầu và chính sách liên quan tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao.

Phát biểu mở đầu, Thứ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng cũng như kỳ vọng lớn của đề án này. Trong các phạm trù của phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đề án này tập trung vào đào tạo và đào tạo lại; với cốt lõi xây dựng những chương trình đào tạo triển khai ở trường đại học, viện nghiên cứu uy tín trong những lĩnh vực cụ thể. Đồng thời, phải đổi mới chính sách, đặc biệt là cơ chế và chính sách hỗ trợ tài chính, nhằm thúc đẩy hỗ trợ cơ sở giáo dục đại học.

Để triển khai xây dựng đề án này, cần bắt đầu từ bước xác định nhu cầu, đặt trọng tâm trọng điểm cho những lĩnh vực, ngành cụ thể nào. Tiếp đó, đề án phải đưa ra được cơ chế cạnh tranh, hợp tác giữa các trường, viện, doanh nghiệp, hướng tới sự gắn kết đào tạo với nghiên cứu, đào tạo với doanh nghiệp và đạt chuẩn mực trình độ cao.

Media/1_hdu_home/FolderFunc/202209/Images/2-7788-20220929015735-e.jpg

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì cuộc họp (ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Nhiều kinh nghiệm trong triển khai chương trình đào tạo tài năng, tiên tiến, chất lượng cao có hiệu quả sẽ là điều kiện thuận lợi để xây dựng những chương trình đào tạo có tính cạnh tranh cao, có sự hỗ trợ của nhà nước qua cơ chế đặt hàng; đảm bảo khả thi, phù hợp điều kiện kinh tế, ngân sách nhà nước và hợp tác quốc tế...

Thứ trưởng đề nghị đại diện các Bộ, ngành, địa phương và chuyên gia cùng đóng góp để xác định mục đích, mục tiêu cốt lõi của đề án này và thực trạng nhu cầu.

Chú trọng cơ chế chính sách, thu hút sự tham gia của doanh nghiệp

Trình bày chi tiết hơn về dự kiến xây dựng đề án, đại diện Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết nhiệm vụ đào tạo để phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao, nhằm phát triển kinh tế xã hội đất nước được nêu rõ trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030. Đề án cũng xuất phát từ đòi hỏi cấp thiết về nâng cao năng lực đào tạo tiệm cận chuẩn mực quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực cạnh tranh được với các nước trong khu vực và trên thế giới; thúc đẩy di chuyển lao động giữa Việt Nam và thị trường ASEAN/ khu vực; thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Về phạm vi, đề án dự kiến áp dụng với các lĩnh vực phục vụ phát triển công nghệ cao theo đề xuất của Bộ Khoa học và Công nghệ, đảm bảo phù hợp với Luật Công nghệ cao và các quy định pháp luật về công nghệ cao. Trình độ đào tạo nhân lực công nghệ cao là đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, bao gồm các đối tượng là người học, người dạy, chuyên gia, nhà khoa học, cơ sở giáo dục đại học (trong nước, nước ngoài); doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức hợp tác và phát triển, Ngân hàng thế giới; các Bộ ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện nhiệm vụ đào tạo nhân lực công nghệ cao.

Về mục tiêu, đề án hướng tới tăng số lượng, đảm bảo chất lượng đào tạo tiệm cận chuẩn quốc tế đối với các ngành/ lĩnh vực phục vụ phát triển công nghệ cao. Thu hút sinh viên giỏi theo học các ngành/ lĩnh vực phục vụ phát triển công nghệ cao. Đổi mới công tác đào tạo đại học, gắn với hợp tác, nghiên cứu và đổi mới. Thu hút nguồn lực và các bên liên quan/ doanh nghiệp tham gia phát triển đào tạo nhân lực công nghệ cao. Xây dựng cơ chế, chính sách cho đào tạo nhân lực công nghệ cao và tạo cơ chế lan tỏa trong đào tạo nguồn nhân lực của toàn hệ thống đại học.

Dự kiến, đề án sẽ bám sát những chỉ tiêu cụ thể đối với mỗi lĩnh vực ưu tiên đào tạo phục vụ phát triển công nghệ cao liên quan đến kiểm định, xếp hạng, số lượng người học các trình độ, công bố quốc tế…

Với những căn cứ đó, Vụ Giáo dục đại học xác định các nhiệm vụ của đề án bao gồm: Đào tạo nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao với từng trình độ đại học, sau đại học; đào tạo lại nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao; thu hút các cá nhân, doanh nghiệp, bên liên quan tham gia đào tạo nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao như: nhà khoa học giỏi, doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục đại học, các nguồn lực tài trợ đào tạo, nghiên cứu.

Công tác đào tạo chú trọng chính sách học bổng, học phí; cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư; các cơ sở giáo dục đại học đăng ký thực hiện các chương trình đào tạo nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao.

Công tác đào tạo lại chú trọng cơ chế, chính sách về đặt hàng, giao nhiệm vụ và hỗ trợ, thu hút người học; các cơ sở giáo dục đại học đăng ký tham gia đào tạo lại nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao.

Với những dự kiến trên, đề án hướng tới thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước tạo đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực gắn với phát triển kinh tế xã hội đất nước. Phát triển đào tạo gắn với nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học; tạo việc làm trong các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao; thu hút đầu tư nước ngoài phát triển, ứng dụng công nghệ cao tại Việt Nam; từ đó, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Đề án ý nghĩa và cấp thiết

Tại buổi làm việc, đại diện các cơ quan, Bộ, ban, ngành như Văn phòng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng,… và một số địa phương đã đưa ra các góp ý, đề xuất cho kế hoạch xây dựng đề án.

Đa số các ý kiến đều đánh giá cao ý nghĩa và sự cần thiết của đề án này, đồng thời lưu ý, cần làm rõ nội hàm cũng như khoanh vùng trình độ đào tạo, cơ cấu, lĩnh vực đào tạo cũng như đánh giá chính xác thực trạng (nguồn nhân lực, đào tạo…), dự báo nhu cầu, nguồn lực thực hiện để đảm bảo tính khả thi. Bên cạnh đó, cần lưu ý phải công khai, cam kết cụ thể về chất lượng đào tạo và đầu ra đối với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao. Một số ý kiến cũng nhấn mạnh đề án cần đặc biệt quan tâm đến đào tạo sau đại học, nhất là đào tạo sau tiến sĩ.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn ghi nhận, các góp ý xây dựng nội dung chính đề án quý giá và toàn diện. Thứ trưởng khẳng định đề án mang tính đột phá, giải quyết những chủ trương mục tiêu lớn của Đảng, Nhà nước. Định hướng xây dựng đề án rõ ràng, trọng tâm, trọng điểm, nội dung cụ thể, khả thi, không trùng lắp.

Thứ trưởng chỉ đạo, tổ soạn thảo tiếp thu để hoàn thiện bản dự thảo đầu tiên. Đồng thời, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, một số thành phố lớn có văn bản đề cương đánh giá thực trạng và kết quả triển khai các chương trình, kế hoạch có phạm vi liên quan, cũng như cụ thể hóa bằng văn bản những ý kiến đóng góp tại buổi làm việc, làm căn cứ quan trọng cho dự thảo đề án. Các Bộ, ngành cử người tham gia quá trình xây dựng đề án và tổ chức triển khai sau này. Tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ làm việc với các trường đại học, doanh nghiệp để cụ thể hóa các nội dung liên quan.

Linh Hương (https://giaoduc.net.vn/)

Tin nổi bật

Tuyển sinh 2024

TIN LIÊN QUAN