Khẩn trương đề ra các giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của tỉnh (*)

02/08/2023

Chiều 1-8, Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Tại hội nghị quan trọng này đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã có bài phát biểu quan trọng. Báo Thanh Hóa trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.
Media/1_hdu_home/FolderFunc/202308/Images/1-20230801074432-e.jpg

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị.

Thưa đồng chí Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo!

Thưa các đồng chí lãnh đạo tỉnh!

Thưa các đồng chí đại biểu dự hội nghị!

Sau một thời gian làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm cao, Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra.

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi trân trọng cảm ơn PGS.TS Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng các đại biểu đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã về dự và phát biểu nhiều ý kiến thiết thực, bổ ích với hội nghị; tôi nhiệt liệt hoan nghênh các đại biểu trong tỉnh đã về tham dự hội nghị đông đủ, mang đến nhiều ý kiến rất tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm, thể hiện tinh thần đoàn kết, thống nhất và quyết tâm cao vì sự phát triển chung của giáo dục, đào tạo Thanh Hóa trong thời gian tới.

Để kết thúc hội nghị, tôi xin phát biểu một số ý kiến có tính chất khái quát lại những kết quả chủ yếu đã đạt được và nhấn mạnh thêm một số vấn đề chúng ta cần quan tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiệm vụ hết sức quan trọng này trong thời gian tới.

Thưa các đồng chí! Thưa toàn thể hội nghị!

Nói về vai trò của người thầy và giáo dục trong xã hội, đại thi hào Ấn Độ Tago từng khẳng định“Đầu tư vào một người đàn ông, ta được một người chồng tốt; đầu tư vào một người phụ nữ, ta được một gia đình tốt; đầu tư vào một nhà giáo ta được một thế hệ tốt”. Đối với dân tộc ta, hiếu học, tôn sư trọng đạo, quý trọng hiền tài đã trở thành giá trị nhân văn sâu sắc; nhân tố quan trọng tạo nên trí tuệ Việt Nam, đạo đức Việt Nam, văn hoá và con người Việt Nam. Từ xa xưa, ông cha ta đã đúc kết "Cho ruộng, cho tiền không bằng cho nghiên cho bút", "Một kho vàng không bằng một nang chữ"... Đây cũng là kế sách "sâu rễ, bền gốc" để "non sông nghìn thuở vững âu vàng".

Media/1_hdu_home/FolderFunc/202308/Images/2-20230801074620-e.jpg

Chủ tịch Hồ Chí Minh - “Nhà giáo dục vĩ đại”, Người khai sinh và đặt nền móng cho nền giáo dục Việt Nam mới luôn quan tâm xây dựng, phát triển nền giáo dục nước nhà. Người từng chỉ rõ nhiệm vụ của giáo dục là phải góp phần đào tạo ra được những người lao động mới, “những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng, vừa chuyên”.

Phát huy truyền thống của dân tộc và thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ, đồng thời bám sát xu thế thời đại; trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, xác định đây là quốc sách hàng đầu và đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, nền giáo dục nước ta đã có những chuyển biến quan trọng, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, đặc biệt là 07 quan điểm chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, các mục tiêu cụ thể và 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; trong những năm qua, sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh ta phát triển vững chắc, chất lượng và hiệu quả giáo dục từng bước được nâng lên, vị thế của giáo dục Thanh Hóa ngày càng được khẳng định và đạt nhiều thành tựu nổi bật. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành và triển khai nhiều chương trình, đề án đổi mới, phát triển giáo dục và đào tạo; dành nhiều nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, khuyến khích giáo viên và học sinh nâng cao chất lượng dạy và học. Quy mô mạng lưới trường, lớp các cấp học, bậc học ngày càng phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập trên địa bàn. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được tăng cường; tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên toàn tỉnh đạt chuẩn chiếm 95%. Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức do những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 làm thay đổi nhiều hoạt động giáo dục truyền thống; được sự quan tâm rất lớn của các cấp ủy đảng, chính quyền, với sự nỗ lực cố gắng của toàn thể nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, các bậc phụ huynh và các em học sinh, giáo dục và đào tạo tỉnh ta tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Nhiều mô hình, phương pháp dạy học linh hoạt, sáng tạo, nhất là dạy học trực tuyến đã được triển khai với tinh thần “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”.

