01/08/2024
Nghỉ hè, Bùi Văn Hiệp tham gia dạy bơi cho trẻ em và người lớn.
1. 5h sáng, Bùi Văn Hiệp lại đến bể bơi Hải Minh ở thị trấn Tân Phong (Quảng Xương) để làm việc. Gần 2 tháng qua, tại bể bơi này, Hiệp là thầy giáo dạy bơi cho trẻ em và người lớn. Công việc bắt đầu từ 5h sáng, kết thúc 8h tối.
Hiệp quê ở thôn Lưu Phúc, xã Quang Trung (Ngọc Lặc). Em là sinh viên năm thứ 3 (năm học 2023-2024), Khoa Giáo dục thể chất. Cũng như 2 mùa hè của năm học thứ nhất và thứ 2, hè này, Hiệp không về quê. “Xác định, kiến thức học phải luôn song hành cùng thực tiễn và để có thêm thu nhập để trả tiền nhà trọ, tiền sinh hoạt, giúp đỡ gia đình, đây là mùa hè thứ 3 em ở lại làm thêm”. Hiệp cho biết.
Hiệp cũng xác định rõ, biết bơi và cứu hộ, cứu đuối phải được ưu tiên, bắt buộc. Vì vậy, ngay từ mùa hè năm học thứ nhất, em đã tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ phương pháp dạy bơi, chương trình tập huấn kiến thức nghiệp vụ dạy bơi do Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội, Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam tổ chức. “Hiệp đã dạy ở bể bơi này được 4 khóa học”, Quản lý bể bơi Hải Minh, anh Lê Duy Kiên nói. “Chúng tôi nhận thấy sự nhiệt tình, rất trách nhiệm với công việc của Hiệp. Em có thể dạy cả trường hợp đặc biệt và cho kết quả tốt”.
Nguyễn Hồng Sơn, 10 tuổi, ở thị trấn Tân Phong (Quảng Xương) là một học viên tự kỷ. Đây cũng là học viên để lại nhiều kỷ niệm nhất với Bùi Văn Hiệp. Bác ruột của Nguyễn Hồng Sơn là Nguyễn Thị Lênh, khi đến đăng ký học bơi cho cháu, đã từng nói với Hiệp: Không dám hy vọng Sơn biết bơi, chỉ mong cháu đến bể bơi để được tắm mát, được tiếp xúc, hòa nhập với các bạn... Khó khăn với Bùi Văn Hiệp, trong quá trình học, Nguyễn Hồng Sơn rất ít khi chịu hợp tác. Dù vậy, sau hơn 20 buổi học, Sơn đã chập chững bơi. Bùi Văn Hiệp kể: “Với Sơn, cứ phải dạy từ từ, không vội được. Bạn ấy không chịu hợp tác nhưng lại rất nhớ động tác. Dần dần bạn ấy nhớ hết các động tác và cách lấy hơi. Có lúc bạn bơi tới 50m. Đây cũng là niềm vui lớn nhất của em trong hè này”.
2. Phạm Thanh Nhàn là sinh viên năm 3 (năm học 2023-2024), ngành Đại học Sư phạm Ngữ văn CLC, Khoa Khoa học Xã hội. Quê Nhàn ở xã Trung Sơn (Quan Hóa).
Cũng như Bùi Văn Hiệp, hè này, Nhàn không về quê. Em ở lại TP Thanh Hóa đi làm gia sư dạy môn Ngữ văn và kèm các môn thuộc về khoa học xã hội cho các bạn học sinh THCS. Bên cạnh đó, Nhàn còn ôn luyện cho học sinh lớp 9, chuẩn bị vào lớp 10.
Nhàn ở trọ. Một tháng chi phí sinh hoạt khoảng 2,5 triệu đồng. Nhàn đi làm thêm trong hè để rèn nghề, tích lũy thêm kỹ năng, kinh nghiệm cho công việc sau khi ra trường. Và hơn thế, Nhàn muốn giảm bớt gánh nặng kinh tế cho bố mẹ ở quê.
Hai mùa hè trước, Nhàn cũng ở lại thành phố, đi làm gia sư. Gia sư trong hè có những điều đặc biệt hơn. Phạm Thanh Nhàn nhớ lại: “Thời tiết mùa hè không dễ chịu, cả em và bạn học vừa làm đề, sửa đề, nói chung rất căng thẳng. Tuy nhiên, cũng có nhiều khoảnh khắc đáng nhớ. Có những bạn xuất phát điểm, học lực không ổn. Đó không chỉ là lo lắng mà còn là áp lực với người dạy. Tuy nhiên, nếu không kiên trì và không có phương pháp dạy thì rất khó có kết quả. Trong quá trình dạy, có bạn đã cố gắng, nỗ lực để bứt phá...”.
Cũng như Phạm Thanh Nhàn, từ năm thứ nhất, Nguyễn Thế Anh, sinh viên năm 3 (năm học 2023-2024) đã đi làm gia sư. Thế Anh ở TP Thanh Hóa, đang học ngành Sư phạm Hóa. Như chia sẻ của Thế Anh: "Làm trong hè, có những niềm vui riêng. Nghỉ ít, chơi ít nhưng được làm việc, được trau dồi kiến thức và cũng nhìn thấy rõ hơn tinh thần học tập của các bạn. Người dạy thì cũng thấy bản thân trưởng thành hơn. Những ngày đầu làm gia sư nhiều bỡ ngỡ, khó khăn như khó trong việc soạn bài vì chưa có kinh nghiệm. Giờ em đã tự tin hơn, bản lĩnh hơn, công việc cũng khá thuận lợi...".
Một buổi làm gia sư của Nguyễn Thế Anh.
Nguyễn Minh Dũng, ở phường Quảng Thắng, là học sinh lớp 10, em ít nói và khiêm tốn. Hè này, Minh Dũng được “thầy” Thế Anh kèm học môn Toán. Sau gần 2 tháng học, với Minh Dũng, em có thêm nhiều câu chuyện vui như chia sẻ của Minh Dũng: "Ngoài kiến thức, điều người học cũng rất cần ở người dạy đó là sự hài hước, vui nhộn nhất là khi dạy 1 kèm 1. Đó cũng là cách để người học tiếp thu nhanh, tiến bộ hơn. Em trong quá trình học với gia sư, giờ có khi lại nói nhiều hơn cả thầy giáo".
Hè là nghỉ ngơi, vui chơi nhưng những sinh viên như Hiệp, Nhàn, Thế Anh và nhiều sinh viên khác đã dành cho bản thân một không gian riêng, một niềm vui riêng đó là đi làm “cô giáo, thầy giáo”. Các em với chung một quan điểm, “trau dồi thêm nghiệp vụ sư phạm, kiến thức chuyên môn trước khi trở thành một nhà giáo”.
"Đối với sinh viên, học tập là điều quan trọng nhất. Nhưng với những bạn có mong muốn đi làm thêm, đây cũng là việc rất tốt với các em. Mùa hè ngắn nhưng là cơ hội cho các em trải nghiệm để vững vàng, tự tin hơn trong công việc sau này. Hiện nhà trường và các tổ chức rất quan tâm để hỗ trợ các em như tiếp cận và chia sẻ thông tin, thành lập các câu lạc bộ gia sư. Đoàn trường cũng như thầy cô luôn quan tâm những công việc phù hợp với sinh viên, tránh tình trạng làm nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe và học tập. Đồng thời nhắc nhở, cảnh báo những công việc, việc làm không tốt hoặc vi phạm pháp luật" (Trương Ngọc Bình - Bí thư Đoàn trường, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Hồng Đức).
|
Theo https://vhds.baothanhhoa.vn/