09/02/2021
Hội đồng nghiệm thu đề tài gồm có 9 thành viên gồm các nhà khoa học và quản lý đến từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, Bệnh viện Phục hồi chức năng Thanh Hóa, Bệnh viện Triệu Sơn, Công ty Cổ phần Vật tư Y tế Thanh Hóa, Trường Cao đẳng Nghề Thanh Hóa và Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa do TS. Nguyễn Ngọc Túy, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa làm Chủ tịch Hội đồng. PGS.TS Hoàng Thị Mai, Phó Hiệu trưởng và các thành viên trong đoàn đại diện đơn vị chủ trì tham dự.
Dự buổi nghiệm thu còn có các thành viên Hội đồng nghiệm thu, đại diện cơ quan đặt hàng nghiên cứu và các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và cộng tác viên của đề tài.
Trước buổi nghiệm thu, tổ đánh giá đã đi nghiệm thu thực tế sản phẩm tại Bệnh viện Đa khoa Hàm Rồng. Tại đây, tổ đánh giá đã quan sát và thực tế hoạt động của giường bệnh, so sánh, đối chiếu và đánh giá các thông số kỹ thuật của giường bệnh theo Hợp đồng. Tổ đánh giá đã kết luận các thông số đều đạt và vượt chỉ tiêu đặt ra. Qua trao đổi với bác sĩ, bệnh nhân và nhà quản lý, tổ chuyên gia đã xác nhận tính ưu việt của giường bệnh được nghiên cứu và chế tạo.
Tại buổi nghiệm thu, thay mặt nhóm nghiên cứu, PGS.TS. Lê Viết Báu, Chủ nhiệm đề tài đã trình bày báo cáo tóm tắt về quá trình, kết quả nghiên cứu, một số nội dung cơ bản của đề tài và trình bày 8 sản phẩm của đề tài.
Các thành viên của Hội đồng nghiệm thu đánh giá nhóm nghiên cứu đã nỗ lực, sáng tạo và cho ra đời sản phẩm có tính mới, tính sáng tạo và hữu ích phục vụ trực tiếp cho cộng đồng. Tính hiệu quả của sản phẩm đã vượt trội so với yêu cầu của đề tài nghiên cứu. So sánh với các loại giường bệnh trên thị trường, ThS. Đinh Chí Bình, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vật tư y tế Thanh Hóa cho rằng chưa có sản phẩm nào với các tính năng vượt trội như vậy có mặt trên thị trường. Với tư cách là đơn vị đặt hàng, Công ty sẽ đồng hành cùng với nhóm nghiên cứu để có thể sớm có sản phẩm thương mại hóa.
Trên cơ sở ý kiến của Hội đồng, Chủ tịch hội đồng kết luận: Đề tài đã thực hiện đầy đủ các nội dung nghiên cứu và vượt trội về sản phẩm. Trong 8 sản phẩm của đề tài, sản phẩm chính là đã chế tạo được 3 giường bệnh với 4 chức năng: Điều chỉnh tư thế nằm ngửa, nằm nghiêng sang hai bên, nửa nằm, nửa ngồi và ngồi dậy; tập vận động các khớp chi dưới đề phòng cứng khớp, teo cơ, loãng xương và huyết khối tĩnh mạnh; kéo giãn cột sống thắt lưng bằng chính trọng lượng của chính người bệnh để điều trị đau thắt lưng; di chuyển theo điều khiển của nhân viên y tế, bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân. Ngoài ra, giường có thể được cài đặt và điều khiển thông qua điện thoại thông minh giúp quá trình hoạt động của giường hoàn toàn tự động tập các khớp chi dưới và lật nghiêng người theo thời gian thực. Quá trình nghiên cứu cũng cho ra đời 4 giường có chức năng kéo giãn cột sống đang được người bệnh sử dụng. Kết quả nghiên cứu của đề tài có giá trị khoa học và thực tiễn cao, có đóng góp mới, tạo khả năng thương mại hóa sản phẩm, đề nghị đơn vị đặt hàng và Trường Đại học Hồng Đức tạo điều kiện để nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện sản phẩm để có thể sớm thương mại hóa. Điều này hết sức có ý nghĩa cho cả người bệnh, các bệnh viện, Trường Đại học Hồng Đức, Sở Khoa học và Công nghệ và khẳng định khả năng của người Thanh Hóa trong việc nghiên cứu chế tạo và tự động hóa các sản phẩm thiết bị y tế.
Chủ tịch Hội đồng cũng đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện các báo cáo đề tài và lưu ý về tính thẩm mỹ của giường bệnh đa chức năng cũng như tính toán giá thương mại để có thể sớm thương mại hóa sản phẩm.
Với kết quả đạt được, các thành viên Hội đồng đã bỏ phiếu kín với kết quả 9/9 thành viên đánh giá đề tài đạt loại Xuất sắc./.
Xem thêm thông tin về kết quả nghiên cứu tại: https://baothanhhoa.vn/y-te-suc-khoe/co-hoi-moi-cho-benh-nhan-liet-van-dong-cung-khop-voi-giuong-benh-da-nang-hd1/131526.htm