Media/1_hdu_home/FolderFunc/202308/Images/3-20230801074619-e.jpg

Chất lượng giáo dục đại trà có chuyển biến mạnh, thứ hạng điểm trung bình kỳ thi tốt nghiệp THPT toàn tỉnh liên tục tăng; năm học 2020-2021, tỉnh ta xếp thứ 32 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố, đến năm học 2022-2023 tăng lên vị trí thứ 21. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT bình quân hàng năm đạt 98% trở lên; là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đạt điểm 10 và số lượng học sinh đạt 27 điểm trở lên (theo tổ hợp 3 môn thi). Đến nay, tỉnh ta đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và hoàn thành chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Công tác dạy tiếng nói và chữ viết của các dân tộc thiểu số được quan tâm; chất lượng dạy và học ngoại ngữ, tin học có chuyển biến tiến bộ. Giáo dục mũi nhọn giữ vững trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước tại các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Hoạt động giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học tiếp tục được quan tâm; tỷ lệ học viên, sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm làm đạt từ 70% đến 90%; nhiều nghề đạt 100%.

Hoạt động của các Trung tâm giáo dục thường xuyên, các Trung tâm học tập cộng đồng có nhiều đổi mới. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là khoa học giáo dục và khoa học quản lý được đẩy mạnh. Các cấp Hội Khuyến học trong tỉnh có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động; đã tổ chức được nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, qua đó thôi thúc nhiều người dân, nhiều gia đình, dòng họ, từng khu dân cư tham gia vào việc học tập, đưa phong trào khuyến học, khuyến tài trở thành phong trào rộng khắp các vùng miền trong tỉnh. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức đoàn thể trong các nhà trường được quan tâm; thực hiện tốt phương châm “Nhà trường văn hoá; nhà giáo mẫu mực; học sinh thanh lịch”. Việc xây dựng các mô hình “Trường học xanh - sạch - đẹp, an toàn, thân thiện”, “Trường học hạnh phúc”,... bước đầu phát huy hiệu quả. Nhiều trường đại học, cao đẳng, các trường THPT đã chăm lo làm tốt công tác phát triển Đảng, nhất là trong học sinh, sinh viên, góp phần trẻ hóa đội ngũ đảng viên, lan tỏa niềm tin yêu của thế hệ trẻ đối với Đảng, Bác Hồ và sớm tạo nguồn cán bộ lâu dài cho quê hương, đất nước.

Từ trong các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình “Dạy tốt, học tốt”, khuyến học, khuyến tài, như Trường THPT chuyên Lam Sơn - “vườn ươm” tài năng trẻ, nơi ươm mầm giáo dục nhiều thế hệ hiền tài cho đất nước; như tấm lòng nhân ái và những nghĩa cử cao đẹp của gia đình Giáo sư Lê Viết Ly đã chắp cánh ước mơ cho hàng ngàn học sinh học tập thành tài; như tấm gương cần mẫn gieo con chữ cho học sinh nghèo, tật nguyền nơi cửa biển Ngư Lộc, Hậu Lộc của cô giáo Nguyễn Thị Thông; như tấm gương giàu thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế môn Hóa học của cô giáo Mai Châu Phương, giáo viên Trường THPT Chuyên Lam Sơn; như tấm gương vượt khó dấn thân, say mê với nghề của “Người Thầy giáo vùng biên” huyện Thường Xuân Lương Thanh Luyến... Cùng nhiều tấm gương các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trưởng thành, đang nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong các cơ quan của hệ thống chính trị. Tại hội nghị hôm nay, không sao kể xiết biết bao nhiêu tấm gương điển hình, những nhà giáo cao quý, đó thực sự là “những bông hoa đẹp trong vườn hoa đẹp”, đã và đang tô thắm truyền thống vẻ vang của giáo dục xứ Thanh.

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, tôi ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, ngành Giáo dục và Đào tạo đã nỗ lực đạt được trong thời gian qua; nhiệt liệt biểu dương 14 tập thể, 15 cá nhân tiêu biểu được vinh danh khen thưởng tại hội nghị hôm nay.

Thưa các đồng chí! Thưa toàn thể hội nghị!

Bên cạnh kết quả đạt được, chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận, việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW vẫn còn những hạn chế, yếu kém, cần khắc phục, đó là: Một số cấp uỷ đảng, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Chất lượng giáo dục còn có sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền trong tỉnh, giữa khu vực công lập và ngoài công lập. Việc thực hiện đổi mới nội dung, hình thức kiểm tra, đánh giá theo hướng phát huy năng lực và phẩm chất người học còn lúng túng, thiếu đồng bộ. Hoạt động dạy ngoại ngữ, tin học chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Tình trạng thiếu giáo viên tồn tại kéo dài nhiều năm nhưng chưa được giải quyết căn bản.

