24/05/2021
Tham dự hội thảo có PGS.TS. Hoàng Thị Mai – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; đại diện Sở KH&CN tỉnh Thanh Hóa; lãnh đạo các phòng, ban chức năng; các tác giả có bài tham luận; cán bộ, giảng viên khoa Khoa học Tự nhiên. Tham dự trực tuyến có PGS.TS. Nguyễn Mạnh An, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức; TS. Bành Quốc Tuấn, Viện Ứng dụng công nghệ Việt Nam; TS. Hồ Đình Quang, Trường Đại học Vinh.
Hội thảo nhận được hơn 15 bài báo cáo tham luận của các nhà quản lý, nhà khoa học, các cán bộ giảng viên đến từ Đại học Vinh, Hội Vật lý Việt Nam, Viện Ứng dụng Công nghệ Việt Nam, Đại học Hồng Đức, Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hoá và các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá. Nhìn chung, các tham luận đều hướng tới thể hiện những vấn đề học thuật mới, được thực hiện nghiêm túc, công phu và đầy tâm huyết, tập trung vào các nội dung cơ bản sau: Các nghiên cứu mới về sợi quang, sợi tinh thể quang tử và ứng dụng trong khoa học công nghệ; thực trạng giáo dục đào tạo gắn với kỹ năng thực hành thí nghiệm của học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá; mô hình đào tạo thực hành thí nghiệm về sợi quang gắn với nhu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế tại Trường Đại học Hồng Đức; các giải pháp nâng cao năng lực quản lý và khai thác phòng thí nghiệm.
Với tinh thần khoa học nghiêm túc, Hội thảo đã trở thành một diễn đàn khoa học để các nhà khoa học, các nhà quản lý, các cán bộ giảng viên trong và ngoài trường trao đổi, thảo luận, làm rõ về những thuận lợi, khó khăn của các cơ sở giáo dục, các cơ sở đào tạo trong thực hành thí nghiệm. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực quản lý và khai thác phòng thí nghiệm sợi quang tại Trường Đại học Hồng Đức đạt kết quả tốt, đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Đồng thời, những ý kiến trao đổi, đề xuất trong Hội thảo sẽ được nhóm nghiên cứu tổng hợp, chắt lọc đưa vào đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình đào tạo thực hành về sợi quang với nhu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế tại Trường Đại học Hồng Đức” giúp cho đề tài hoàn chỉnh hơn, có chất lượng tốt hơn, góp phần nâng cao năng lực giảng dạy, NCKH và kỹ năng thực hành của giảng viên, sinh viên Nhà trường./.