Tiến sĩ Mai Thành Luân và những trăn trở với nông nghiệp hữu cơ

28/05/2023

15 năm gắn bó với giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có hơn 7 năm học tập, làm việc (học thạc sĩ và tiến sĩ) về nông nghiệp tại Nhật Bản, Tiến sĩ Mai Thành Luân - giảng viên Khoa Nông Lâm Ngư nghiệp (Trường Đại học Hồng Đức) không ngừng kiên trì với các nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp ứng dụng cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Anh cũng là gương mặt quen thuộc với “cộng đồng” làm nông nghiệp hữu cơ cả trong và ngoài tỉnh. Phóng viên Báo Thanh Hóa cuối tuần đã có buổi trò chuyện với anh về những góc nhìn trong câu chuyện nông nghiệp hữu cơ.
Media/1_hdu_home/FolderFunc/202305/Images/177d4160509t15041l0-20230528044438-e.jpg

Gắn bó với giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp, Tiến sĩ Mai Thành Luân luôn trăn trở tìm kiếm các giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ.

P.V: Thưa Tiến sĩ Mai Thành Luân, sau hơn 7 năm học tập, nghiên cứu về lĩnh vực nông nghiệp tại Nhật Bản, anh có thể chia sẻ về câu chuyện làm nông nghiệp của người dân đất nước “mặt trời mọc”?

Tiến sĩ Mai Thành Luân: Trong thời gian học tập, nghiên cứu tại Trường Đại học Okayama (Nhật Bản) tôi thường xuyên xuống làm việc với nông dân. Ở Nhật Bản nông nghiệp hữu cơ rất phát triển, chiếm tỉ lệ cao. Ngoài điều kiện khí hậu khá tốt, người nông dân Nhật Bản còn biết ứng dụng các kỹ thuật - các giải pháp cho phát triển nông nghiệp hữu cơ. Cụ thể, khi làm nông nghiệp hữu cơ thì vấn đề đặt ra là làm thế nào để không sử dụng hóa học (phân bón, thuốc trừ sâu). Như khi cây bị sâu bệnh, không dùng thuốc hóa học thì phải dùng cái gì? Vấn đề dinh dưỡng cho cây trồng? Rồi chất lượng sản phẩm làm thế nào để đảm bảo?... Tất cả đều được người nông dân Nhật Bản chú trọng.

Ngoài các giải pháp về kinh nghiệm dân gian, người nông dân Nhật Bản ưu tiên tìm tòi, phát triển và ứng dụng các giải pháp về vi sinh vật cho sản xuất nông nghiệp. Cho đến nay, ứng dụng về vi sinh vật vẫn được đánh giá là giải pháp hợp lý nhằm thay thế một phần phân bón, thuốc hóa học. Ứng dụng vi sinh vật trong sản xuất nông nghiệp được hiểu là bổ sung, kích thích hoạt động của các vi sinh vật có lợi nhằm chống lại các vi sinh vật có hại.

P.V: Về nước, vấn đề ứng dụng vi sinh vật gắn với phát triển nông nghiệp hữu cơ được anh thực hiện như thế nào?

Tiến sĩ Mai Thành Luân: Tại Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng, sản xuất, phát triển nông nghiệp hữu cơ còn rất nhiều tiềm năng.

Với vai trò là người làm công tác giảng dạy và nghiên cứu, năm 2019 tôi cùng các cộng sự và một số sinh viên phát triển trang trại hữu cơ hơn 3.000m2 tại Trường Đại học Hồng Đức nhằm nghiên cứu các giải pháp xử lý vấn đề về sâu bệnh cho cây trồng (phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương); xử lý vấn đề về chuồng trại; biến rác thải hữu cơ thành dinh dưỡng cho cây trồng…

Media/1_hdu_home/FolderFunc/202305/Images/177d4160543t28566l0-20230528044437-e.jpg

Tiến sĩ Mai Thành Luân tuyên truyền và hướng dẫn người dân cách tạo ra những chế phẩm vi sinh vật từ những nguyên liệu có sẵn để thay thế thuốc trừ sâu, phân bón hóa học.

Đặc biệt vấn đề về xử lý sâu bệnh cho cây trồng vô cùng phức tạp. Bởi Việt Nam là đất nước nhiệt đới, sâu bệnh phát triển rất mạnh. Hai vấn đề người làm nông nghiệp hữu cơ phải đối mặt là sâu bệnh và dinh dưỡng. Phải giải quyết được hai vấn đề này thì nông nghiệp hữu cơ mới khả thi. Còn không, tất cả chỉ là lý thuyết.

Tôi quyết định sử dụng giải pháp về vi sinh vật cho những vấn đề đặt ra với nông nghiệp hữu cơ. Bắt đầu bằng việc nghiên cứu ra chế phẩm Tricho-HDU để phòng, trừ bệnh cho cây trồng và sử dụng để ủ phân hữu cơ.

Một trong những ưu điểm của vi sinh vật là tạo nên những “bẫy” tự nhiên nhằm “khống chế, chiến thắng” hiệu quả các mầm bệnh gây hại có trong đất mà ngay cả thuốc hóa học cũng không xử lý triệt để được, hoặc nếu sử dụng thuốc hóa học thì phải dùng một lượng rất lớn, vô cùng độc hại.