Công tác đào tạo ở một số cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế; kết quả tuyển sinh nhìn chung còn thấp; chưa thu hút được nhiều học sinh, sinh viên là người tỉnh ngoài. Nội dung, chương trình, cơ cấu ngành, nghề đào tạo chậm đổi mới, chưa bám sát yêu cầu phát triển và nhu cầu của thị trường lao động. Chất lượng nghiên cứu khoa học chưa cao. Cơ sở vật chất, các điều kiện đảm bảo phục vụ hoạt động giáo dục trong các nhà trường còn thiếu và chưa đồng bộ; nguồn nhân lực chất lượng cao còn ít... Năng lực đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục chưa theo kịp với tiến trình đổi mới; tư tưởng bao cấp, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước còn lớn. Giáo dục ngoài công lập phát triển chưa tương xứng và đồng đều với tiềm năng, thế mạnh và yêu cầu, xu thế phát triển mới. Giáo dục miền núi vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đáng chú ý là từ năm 2021 đến nay, thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, khu vực miền núi tỉnh ta có 74 xã không còn thuộc diện đặc biệt khó khăn, dẫn đến dừng hưởng một số chính sách, làm cho khó khăn hơn... Công tác phối hợp trong quản lý nhà nước giữa Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ, Sở Tài chính với UBND các huyện, thị xã, thành phố còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của giáo dục các địa phương.

Tại hội nghị quan trọng này, tôi đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị, phải nhận thức đúng đắn những việc chúng ta đã làm tốt, đồng thời rút kinh nghiệm, khẩn trương đề ra các giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của tỉnh.

Thưa các đồng chí! Thưa toàn thể hội nghị!

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng ta xác định một trong ba đột phá chiến lược đó là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; vì vậy, phải “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài”. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX tiếp tục khẳng định: “Đổi mới mạnh mẽ, toàn diện giáo dục và đào tạo, trọng tâm là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; giữ vững và phát huy thành tích giáo dục mũi nhọn và vị trí trong nhóm dẫn đầu cả nước”.

Trước yêu cầu ngày càng cao của công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh nhà; trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, khoa học công nghệ, kinh tế tri thức phát triển nhanh, vượt bậc, làn sóng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động mạnh mẽ đến tất cả các quốc gia như ngày nay, đòi hỏi giáo dục và đào tạo phải không ngừng đổi mới để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động. Để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng và phát triển Thanh Hóa “đến năm 2025, trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại”, tôi đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, đặc biệt là Ngành Giáo dục và Đào tạo, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong toàn tỉnh tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Kết luận số 51-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2021 - 2025; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng cả trước mắt và lâu dài, phải kiên trì, sáng tạo trong tổ chức thực hiện. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, bất cập, những “điểm nghẽn”, tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục và đào tạo của các địa phương và toàn tỉnh.

Thứ hai, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giữ vững thành tích giáo dục mũi nhọn trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; trọng tâm là đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá, nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học, bao gồm cả đức, trí, thể, mỹ; làm tốt cả việc “dạy chữ”, “dạy nghề” và “dạy người”; không ngừng cải tiến cách dạy, cách học theo phương châm “Lấy học sinh làm trung tâm”, “Nhà trường làm nền tảng”, “Thầy cô giáo làm động lực”; khơi dậy tư duy sáng tạo của học sinh, năng lực tự học, tự tu dưỡng rèn luyện; gắn học với hành, gắn học kiến thức với giáo dục chính trị tư tưởng, trau dồi đạo đức, lối sống, nhằm tạo ra những con người thật sự có đức, có tài, phục vụ Nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Cùng với nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và nâng cao chất lượng giáo dục miền núi; tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp để nâng cao chất lượng và tạo đột phá về giáo dục ngoại ngữ, tin học và chất lượng giáo dục mũi nhọn; đổi mới nội dung, phương pháp bồi dưỡng học sinh giỏi để vừa phù hợp với nội dung, chương trình giáo dục phổ thông mới, vừa có tính liên thông với chương trình bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế bậc THPT.

Thứ ba, tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và động viên, khích lệ, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Trên cơ sở chỉ tiêu biên chế được giao, UBND tỉnh chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo, các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tuyển dụng kịp thời, hết chỉ tiêu, trong đó ưu tiên tuyển dụng giáo viên thuộc các bộ môn còn thiếu, chuẩn bị thật tốt các điều kiện cho năm học 2023-2024. Hàng năm, xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch đào tạo nâng trình độ chuẩn giáo viên để nâng cao tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn theo quy định. Tăng cường công tác quản lý giáo dục, nâng cao đạo đức nhà giáo và năng lực ứng xử sư phạm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên ngành giáo dục. Thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ quản lý giáo dục; khắc phục những hạn chế, yếu kém về công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển cán bộ quản lý và giáo viên các cấp; thực hiện thí điểm thi tuyển chức danh cán bộ quản lý giáo dục ở các cấp học. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để đổi mới quản lý và dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục.

Thứ tư, tiếp tục đổi mới tư duy, năng động, sáng tạo trong quản trị và định hướng phát triển của các nhà trường. Các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp cần xây dựng lộ trình cụ thể để từng bước thực hiện tự chủ tài chính; thường xuyên cập nhật, đổi mới nội dung, chương trình, đa dạng hóa các ngành đào tạo, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài tỉnh, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch tuyển sinh hàng năm. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các trường đại học, các viện nghiên cứu, các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, thực tập và tuyển dụng học viên, sinh viên tốt nghiệp. Tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tổ chức quản lý, khai thác hiệu quả cơ sở vật chất hiện có; đồng thời, làm tốt công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư để hiện đại hóa cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Tiếp tục chăm lo làm tốt công tác xây dựng Đảng, đoàn thể trong các nhà trường; làm tốt công tác phát triển đảng viên, nhất là trong học sinh, sinh viên; xây dựng nhà trường vừa là trung tâm giáo dục, vừa là trung tâm văn hóa có môi trường dân chủ, nhân ái, nghĩa tình, nơi con người được tôn trọng, được yêu thương, được trau dồi kỹ năng sống, kỹ năng sáng tạo để phát triển.

Thứ năm, xây dựng xã hội học tập vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển; vừa có tính chiến lược, vừa có tính cấp bách để góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Ngành Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng; đa dạng hóa các phương thức học tập dựa theo mô hình giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, kết hợp giữa học trực tuyến với học trực tiếp, lấy "tự học làm cốt". Tiếp tục phát động và triển khai thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; kịp thời biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các mô hình, điển hình, các nhân tố mới về học tập và xây dựng xã hội học tập, những tấm gương sáng về học tập, những gia đình, dòng họ, khu dân cư, đơn vị hiếu học tiêu biểu, những tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập...

Thưa toàn thể hội nghị!

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Không có thầy giáo thì không có ngành giáo dục, không có ngành giáo dục thì không có cán bộ, không có cán bộ thì không thể xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội”. Người thầy mang sứ mệnh cao cả trong sự nghiệp “trồng người”, “…Người thầy giáo tốt là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không có trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh…”. Khắc ghi và làm theo lời dạy của Bác "Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt", tôi đề nghị đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ngành Giáo dục và Đào tạo và mỗi thầy giáo, cô giáo cần tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực sự tâm huyết với nghề, luôn luôn giữ gìn danh dự, lương tâm nghề nghiệp; có lòng nhân ái, bao dung; tận tuỵ với công việc; có tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp và sinh viên, học sinh. Trong công tác chuyên môn, phải thực sự công bằng trong giảng dạy và giáo dục, đánh giá đúng thực chất năng lực học tập của học sinh; chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục. Thường xuyên bồi dưỡng năng lực, trình độ và phương pháp, tác phong công tác; nâng cao năng lực toàn diện, kiến thức chuyên sâu theo môn học giảng dạy và kỹ năng, phương pháp sư phạm; khả năng tư duy khoa học; gương mẫu, nói đi đôi với làm; thực hành tiết kiệm, sống khiêm tốn, giản dị, chống xa hoa, lãng phí.

Media/1_hdu_home/FolderFunc/202308/Images/4-20230801074620-e.jpg

Chăm lo cho giáo dục và đào tạo là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và của toàn xã hội. Tôi đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành chức năng và kêu gọi các bậc cha mẹ phụ huynh học sinh, toàn xã hội hãy tiếp tục quan tâm và chăm lo nhiều hơn nữa đến sự nghiệp giáo dục, dành những điều kiện tốt hơn, đầy đủ hơn cho việc học tập, rèn luyện và phấn đấu của con em chúng ta.

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi trân trọng cảm ơn Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương trong thời gian qua đã luôn quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ tỉnh Thanh Hoá và sự nghiệp giáo dục, đào tạo của tỉnh. Mong rằng, trong thời gian tới, các đồng chí sẽ tiếp tục giành tình cảm, sự quan tâm nhiều hơn nữa để công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tỉnh Thanh Hoá đạt được những thành tích xuất sắc hơn nữa.

Một lần nữa, thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh, xin chúc các đồng chí đại biểu Trung ương, các đồng chí đại biểu tham dự Hội nghị mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin bế mạc Hội nghị.

Xin trân trọng cảm ơn!

Theo https://baothanhhoa.vn/(* Đầu đề là của Tòa soạn)

Tin nổi bật

Tuyển sinh 2024

TIN LIÊN QUAN