Tiếp đó là nghiên cứu thành công chế phẩm Bokashi-HDU sử dụng để xử lý rác thải hữu cơ, mùi hôi chuồng trại, bể phốt… đặc biệt là xử lý rác thải sinh hoạt thành phân bón hữu cơ sử dụng ngay trong mỗi gia đình. Sau khi nghiên cứu thành công chế phẩm trong phòng thí nghiệm, bên cạnh việc phối hợp với một số doanh nghiệp để nghiên cứu, hướng tới sản xuất sản phẩm đại trà; chúng tôi đã phối hợp với một số địa phương trên địa bàn tỉnh nhằm tuyên truyền, hướng dẫn người dân tự làm - sử dụng các men vi sinh có sẵn (sữa chua, cám gạo, nước vo gạo, lá cây…) nhằm xử lý các vấn đề về chuồng trại chăn nuôi, cũng như tạo phân bón hữu cơ ngay tại chỗ, bước đầu đã có sự lan tỏa trong cộng đồng, cho hiệu quả khá tốt.

Các chế phẩm như Tricho-HDU hay Bokashi-HDU không phải phát minh, sáng tạo hoàn toàn mới. Từ những kiến thức, kinh nghiệm tiếp thu được trong quá trình học tập, nghiên cứu tại Nhật Bản, tôi phát triển tạo ra chế phẩm phù hợp với điều kiện tự nhiên, môi trường, khí hậu của trong nước. Mục tiêu quan trọng của những nghiên cứu ứng dụng vi sinh vật là hướng đến cộng đồng.

P.V: Ngoài các giải pháp hữu cơ thay thế thuốc, phân bón hóa học, theo anh, câu chuyện làm nông nghiệp hữu cơ một cách chuyên nghiệp và bền vững hiện nay còn có những vấn đề nào đang đặt ra?

Tiến sĩ Mai Thành Luân: Với sự thay đổi nhận thức, hiện nay có một bộ phận - đặc biệt là những người trẻ đã và đang đam mê theo đuổi con đường làm nông nghiệp hữu cơ bền vững. Dù tỉ lệ chưa nhiều nhưng tôi cho rằng đây là tín hiệu rất tích cực trong câu chuyện phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Tuy nhiên, nếu muốn phát triển nông nghiệp hữu cơ một cách chuyên nghiệp và bền vững thì các nhà sản xuất và sản phẩm hữu cơ cần phải được “bảo hộ” bởi các quy định luật pháp rõ ràng. Tại Việt Nam hiện nay, vấn đề nông nghiệp hữu cơ thực tế có quá nhiều vấn đề phải bàn do sự thiếu minh bạch, không được quản lý chặt chẽ, nhiều sản phẩm nông nghiệp “gắn mác” hữu cơ song lại nhập nhèm nguồn gốc, đến khi bị phát hiện thì gây hoang mang, bức xúc dư luận, từ đó gây mất niềm tin của người tiêu dùng với các sản phẩm hữu cơ thực sự.

Media/1_hdu_home/FolderFunc/202305/Images/177d4160557t1364l0-24-20230528044434-e.jpg

Có 3 vấn đề về nông nghiệp hữu cơ đang được đặt ra và cần được giải quyết. Thứ nhất là vấn đề quản lý sản xuất nông nghiệp - để những người làm nông nghiệp hữu cơ nghiêm túc được bảo vệ. Khi Nhà nước tạo được “sân chơi” sòng phẳng, minh bạch thì không chỉ các nhà sản xuất nông nghiệp hữu cơ mà ngay cả người tiêu dùng cũng không phải “vật lộn” phân biệt sản phẩm thật, giả.

Thứ hai là trách nhiệm của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu phải tìm ra được các giải pháp cho nông nghiệp hữu cơ. Cho đến nay, ứng dụng vi sinh vật trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ được đánh giá là một trong những giải pháp hiệu quả. Tuy nhiên sản xuất hữu cơ quy mô lớn khác rất nhiều với sản xuất hữu cơ nhỏ, lẻ. Và khi người dân đầu tư làm nông nghiệp hữu cơ quy mô lớn, họ cần có những giải pháp để xử lý những vấn đề xảy ra.

Và thứ ba chính là giải pháp về cộng đồng. Công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người dân là rất quan trọng. Bởi Việt Nam là đất nước nông nghiệp song phần lớn vẫn là sản xuất nông hộ, quy mô nhỏ. Bao năm người dân vẫn quen với sự dễ dãi của thuốc, phân bón hóa học. Dù biết hóa học độc hại song không phải người dân nào cũng biết được giải pháp thay thế. Vì vậy, cần phải có sự phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn để nâng cao trình độ dân trí, để người dân thay đổi nhận thức, tự tạo các chế phẩm vi sinh thay thế từng bước hạn chế thuốc hóa học, tiến tới làm nông nghiệp hữu cơ bền vững. Nông nghiệp hữu cơ không phải câu chuyện có thể “đi” nhanh, song nó là xu hướng tất yếu mà lợi ích của nó hướng đến cả cộng đồng.

Khánh Lộc (https://vhds.baothanhhoa.vn/)

Tin nổi bật

Tuyển sinh 2024

TIN LIÊN QUAN